Những phận người sau đám cháy

Vũ Hân
Vũ Hân
19/09/2018 05:59 GMT+7

Sáng 18.9, chúng tôi tìm gặp những người nghèo bị “bà hỏa” đẩy ra đường đêm hôm trước, sau vụ cháy nhà trọ quanh Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), hóa ra lại gặp nhiều nhóm từ thiện hơn người nghèo!

Sau vụ cháy, sáng qua họ vẫn phải tiếp tục đưa con đi chữa bệnh.
[VIDEO] Gào khóc thảm thiết vì cháy nhiều căn nhà ở Đê La Thành
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến Nhà văn hóa khu phố 5 và 6 của P.Ngọc Khánh (Q.Ba Đình, Hà Nội), chỉ thấy các nhóm từ thiện đội áo mưa ngơ ngác nhìn nhau. Không còn gia đình bệnh nhi nào ở nhà văn hóa nữa.
Hỏi han khắp nơi, hóa ra ngoài một số tự rời đi, một số gia đình khác được đưa vào nhà khách của Bệnh viện Nhi Trung ương. Liên lạc với bệnh viện để hỏi địa chỉ “nhà khách”, chúng tôi bị từ chối với lý do: muốn tiếp cận các gia đình phải có ý kiến của ban giám đốc (!?).
Người nhà bệnh nhi tập trung bên nồi cháo từ thiện Ảnh: Vũ Hân
Còn có những tấm lòng
Cuối cùng, sau vài tiếng lang thang, quả thật chúng tôi gặp họ, rất đông, quanh... nồi cháo từ thiện. Quá giờ nghỉ trưa, chỉ tầm hơn 2 giờ chiều, dù trời còn mưa lất phất, họ đã lần lượt ôm con ôm cháu ra đường xin cháo, xin cơm, xin bộ quần áo cho con mặc, chật kín cả đoạn cổng vào bệnh viện. May quá, chen chúc cùng với cái nghèo chiều nay có cả những tấm lòng. Và vì thế, cuộc đời trở nên không quá thê lương.
Người đầu tiên mà tôi để ý trong đám đông là một bà lão ôm cháu. Một phần vì đứa bé nhỏ xíu xiu đã có hẳn một vệt sẹo dài quanh đầu, dấu vết của việc mở hộp sọ. Một phần vì bà lão lớn tuổi mặc một cái áo cũ vá. Bà là Đỗ Thị Tĩnh, quê ở TT.Nông trường Yên Sơn, Văn Chấn, Yên Bái, đưa cháu là Nguyễn Đăng Nguyên đi chữa bệnh bại não.
Bố mẹ phải ở nhà kiếm tiền, nên từ 3 tháng tuổi, bà đã rong ruổi cùng cháu đi về Hà Nội - Yên Bái. Cứ mỗi tháng phải ở Hà Nội 20 ngày, nên bà được coi như công dân vĩnh viễn của cái xóm nghèo quanh bệnh viện. Đêm kia, lửa đã thiêu rụi tài sản của 2 bà cháu, chỉ còn đúng một cái ô bà cầm trên tay và một miếng áo mưa rách. Bà bảo chỉ mất quần áo, giấy tờ, thuốc men của cháu, còn tiền không có nhiều, chỉ có mấy trăm. Tôi hỏi đêm nay ngủ đâu? Bà bảo đêm xuống mới tính, rồi cất tiếng gọi: “Long Nhật ơi!”.
Nghe tiếng gọi, một phụ nữ trẻ bế em bé rất kháu khỉnh nhưng nét mặt hơi ngơ ngác đi tới. Mấy người đứng xung quanh lao xao giới thiệu: “Nhà này mà kể hoàn cảnh ra thì ít người ở đây dám kêu là khổ”. Chị Nguyễn Thị Thơm, 31 tuổi, ở xã Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định, có 3 người con mà 2 cháu bại não. Người con cả năm nay 9 tuổi chỉ biết nằm một chỗ, chồng chị là anh Bùi Xuân Phòng phải túc trực bên cạnh luôn luôn để phục vụ. Chị thì một mình bế Long Nhật, chưa được 1 tuổi, xuống Viện Nhi, cũng mỗi tháng 20 ngày. Chỉ chia nhau ra trông con, 2 vợ chồng không làm ăn được gì, tiền ăn uống, chữa bệnh đều là vay mượn. “Còn vay được là còn phải vay, chỉ mong cháu ít nhất cũng tự đi lại được. Con lớn đã nằm một chỗ, con bé cũng vậy thì trước là khổ con, sau là khổ bố mẹ”, chị Thơm bảo.
