Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), mưa sao băng Perseids (Anh Tiên) là một trong những màn trình diễn sao băng ấn tượng nhất năm luôn được người yêu thiên văn săn đón.
Năm nay, mưa sao băng đạt cực đại vào tối 12, rạng sáng 13.8 với số lượng sao băng trung bình có thể ngắm là 100 vệt/giờ. Dưới đây là một số địa điểm lý tưởng ở Việt Nam để quan sát mưa sao băng này.
1. Cô Tô (Quảng Ninh)
Một đảo tuyệt đẹp nằm ở tỉnh Quảng Ninh, còn hoang sơ với cát trắng, biển xanh, bờ cát thoai thoải, rừng núi xanh thẳm. Đây là địa điểm lý tưởng cho những buổi tối thả người nằm dài trên cát, ngắm trăng, đếm sao, nghe gió và biển lãng đãng và đặc biệt là ngắm mưa sao băng Perseids sắp đạt cực điểm.
2. Núi Bù Xèo (Thanh Hóa)
Bù Xèo là đỉnh núi trung tâm ngay sau thị trấn Thường Xuân (Thanh Hóa). Ngọn núi này còn có tên gọi khác là Pù Me hay Pù Mé. Pù trong tiếng Thái có nghĩa là núi, về sau, người Kinh đọc dọn đi thành Bù. Trên đỉnh núi có một bãi cỏ đối diện rộng, có thể sử dụng để cắm trại. Tuy nhiên, để leo lên các đỉnh núi mà bạn không có cách nào khác ngoài việc đi bộ.
3. Đồi Pú Nhi (Sơn La)
Cách Hà Nội chừng 170 km, cái đẹp của Pu Nhi được ví như "Đà Lạt thu nhỏ". Ngọn đồi nhỏ giữa lòng Tây Bắc giữa bạt ngàn sương mù. Theo đó, tháng 8 này sẽ xuất hiện những biển mây trắng xóa bồng bềnh thơ mộng trên đồi Pú Nhi.
Không những vậy, đêm ta có thể đắm chìm vào đường cong của ngân hà, thức dậy vào sáng sớm ta được chiêm ngưỡng cảnh sắc lung linh của mặt trời ló dạng từ phía xa. Hơn nữa, Pu Nhi rất gần Tà Xùa, rất thích hợp để lên kế hoạch tập hợp nhóm bạn trải nghiệm những địa điểm này.
4. Cao nguyên Đồng Cao (Bắc Giang)
Ấn tượng đầu tiên của bạn khi đặt chân đến đây là khung cảnh rất hoang sơ. Cao nguyên Đồng Cao được ví như “Mẫu Sơn thu nhỏ” của Bắc Giang bởi cảnh núi non hùng vĩ, có đồi núi nhấp nhô, có thảo nguyên xanh mát, có rừng nguyên sinh, có địa hình thung lũng và không khí trong lành. Đến với Đồng Cao khiến bạn có giác như trời đất hòa làm một bức tranh sống động đầy mê hoặc.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) chỉ ra một số điểm cần lưu ý khi quan sát mưa sao băng Perseids:
1. Bạn cần theo dõi tình hình thời tiết. Nếu trời có mây mù hay mưa thì không có bất cứ hi vọng nào. Nếu không mưa, để kiểm tra một cách tốt nhất, trước thời điểm quan sát vài phút hãy ra nơi bạn định quan sát và nhìn lên bầu trời phía đông, đông bắc khoảng 5 phút để mắt bạn quen với bóng tối. Nếu bạn có thể thấy khá nhiều các ngôi sao trên bầu trời thì tức là bạn chắc chắn thấy được sao băng.
2. Bạn không cần ống nhòm hay kính thiên văn hoặc bất cứ dụng cụ nào để nhìn thấy sao băng. Mắt thường chính là cách quan sát tốt nhất.
3. Hãy kiên nhẫn! Mưa sao băng không giống như pháo hoa như nhiều người tưởng. Ngay cả ở lúc cực điểm và với điều kiện quan sát lý tưởng, khoảng thời gian giữa các sao băng có thể từ vài giây cho tới nhiều phút. Những ảnh chụp mưa sao băng với nhiều vệt sáng cùng lúc mà bạn thường thấy là những bức ảnh chụp ở chế độ phơi sáng nhiều phút, không phải hình ảnh bạn có thể thấy tức thời.
4. Hãy chọn góc nhìn rộng hướng về phía đông bắc và tư thế nằm hoặc ngồi dễ chịu nhất vì bạn sẽ không muốn đứng ở tư thế ngửa mặt lên trời hàng giờ liền. Những khu vực có quá nhiều ánh đèn đô thị hay khói bụi từ các công trường sẽ gặp nhiều cản trở hơn đối với việc quan sát.
5. Đừng quên chú ý bảo vệ sức khỏe và các vấn đề an ninh khi bạn quan sát ngoài trời vào sau nửa đêm.
Bình luận (0)