Những nhóm phượt... bất ổn

07/08/2023 17:12 GMT+7

Nhu cầu và xu hướng đi phượt của người trẻ ngày càng nhiều. Cũng từ đó, rất nhiều nhóm phượt đã ra đời, tuy nhiên cũng có một số nhóm và thành viên ảo trong các nhóm phượt lợi dụng để kiếm tiền, lừa đảo.

Dễ dàng trà trộn vào các nhóm phượt để kiếm tiền

8 giờ tối, tại khu vực Hồ Tây (TP.Hà Nội), Lê Viết Tuyên (27 tuổi), ngụ tại P.Mỹ Đình, Q.Nam Từ Liêm, cùng nhóm bạn phượt ngồi trà đá vỉa hè. Bàn thảo tầm 15 phút, nhóm Tuyên đăng bài lên một nhóm phượt trên mạng tuyển người cùng đi TP.Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Không lâu sau khi bài đăng lên, đã có 4-5 bạn nữ tiếp cận nhóm với ý muốn cùng tham gia và sau đó các bạn nữ này lên những chiếc xe máy còn trống của nhóm để bắt đầu chuyến đi.

Những nhóm phượt lộn xộn - Ảnh 1.

Hình ảnh quen thuộc của những nhóm phượt đi thành đoàn nhiều xe máy

TRÍ NGHĨA

Không có kế hoạch hay lịch trình cụ thể, nhóm cứ thế đi. Tuyên không biết rằng, 1 trong những bạn nữ đó là "cò mồi" cho các quán nhậu. Về sau, khi thấy bạn nữ đăng nhiều bài tuyển thành viên đi phượt, Tuyên mới nhận ra rằng đây là những người dẫn dắt dân phượt để lấy hoa hồng từ các quán ăn.

N.T.Q (27 tuổi), ngụ tại P.Cổ Nhuế, Q.Bắc Từ Liêm (TP.Hà Nội), người từng dẫn những đoàn phượt ở Hà Nội đi các tỉnh miền núi phía bắc, cho biết: “Những quán nhậu có đội ngũ "cò mồi" sẽ nâng giá lên. Mỗi món ăn có giá đắt hơn bình thường khoảng 40.000-50.000 đồng. Tuy nhiên, món ăn không ngon và khẩu phần rất ít”.

Mỗi tuần sẽ có khoảng 5 chuyến đi như vậy, Q. bỏ túi được khoảng 5.000.000 đồng. Q. thường nhận mọi lời mời tham dự những cuộc nhậu từ các hội, nhóm phượt để mở rộng mối quan hệ. Không ai biết rằng, Q. đang liên kết với quán nhậu để dẫn khách đến và hưởng hoa hồng.

Q. thừa nhận có rất nhiều "cò mồi" trong các nhóm phượt để kéo khách vào các dịch vụ ăn uống, thời trang, mua bán và sửa xe, hay các bar, pub, karaoke... Chất lượng của các dịch vụ này thường không cao nhưng có nhiều chiêu trò mời gọi để thu tiền.

Các nhóm phượt trên mạng xã hội hiện nay thường có hàng trăm ngàn đến hàng triệu thành viên. Ngoài những hoạt động ý nghĩa, trên một số nhóm cũng không ít bài đăng phàn nàn, bóc phốt nhau. Các vụ tố giác hay cảnh báo lừa đảo và gạ gẫm tình ái là những câu chuyện xuất hiện không ít trong những hội, nhóm phượt.

Những nhóm phượt lộn xộn - Ảnh 2.

Nhiều bạn thích đi phượt xa khỏi thành phố để hòa mình vào thiên nhiên

TRÍ NGHĨA

Anh Phạm Phú Quốc, người sáng lập nhóm "Thích đi phượt" trên Facebook với gần 70.000 thành viên, cho biết hiện nay vẫn còn rất nhiều người mạo danh phượt thủ để lừa đảo, thu lợi kinh tế. Để kiếm tiền, nhiều người không có kiến thức về phượt cũng tổ chức dẫn tour. Điều này dẫn đến nhiều trải nghiệm rất tệ cho các phượt thủ vì cảm giác như bị lừa dối.

