Sau khi Thành nhà Hồ được công nhận di sản thế giới, những cuộc khai quật liên tiếp đã được thực hiện để tìm ra vóc dáng cụ thể hơn, chi tiết hơn về kinh thành lừng lững của một triều đại chỉ tồn tại vỏn vẹn 7 năm. Cũng từ những cuộc khai quật này, dấu vết nối tiếp dấu vết thi nhau lộ diện. “Với tổng diện tích khai quật trên 2.000 m2 trong năm qua, chúng ta có thể hình dung về Thành nhà Hồ rõ ràng hơn rất nhiều so với ngày làm hồ sơ di sản”, PGS-TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ - nói.
Đường đá đến chính điện
Trong nhận thức mới về Thành nhà Hồ, nổi lên là dữ liệu mới tìm được về con đường đá Hoàng gia. Nếu như những con đường lớn trong thành của nhiều kinh đô cổ hiện còn chưa xác định rõ thì đường Hoàng gia này lại phát lộ khá đầy đủ. “Không những thế, phần phát lộ cũng khá nguyên vẹn và có thể dùng luôn để tham quan, du lịch được”, PGS-TS Tống Trung Tín nói.
|
Không chỉ có vậy, việc khai quật được con đường đá này còn là chỉ báo cho dấu tích đến đàn Nam Giao. Nó chứng minh điều sử cũ đã ghi chép rằng hoàng gia từng làm lễ tế giao ở thành này. “Con đường do đó gián tiếp thể hiện quyền chính đáng của vương triều Hồ với việc cai quản vùng đất Đại Việt”, ông Tín phân tích.
Ngoài ra, khi đào đường Hoàng gia còn phát hiện công sự lớn, ở trước cửa Nam. Đây là điều mới vì trước không ai nghĩ lại tồn tại một công sự đá trước cửa Thành nhà Hồ. Nhưng nó chứng tỏ sau khi bị nhà Minh chiếm, nhà Lê sơ đã thu lại thành. Tới khi có nội chiến thì nhà Lê đã dùng nó để chống lại đối thủ.
|
Trong thời gian tới, các nhà khảo cổ vẫn tiếp tục nghiên cứu con đường này. Những dấu tích phát lộ 2012 cho thấy, dự kiến đường đá sẽ tiến thẳng vào trung tâm chính điện và hoàn toàn có khả năng tiến thêm về phía bắc, xuyên đôi Thành nhà Hồ. “Việc nghiên cứu tiếp tục dựa trên kết quả khai quật 2012 hứa hẹn tìm thấy dấu tích chính điện. Trước đó, các nhà nghiên cứu thậm chí còn chưa dám nghĩ đến chuyện có thể tìm thấy vết chính điện. Nhưng giờ đây, việc lần theo con đường mới phát lộ hứa hẹn điều này. Con đường đi đến đâu thì chính điện sẽ dừng ở đó”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Đàn tế khẳng định vương triều
Cũng trong năm qua, đã tìm thấy mặt bằng tổng thể tương đối còn đầy đủ của đàn Nam Giao. Từ mặt bằng, phân bố kiến trúc, đường đi lối lại có thể hiểu nền đàn tế bài trí thờ thần như thế nào. Theo các nhà khảo cổ, kết hợp với so sánh đàn Nam Giao của các nước, hoàn toàn có thể phán đoán về vị trí, cách thờ cúng của đàn. Chẳng hạn, vị trí trung tâm được phỏng đoán là thờ thượng đế, thờ thần đất. Những dấu tích kiến trúc hai bên thờ những vị thần khác.
Theo các nhà nghiên cứu, tế Nam Giao là quốc lễ quan trọng nhất khẳng định tính chính đáng của Vương triều - Quốc gia - Dân tộc. Ở Việt Nam, kinh đô Thăng Long thời Lý, Trần, Lê, kinh đô Tây Đô của triều Hồ, thành Hoàng đế của triều Tây Sơn, kinh đô Huế triều Nguyễn, mỗi kinh đô đều có một đàn tế Giao. “Tuy nhiên, hiện nay chỉ có di tích đàn tế Nam Giao Thành nhà Hồ là còn mặt bằng tương đối nguyên vẹn nhất, có niên đại cổ nhất trong lịch sử đàn tế Giao Việt Nam”, TS Trần Anh Dũng, Viện Khảo cổ, cho biết.
“Rõ ràng, việc nhanh chóng xây dựng đàn tế Nam Giao và việc Hoàng đế Hồ Hán Thương đích thân tế lễ ở đó là một biểu hiện tinh thần tự tôn dân tộc rất cao của vương triều Hồ cuối thế kỷ 14 - đầu 15”, PGS-TS Tống Trung Tín nói.
Đặc biệt, gần đàn Nam Giao còn xác định được vị trí trai cung, nơi hoàng đế trai tịnh, trước khi làm lễ tế giao. Đường đi lối lại, đường nào của vua đi, đường nào của người phục vụ cũng đã phát lộ. Những giả đoán về các khu vực khác cũng được đưa ra, đâu là nơi chuẩn bị đồ lễ, nơi nấu đồ lễ...
“Ngoài ra một số vị trí khác cũng được nghiên cứu nhưng chưa rõ công năng”, ông Tín nói. Chẳng hạn các nhà khảo cổ tìm thấy một kiến trúc ở về phía tây nam Thành nhà Hồ. Dân địa phương vẫn gọi đó là Gò Ngục, nghĩa là nơi giam hãm tù nhân. Mặc dù vậy, di tích này không còn mấy dấu vết do đã bị phá hủy. Chỉ còn lại chút dấu tích nhà Hồ và tới nhà Lê được sửa sang đôi chút.
Những nghiên cứu mới nhất đã giúp vẽ được cấu trúc cơ bản của đàn tế Nam Giao với các trục thần đạo, viên đàn, trai cung, giếng Vua. Tuy có những điểm tương đồng với đàn tế ở Nam Kinh (Trung Quốc), cuộc khai quật cũng cho thấy phong cách xây dựng phổ biến ở Đông Nam Á là giật cấp cao dần theo núi. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những khác biệt rất xa trong việc sử dụng vật liệu xây dựng, bố cục mặt bằng chi tiết, các hình tượng trang trí kiến trúc.
Cũng từ trường hợp của Gò Ngục, theo TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, việc bảo tồn Thành nhà Hồ gặp khó khăn vì người dân hiện cũng sống trong khu vực di sản. Khi đó, phương án tốt nhất là di dời người dân ra khỏi khu vực đó. Tuy nhiên, phương án này lại vô cùng tốn kém và gây xáo trộn đời sống của họ. “Trong trường hợp không đưa được họ ra khỏi khu vực di sản thì phải hướng dẫn cộng đồng về di sản, để sau này chính họ là người bảo vệ, giữ gìn nó”, TS Trí nói.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)