Nghe tin cháy ở Hà Nội, người bố ở quê gửi vội cháu cho ông nội ngược lên, muốn đón vợ con về vì đồ đạc đã cháy hết, cái bỉm cho con cũng không còn. Chị Thơm lại muốn ở lại đợi tái khám cho con, nên cứ động viên chồng về, còn mình thì tiếp tục ôm con lang thang cổng viện...
Mẹ con Ma Thị Si
Vẫn phải cầm cự
Lẫn trong nhóm xếp hàng đợi cháo từ thiện, nhưng lại rất dễ nhận ra, là vợ chồng anh Nguyễn Duy Hồng, vì cháu nhỏ trên tay anh có nước da vàng như nghệ. Cháu Nguyễn Cát Tường Vy, 6 tháng tuổi, từ khi sinh ra đến nay hầu như chưa được về nhà. Cháu bị vàng da, nhưng lại thuộc diện bệnh hiếm gặp, các bác sĩ cũng không kết luận được nguyên nhân. Sau mấy tháng bế con vào TP.HCM chữa không đỡ, vợ chồng anh chuyển hướng ra Hà Nội. Cũng giống bao người khác, đám cháy thiêu sạch mọi tài sản, đồ đạc của vợ chồng anh, kể cả giấy khai sinh, bệnh án của Tường Vy. Đêm qua bố mẹ ôm con ngồi ghế đá bệnh viện. Đêm nay, anh đang tính đi thuê trọ, vì con nhỏ không có chỗ nghỉ thì tội nó. Dù còn đồ đạc hay không, anh chị cũng phải cầm cự ở đây ít nhất 1 tuần nữa đợi tái khám, vì cháu bị rối loạn đông máu, bác sĩ không dám cho về.
Hỏi hoàn cảnh gia đình anh, đương nhiên là nghèo, vì không ai có điều kiện mà lại ở khu trọ mấy chục nghìn một ngày đêm, vừa chật hẹp, vừa tối tăm này cả. “Vợ làm may, em làm thợ hồ, nửa năm nay con bệnh thì không làm được gì hết, nên tiền vay mượn chỉ để lo cho cháu. 2 vợ chồng sống cho qua ngày thôi, chủ yếu ăn cơm từ thiện”.
Bố con anh Nguyễn Duy Hồng
Số phận tương tự là anh Vũ Văn Hệ, người xóm Bãi Ngang, xã Diễn Vạn, Diễn Châu, Nghệ An; đưa con là cháu Vũ Cao Hà, 7 tuổi, xuống chữa bại não. Cháu Hà khác hơn là bị bệnh rất nặng, nằm như thực vật, nên nằm viện nhiều hơn nằm nhà. Có đợt cao điểm, cháu nằm viện nguyên một năm liền, vì còn phải dùng đến máy móc để hút đàm, đo ô xy máu... Đợt vừa rồi, anh Hệ vừa xuống tiền sắm hẳn mấy cái máy hàng chục triệu đồng, với hy vọng đưa cháu về nhà cho đỡ khổ, thì trận cháy đốt sạch mọi thứ của anh.