Anh Quốc nhận định thêm: "Nhiều bạn vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về việc đi phượt. Mình luôn hướng các thành viên trong nhóm đến những hoạt động mang tính chất trải nghiệm, khám phá và học hỏi kiến thức nhiều hơn từ các chuyến phượt. Tuy nhiên, rất khó để làm điều này vì đa số các bạn trẻ chỉ nghĩ rằng đi phượt là để tụ tập ăn uống, chụp ảnh".

Mất tiền vì những nhóm phượt... ảo

Hoàng Quốc Minh (24 tuổi), ngụ tại đường Hàn Thuyên, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, từng tham gia 3 nhóm phượt. Đầu tháng 7.2023, 1 trong 3 nhóm phượt Minh tham gia có tổ chức phượt thiện nguyện, đi từ TP.HCM đến TP.Hà Nội bằng xe máy.

Trong chuyến phượt thiện nguyện này, Minh cùng nhóm bạn được phát dĩa đồ ăn chỉ đủ cho 3 người ăn, trong khi đó đoàn của Minh có đến 12 người. Trước khi đi, mỗi người đã đóng phí tham dự là 3.000.000 đồng, chưa bao gồm tiền ăn. Đến khi tham gia thì phải đóng 300.000 đồng cho mỗi bữa ăn, nhưng lúc nhận phần ăn thì thấy rất đắt, chỉ đáng giá khoảng 30.000 đồng.

"Không những thế, thành viên trong nhóm mình cũng không có chỗ ở, mặc dù trong 3.000.000 đồng tiền phí tham dự đã bao gồm chỗ ở. Muốn có chỗ ở, mỗi người phải đóng thêm 300.000 đồng. Người tổ chức tour phượt lấy nhiều lý do để ngụy biện. Mình và các bạn đi cùng hiểu rằng đã bị lừa, nhưng đi tiếp không được, dừng lại cũng không xong", Minh nói về lần đi phượt bất ổn với các nhóm tự phát.

Những nhóm phượt lộn xộn - Ảnh 3.

Tổ chức ăn nhậu và giao lưu với người lạ là những hoạt động thường diễn ra của một số nhóm phượt

TRÍ NGHĨA

Đỗ Thanh Tùng (28 tuổi), ngụ tại P.Tô Hiệu, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La, từng tham gia 5 nhóm phượt, có lần còn bị lừa mất tiền. Sở dĩ, Tùng chuyển nhiều hội nhóm khác nhau vì không thấy hội nhóm nào thực sự quan tâm đến hoạt động phượt có ý nghĩa. Ăn nhậu là hoạt động chính trong đa số sự kiện và các buổi giao lưu của các nhóm phượt.

Cuối tháng 6.2023, Tùng đăng ký tham dự tour phượt đến Hà Giang. Vì là tour phượt kết hợp thăm hỏi người khó khăn vùng cao nên Tùng rất háo hức. Để tham gia, Tùng đóng trước 500.000 đồng. 4 giờ sáng, Tùng đến điểm tập trung thì không thấy ai, số điện thoại người đại diện không liên lạc được. Đứng ngẩn ngơ 30 phút, Tùng mới biết mình gặp trúng nhóm ảo. Về sau, Tùng nhận ra có không ít nhóm phượt ảo như vậy đang tồn tại trên mạng xã hội.

Vũ Thị Thu Thảo, phụ trách truyền thông của tổ chức đạp xe xuyên Việt "Hành trình kết nối yêu thương", nhận định: “Những sự việc lừa đảo trong các cộng đồng phượt là không hề ít. Bản chất của việc đi phượt là hoạt động mang tính cá nhân nên rất khó để kiểm soát. Bạn trẻ đi phượt nên tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng cho mình sức khỏe, sự hiểu biết, kỹ năng mềm, tài chính… để tránh bị lừa, lợi dụng bởi những phượt thủ giả danh".

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 7.8

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.