Những phát hiện mới về khảo cổ học 2005

29/09/2005 22:59 GMT+7

Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học 2005 đã khai mạc sáng 28.9 tại Hà Nội. Theo thống kê của Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Tống Trung Tín, hội nghị đã nhận được 495 bài viết thông báo về các phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học trên phạm vi cả nước từ thời đại Đá cho đến các thời đại lịch sử.

Khảo cổ học thời đại Đá: Đáng chú ý có 3 cuộc khai quật lớn. Trong khi tiến hành khai quật hang Chổ, tỉnh Hòa Bình đã tìm thấy tầng văn hóa dày 1-1,5m với các dấu tích mộ táng, bếp lửa, cụm xương động vật và hàng trăm tiêu bản công cụ mang đặc trưng loại hình và kỹ thuật tiêu biểu, điển hình cho văn hóa Hòa Bình. Đặc biệt, di cốt người cổ Hòa Bình vừa mang đặc trưng Indonesien vừa mang đặc trưng Mongoloid được chôn trong tư thế nằm co vốn rất hiếm thấy trong văn hóa Hòa Bình. Tại Tuyên Quang, địa điểm hang Phia Vài, trong tầng văn hóa dày trung bình 0,45m đã tìm thấy các di tích bếp lửa, mộ táng, các di tích động thực vật, hàng trăm di vật đá có niên đại khoảng 15 -10 ngàn năm, vừa mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình, vừa có sắc thái riêng của khu vực văn hóa tiền sử lưu vực sông Gâm. Tại Quảng Ninh, kết quả khai quật di chỉ Ba Vũng thuộc văn hóa Hạ Long lần thứ 3 đã đặt ra một loạt dấu hỏi: liệu Ba Vũng có phải là công xưởng chế tạo các mũi nhọn nhỏ (tạm gọi là mũi khoan) với một quy trình kỹ thuật hoàn hảo nhưng chưa rõ nguyên liệu đá được khai thác từ đâu. Những vết tích hố đất đen trong di chỉ có rải đá cuội và hiện vật chôn theo có thể là một kiểu mộ táng mới được biết của người Hạ Long? Những quặng sắt và xỉ sắt trong tầng văn hóa không bị xáo trộn có phải là dấu tích của nghề luyện sắt của người Hạ Long hay không ?


Ấm hoa nâu

Khảo cổ học thời đại Kim khí (14 cuộc khai quật): Khai quật lần thứ 5 di chỉ Xóm Rền thuộc văn hóa Phùng Nguyên tìm thấy loại di vật đặc biệt là nha chương khác hẳn với các nha chương đã biết trước đây. Đồng thời, xác định được chính xác: giai đoạn Gò Bông xuất hiện trước giai đoạn Phùng Nguyên trong diễn tiến của văn hóa Phùng Nguyên. Tại địa điểm Thành Dền (Vĩnh Phúc), kết quả khai quật cho thấy đây là trung tâm luyện kim màu lớn nhất Bắc Việt Nam của văn hóa Đồng Đậu. Tại di chỉ Mán Bạc (Ninh Bình) khai quật được 35 mộ táng với 30 bộ di cốt còn khá nguyên vẹn và bộ di vật thể hiện mối quan hệ nhiều chiều, chồng chéo giữa người Mán Bạc với người Phùng Nguyên ở trung châu, người Hạ Long vùng Đông Bắc, người Hoa Lộc, người Cồn Chân Tiên ở phía Nam trong bình tuyến Phùng Nguyên. Đây là khối tư liệu quý cần được tìm hiểu kỹ càng. Khai quật mộ thuyền Động Xá (Hưng Yên) thu được tư liệu chiếu cói và vải còn khá tốt. Đáng lưu ý, quan tài mộ Động Xá chính là một con thuyền thực thụ của cư dân Đông Sơn. Tại khu vực đền Thượng, Cổ Loa, phát hiện dấu tích khu lò đúc mũi tên đồng với dấu vết lò đúc, nồi nấu đồng, xỉ đồng, 57 khuôn đúc... mũi tên 3 cạnh cho thấy đây chính là nơi sản xuất ra các mũi tên đồng ở "kho" Cầu Vực phát hiện năm 1959.

Khảo cổ học lịch sử: Đã tiến hành 8 cuộc khai quật. Tại Thành Nhà Hồ, trong hơn 48m2 đã phát hiện các nền gạch lát, cống thoát nước, trụ móng cột sỏi, chân tảng đá hoa sen, nhiều di vật gạch ngói và gốm sứ có niên đại cuối thế kỷ XIV-đầu thế kỷ XV. Tại Yên Bái tìm thấy di tích chùa và dấu tích của một tòa tháp đất nung được trang trí công phu và đẹp đẽ. Bảo tàng Yên Bái có ý định nghiên cứu phục dựng tòa tháp cổ này. Khi di tích Lam Kinh tìm thấy dấu tích mặt bằng kiến trúc có quy mô to lớn được trùng tu, sửa chữa sử dụng trong suốt các thế kỷ XV-XVIII.


Bát gốm men trắng


Đầu phượng đất nung. ảnh: C.T.V

Khảo cổ học Champa - Óc Eo: Đã có 4 cuộc khai quật. Tiêu biểu 2 lần khai quật di chỉ Giồng Nổi, một di tích rất hiếm ở Bến Tre vốn được coi là vùng trắng khảo cổ học, có niên đại khoảng 2.000-2.500 năm. Nhờ vậy đã góp phần làm rõ sự nảy sinh của văn hóa Óc Eo.

Hương Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.