Trong đám người mắt vằn đỏ vì lo âu, chúng tôi cũng gặp những vẻ mặt vô lo như Ma Thị Si, người Mông ở xã Thải Giảng Phố, Bắc Hà, Lào Cai. Tôi hỏi mãi mới ra được cái địa chỉ ấy, riêng tên bản thì chịu không thể luận ra, vì Si không sõi tiếng phổ thông. Con Si là Giàng Thị Ngọc, 15 tháng tuổi, không có hậu môn, nên phải xuống đây mổ và phải ở Hà Nội 1 tháng cho bác sĩ theo dõi. Hai mẹ con Si ở trọ nhà ông Hiệp “khùng”, người đang gây tranh cãi ầm ĩ trên mạng xã hội hôm nay. Si không quan tâm đến việc đó, chỉ biết mỗi ngày phải trả ông chủ 15.000 đồng một người, kể cả cháu Ngọc 15 tháng tuổi cũng tính, nên hai mẹ con là 30.000 đồng. Đêm qua ngơ ngác không biết đi theo đoàn để ngủ miễn phí, nên Si phải thuê một nhà trọ khác. Hôm nay thì Si chưa tính gì hết. Tôi hỏi có còn nhiều tiền không? Si bảo không, nhưng vẫn cười. Tôi nghĩ có thể sẽ kêu gọi bạn bè giúp được gì đó cho Si, như những người tôi gặp hôm nay, nên xin số điện thoại. Si có điện thoại, nhưng không biết số.
Nói thế, và lại cười.
Chiều tối, tôi rời đoạn đường 20 m đậm đặc thân phận ở cổng Viện Nhi, mang theo băng ghi âm dài ngoằng những câu chuyện nghèo khổ mà tôi nghe được. Ngày mai chuyện gì sẽ đến, họ không biết, chỉ biết một điều chắc chắn là họ sẽ phải bám cái cổng bệnh viện này, chữa bệnh. Xóm trọ nghèo này rồi cũng sẽ sớm “tái sinh”, nếu không phải là Tường Vy, Đăng Nguyên, Long Nhật... thì cũng là các bé khác lại về.
Chủ khu nhà trọ bị cháy kêu gọi giúp đỡ bệnh nhân nghèo
Khu nhà trọ bị thiêu rụi trong đám cháy chiều 17.9 là của ông Nguyễn Thế Hiệp (71 tuổi), còn gọi là Hiệp “khùng”. Ông Hiệp quê gốc ở Hà Nam, trước khi khu nhà trọ bị cháy, ông sống một mình tại đây. Vợ ông sống cùng cô con gái đã lập gia đình. Đây là khu nhà trọ thiện tâm được ông Hiệp xây dựng mở rộng từ năm 2008, quy mô gần 30 phòng trọ. Khách thuê nhà của ông Hiệp chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn đi chăm nuôi bệnh nhân (BN) ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong khi giá của một phòng trọ bình dân ở khu này từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày, ông Hiệp chỉ cho thuê 15.000 đồng/ngày; với những người nhà BN khó khăn, ông chỉ lấy 10.000 đồng hoặc miễn phí. Biệt danh Hiệp “khùng” được nhiều người đặt là do ông Hiệp nhất quyết “phá giá” cho thuê phòng trọ đầy đủ tiện nghi với ti vi, điều hòa, wifi... Ông Hiệp không chỉ lấy tiền trọ giá rẻ mà còn cung cấp cho họ nhiều đồ dùng sinh hoạt và không thu phí.
Một số người từng ở trọ tại khu nhà vừa bị cháy cho biết, không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất, ông Hiệp còn giúp đỡ người nhà BN làm giấy tờ, thủ tục nhập viện. Có những trường hợp nằm ngoài khả năng, ông tìm kiếm, kêu gọi các nhà hảo tâm. Nhiều khi khách trọ quá đông, ông Hiệp nhường cả phòng mình ở để ngủ tạm ở kho chứa đồ.
Toàn bộ gần 30 phòng trọ thiện tâm bị thiêu rụi cùng 8 máy điều hòa nhiệt độ, phòng nào cũng có ti vi; 2 máy bơm, 1 máy giặt, 1 kho chứa đệm đều bị cháy rụi cùng hơn 10 triệu đồng ông Hiệp dành dụm.
Ông Hiệp mong muốn, các nhà hảo tâm giúp đỡ những BN, người nhà bị cháy hết tiền, quần áo, vật dụng khi ở xóm trọ, vì bản thân ông không còn nhiều khả năng giúp đỡ họ. Theo ông Hiệp, khu nhà trọ ông xây dựng bằng các vật liệu rẻ tiền, dễ cháy trên khu đất đã vướng quy hoạch, không được phép xây dựng kiên cố.
Đan Hạ - Trần Mạnh Cường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.