Chuyện của người xa xứ
Có mặt tại Sân 4A Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM từ tờ mờ sáng, cô Phan Thị Thêu (65 tuổi) tay xách nách mang xếp hàng trong đoàn người về quê Quảng Ngãi. Tranh thủ ăn vội ly mì lót dạ, cô rôm rả trò chuyện cùng những người xung quanh. Ở quê không có việc, cô vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, thấm thoắt đã mấy chục năm. Trong này, cô cùng mấy chị em thuê một phòng trọ ở quận 7 để tá túc. Con cô Thêu học đại học ở Thủ Đức, mang tiếng là cùng một thành phố mà có đến mấy tháng hai mẹ con chẳng gặp nhau. Cô kể: “Đáng lẽ cô định Tết này không về đâu, tại mới bị tai nạn bỏng nước đường trong lúc đi bán. May mà đứa con đăng ký vé chương trình này nên về được. Mới đầu định là nó lên chỗ cô, hai mẹ con nấu một bữa ăn rồi về chung. Mà rồi có được đâu, nó bận nên giờ cô về trước một mình”.
Cô Phan Thị Thêu tranh thủ ăn sáng trước khi lên xe về quê |
Từ Thắng |
Cách đó không xa là một người đàn ông thấp gầy, ôm khư khư một túi ni lông màu đỏ trên tay. Chú là Nguyễn Văn Toàn (69 tuổi, đang trọ ở Q.5), người sẽ về Phú Yên trên chuyến xe ngày hôm nay. Chiếc túi trên tay là số thuốc trị bệnh tim tháng này. Hỏi ra mới biết, chú Toàn rời quê nhà vào Sài Gòn bán vé số hơn chục năm nay. Mỗi tháng cao lắm chỉ kiếm được 5 triệu, chú dùng cả để nuôi con ăn học và chữa bệnh. Chú bị bệnh tim từ năm 2012, phải tái khám định kỳ mỗi tháng 1 lần nên vào đây khám bệnh rồi ở đây kiếm sống luôn. Chú kể: “Tại ở quê không có việc, vào trong này thấy người ta bán được thì mình bán theo. Tiền chữa bệnh thì mình tự trả, nhưng được hỗ trợ 50% hoặc hơn vì mình thuộc diện nghèo. Mỗi lần đi khám thường mất cả ngày, có khi khám đến 2 ngày mới xong. Khám nhiều, người ta thử máu, siêu âm gan tim tất cả. Hồi đầu chữa ở Chợ Rẫy được 3 năm xong qua Bệnh Viện tim đến tận giờ. Đống thuốc này là chú mới đi lấy đó, phải giữ kỹ chứ không sợ mất. Mất thuốc coi như là mất hết tài sản”.
Số thuốc chữa bệnh tim mới nhận được chú Nguyễn Văn Toàn xem là tài sản quý giá nhất |
Từ Thắng |
Đoàn xe về Quảng Ngãi sáng nay cũng có sự xuất hiện của một nhân vật rất đặc biệt. Cô là Nguyễn Thị Khế, đến Nhà Văn hóa Thanh Niên với một chiếc nạng trên tay. Một vụ tai nạn bất ngờ đã khiến cô Khế mất đi toàn bộ chân phải và tay trái. Không còn sức lao động, cô Khế chọn nghề bán vé số để mưu sinh dù biết thu nhập nghề này bấp bênh. Bình thường cô phải ngồi xe lăn để đi bán khắp các con phố ở Sài Gòn. Năm nay là lần đầu tiên cô Khế được Ban tổ chức chương trình Tết sum vầy trao tặng vé nên vui đến mất ngủ. Cô bảo: “Hai mẹ con chuẩn bị tờ mờ sáng. Dậy là bắt xe ra đây liền. Nghe tụi con dặn không mang hành lý cồng kềnh nên cô chống nạng cho tiện”. Sau lớp khẩu trang, nụ cười vẫn lấp lánh trên mắt người phụ nữ ở tuổi ngũ tuần.
Cô Nguyễn Thị Khế di chuyển ra xe về Quảng Ngãi sáng 12.1 |
Từ Thắng |
Trời hửng sáng là lúc sân Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM bắt đầu rộn rã tiếng cười nói của những bạn sinh viên. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau của miền Trung, nơi phải hứng chịu ảnh hưởng của rất nhiều cơn bão trong năm nay. Em Đoàn Nhật Anh (sinh viên trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, quê Quảng Bình) chia sẻ: “Năm nay bão to nên nhà em mất mùa cả. Bố mẹ ở quê lo chạy vạy khắp nơi để đủ tiền đóng học phí cho hai anh em trong này. Hôm qua gọi điện về, bố mẹ bảo vẫn chưa sắm sửa gì cho Tết cả, chỉ mong chúng em về là được. May mà em có vé của chương trình, chứ không ở nhà bố mẹ không có tiền sắm tết, chúng em còn không về nữa thì buồn lắm”.
