Những phát hiện thú vị về gốm cổ Nam Trung bộ

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
05/11/2021 06:30 GMT+7

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc và Trần Thanh Hưng cho ra mắt tác phẩm Gốm Nam Trung bộ (NXB Đà Nẵng). Cuốn sách cho thấy vẻ đẹp của gốm cổ và thông qua đó là đời sống, văn hóa một thời của cư dân vùng đất này.

Nếu như trước đây, học giả Vương Hồng Sển từng có hàng loạt sách về đề tài này, như: Gốm Lái Thiêu, gốm Sài Gòn, gốm Cây Mai thì giờ đây Gốm Nam Trung bộ sẽ bổ sung vào kho tàng di sản dân tộc nhiều tư liệu quý và những phát hiện thú vị. Mặc dù tuổi đã cao (nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc sinh năm 1937), nhưng ông rất nhiệt tình và hăm hở lên đường cho một phác thảo rộng hơn về các dòng gốm Nam Trung bộ: từ gốm Châu Ổ - Quảng Ngãi, gốm Gò Sành - Bình Định, gốm Quảng Đức - Phú Yên, đến gốm Lư Cấm - Khánh Hòa, gốm Chăm - Ninh Thuận, Bình Thuận. Những chuyến đi để tìm hiểu làng nghề, gặp gỡ các nghệ nhân, các nhà sưu tầm… để cuốn sách về gốm bàng bạc chất folklore, lôi cuốn người đọc đi sâu vào tìm hiểu các nguyên liệu, men màu, kỹ thuật chế tác… của gốm cổ.

Hiện vật gốm Quảng Đức

Dương Thanh Xuân

Chẳng hạn, điều đặc biệt mà giới sưu tầm và các nhà nghiên cứu thường quan tâm là vì sao tất cả gốm cổ Quảng Đức đều có dấu vỏ sò dính trên thân và màu men khá đặc trưng sẽ được “hóa giải” trong sách. Trên thế giới, việc sử dụng vỏ sò để làm tăng nhiệt độ lò đã xuất hiện khá sớm, song việc dùng sò huyết tạo nên hiện tượng hỏa biến trong quá trình nung để làm nên nhiều sắc màu cho sản phẩm gốm cổ Quảng Đức là một sự độc đáo. Theo các nghệ nhân làng gốm này, sò huyết được mua chủ yếu ở thôn 8 xã An Ninh Đông - một xã ven đầm Ô Loan của huyện Tuy An nối với vùng Ngân Sơn qua hai hệ thống giao thông thủy là Hà Yến và Tam Giang. Thai gốm (sản phẩm gốm chưa nung) đặt vào một bao nung, sau đó sò huyết được chèn vào trước khi cho vào lò nung. Gốm Quảng Đức được làm bằng đất sét ở An Định, dùng sò huyết đầm Ô Loan trong quá trình nung, đốt chủ yếu bằng củi mằng lăng trong vùng và chở từ Kỳ Lộ (H.Đồng Xuân) xuống qua đường sông Cái. Đất sét xanh thì dùng chế tác đồ thông dụng, đất sét vàng dùng làm đồ cao cấp hơn. Còn đất sét xanh trộn với đất sét vàng làm đồ có kích cỡ lớn.

Nhà sưu tầm nghiên cứu cổ vật Nguyễn Vĩnh Hảo ở Bình Định cho biết: “Gốm Gò Sành và gốm Quảng Đức thường được dùng củi chành rành hoặc sò huyết trong quá trình nung để tăng nhiệt độ lò và tạo nên hỏa biến, cho ra nhiều màu men riêng biệt. Nhờ vậy, gốm cổ Quảng Đức không chỉ được sử dụng của người dân xứ “hoa vàng trên cỏ xanh”, các tỉnh miền Trung, Tây nguyên, Nam bộ mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, trở thành một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của Phú Yên”.

Các nghệ nhân gốm cổ Quảng Đức tiết lộ: “Từ thời triều Nguyễn đã từng giao quan Tuần Vũ ở Sông Cầu cho người đặt họ làm những chậu hoa lớn bằng đất nung với đề tài trang trí đắp nổi như: long - lân - quy - phụng, bát tiên quá hải, ngư tiều canh mục, chữ công… rồi đưa về Huế trang trí. Cụ Nguyễn Thịnh còn cho biết một lần, ông cùng một nghệ nhân dệt lụa Ngân Sơn ra Huế, một người lo trang trí non bộ, một người tiến lụa cho vua, được vua Bảo Đại thưởng 300.000 đồng”.

Vì vậy, trong số các hiện vật các nhà nghiên cứu sưu tầm được, có một số gốm cổ Quảng Đức là độc bản, như: chiếc hỏa lò để bàn, khuôn in hình chữ công, tượng Phật, ống nhổ, đôn hóa vàng, lư hương, chậu hoa có dòng chữ 1934 villa de Quang Đuc, chiếc vò có dòng chữ Hán Liên Thành công ty. Theo nhà nghiên cứu Đoàn Nam Sinh ở TP.HCM, khi nạo vét một số kênh rạch ở Sài Gòn cũng phát hiện khá nhiều gốm Quảng Đức. Rõ ràng, dòng gốm này được tiêu thụ, giao thương không chỉ có ở khu vực miền Trung và Tây nguyên mà còn vươn xa đến nhiều nơi khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.