Các bạn sinh viên tranh thủ trò chuyện trước giờ khởi hành |
PV |
Hành lý ngày trở về của một bạn trẻ, không quên cầm thêm ly mì để ăn trên đường |
Từ Thắng |
Đặt chân lên xe là đã thấy Tết
Những câu chuyện kể trên chỉ là số ít trong số 1.600 câu chuyện của những người xa quê trên chuyến xe Tết sum vầy năm nay. Dù 6g30 sáng lễ tiễn mới chính thức bắt đầu nhưng từ hơn 4 giờ sáng, Sân 4A Nhà Văn hóa Thanh Niên (Số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM) đã đầy ắp người. Tất cả đều chờ đợi thời khắc những chiếc xe Tết sum vầy lăn bánh, với đích đến là 14 tỉnh thành miền Trung gồm Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Đây là quê nhà, là gia đình, là nơi họ trông ngóng được sum vầy sau một năm dài vất vả mưu sinh nơi đất khách.
Chương trình “Chuyến xe Tết sum vầy Xuân Quý Mão 2023” do Báo Thanh Niên phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM và Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức. Tham dự lễ tiễn có đồng chí Nguyễn Văn Hiếu (Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM), đồng chí Trần Thu Hà (Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam TP.HCM), nhà báo Lâm Hiếu Dũng (Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên), ông Shimada Shigeru (Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam)…
Lễ tiễn chuyến xe Tết sum vầy nhận được sự quan tâm của nhiều đồng chí lãnh đạo và đại diện các doanh nghiệp |
PV |
Đại diện Hội sinh viên Việt Nam TP.HCM, đồng chí Trần Thu Hà cho biết: “Chúng tôi mong rằng, thông qua chương trình này, các bạn sinh viên sẽ cảm nhận được giá trị nhân văn, ý nghĩa của sự chia sẻ, tình nhân ái. Dù các bạn có gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh hay bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống, bên cạnh gia đình nhỏ của mình, các bạn vẫn có gia đình lớn là chúng tôi, là TP.HCM bao dung, nghĩa tình”.
Chia sẻ sau lễ tiễn, ông Shimada Shigeru (Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam) nhấn mạnh: “Acecook Việt Nam đã đồng hành cùng Báo Thanh Niên và Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức chương trình Tết sum vầy được 4 năm. Năm nay ngoài chi phí vé xe, chúng tôi cũng tài trợ thêm 2.000 thùng mì Hảo Hảo làm quà tặng cho sinh viên và người lao động. Lý do chúng tôi đồng hành cùng chương trình suốt nhiều năm là bởi giá trị cốt lõi của Acecook Việt Nam là 3 chữ H, tức là 3 chữ Happy. Chữ Happy thứ nhất là mang lại hạnh phúc cho khách hàng, chữ Happy thứ 2 là mang lại hạnh phúc cho nhân viên và chữ Happy thứ 3 là mang lại hạnh phúc cho xã hội. Hoạt động chuyến xe Tết sum vầy của Báo Thanh Niên hiện nay là phù hợp với chữ H thứ ba của Acecook Việt Nam là mang lại hạnh phúc cho xã hội nên chúng tôi rất mong muốn được đồng hành”.
Nhà báo Lâm Hiếu Dũng thay mặt Báo Thanh Niên trao hoa cảm ơn ông Shimada Shigeru, đại diện nhà tài trợ |
PV |
Lễ tiễn chương trình Chuyến xe Tết sum vầy 2023 đã diễn ra ngắn gọn và thành công với sự hỗ trợ nhiệt tình của lực lượng tình nguyện viên, 1.600 sinh viên và người lao động đã lên xe về quê trong buổi sáng cùng ngày. Năm nay, Ban tổ chức ghi nhận một số trường hợp người lao động đăng ký trễ hạn so với thông báo. Đây đều là những trường hợp có hoàn cảnh vô cùng khó khăn và rất cần sự giúp đỡ kịp thời của chương trình. Để giữ đúng tinh thần nhân văn, nghĩa tình và không ai bị bỏ lại phía sau, Ban tổ chức đã bố trí thêm một xe dự phòng với điểm đến là Hà Tĩnh, để những người mong muốn về các tỉnh thành nằm trên lộ trình giữa TP.HCM và Hà Tĩnh có thể về quê sum họp cùng gia đình.
Các phần quà tặng là thùng mì gói Hảo Hảo của Acecook Việt Nam cũng được bố trí đầy đủ trên xe bổ sung này, tương đương các xe khác nhằm mang thêm niềm vui cho hành trình về quê của mọi người |
Từ Thắng |
Một số hình ảnh khác về chương trình
Không khí rộn ràng tại lễ tiễn sáng 12.01 |
PV |
Không ít gia đình cùng nhau trở về sau một năm làm ăn xa quê trên chuyến xe Tết sum vầy |
PV |
Nụ cười hạnh phúc của sinh viên trong ngày về quê đón Tết |
PV |
Phần quà Tết là những thùng mì Hảo Hảo được trao đến tay từng người |
PV |
Lời chào tạm biệt và chúc năm mới may mắn, bình an trước giờ xe lăn bánh |
PV |
Bình luận (0)