Những phi vụ không người lái của CIA: Nạn nhân là dân thường

21/10/2010 08:10 GMT+7

Các cuộc không kích từ máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt chủ yếu các phần tử Taliban cấp dưới và sát hại thường dân.

Các giới chức quốc phòng và chống khủng bố của Mỹ cho biết Cục Tình báo Trung ương (CIA) đã mở rộng mục tiêu cho các cuộc không kích không người lái, theo chỉ thị mật của cựu tổng thống George W. Bush và đã được Tổng thống Barack Obama kế tục.

Tên lửa từ các máy bay không người lái Predator (Dã thú) hoặc Reaper (Thần chết) ném xuống vùng núi non hiểm trở phía Tây Bắc Pakistan được một số quan chức Mỹ ví với hỏa lực đại bác thời hiện đại. Hãng tin Reuters nhận định lúc này chúng không còn chỉ nhắm vào các mục tiêu có giá trị cao nữa.

Phản đối và ủng hộ
 
Theo báo Express Tribune, kể từ khi các máy bay không người lái tăng cường không kích vào mùa hè năm 2008, con số các chiến binh cấp dưới của Al-Qaeda và Taliban bị CIA tiêu diệt cao hơn gấp 12 lần so với các thủ lĩnh bậc trung bình hoặc cao cấp của hai tổ chức này. Bên cạnh đó, nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết rằng mặc dù chính thức phản đối các cuộc không kích trên, Pakistan đang bí mật hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động này. Một số giới chức Mỹ nói rằng ngoài cung cấp thông tin tình báo cho CIA để xác định các mục tiêu, các đặc vụ Pakistan đôi khi còn có mặt tại các căn cứ của Mỹ. Đồng thời, họ ngày càng có liên quan nhiều hơn đến việc chọn mục tiêu và phối hợp không kích.
 
Theo một cựu giới chức tình báo Mỹ (giấu tên), nguyên nhân chính để mở rộng chương trình không kích bằng máy bay không người lái, kể cả công nghệ không người lái được cải thiện, đơn giản là do không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Ông này phát biểu một cách lạnh lùng: "Mọi người đã phát mê chúng". Bên cạnh đó, giải thích lý do vì sao công nghệ này được ưa thích, một giới chức Mỹ nhấn mạnh cần phải sử dụng phương tiện tiêu diệt này bởi vì nhiều tên khủng bố lẩn trốn ở những vùng đất xa xôi nhất và khó tiếp cận nhất trên hành tinh của chúng ta.
 
Chính quyền Mỹ cho biết họ có bộ phận tại chỗ để xác định điều gọi là "mục tiêu hợp pháp". Thế nhưng, một số tổ chức nhân quyền nghi ngờ tính thiết thực của các bộ phận an toàn đó khi CIA đang tiêu diệt hàng trăm quân nổi dậy mà danh tính của họ không được biết đến.
 
Tuy nhiên, sự thật là trong nhiều trường hợp, CIA không thể nào phát hiện được các phần tử nổi dậy nếu không có sự tiếp sức từ các điệp viên và thông tín viên của Pakistan. Một giới chức Mỹ nhận định: "Cần phải có những người dưới mặt đất để thông báo về các mục tiêu". Ý kiến này được chuyên gia an ninh Ikram Sehgal của Pakistan đồng ý.
 
Ngoài ra, một cựu giới chức an ninh Mỹ nói CIA đang tiến hành các cuộc không kích bằng máy bay không người lái thay cho quân đội Mỹ và bản chất của chương trình này không cho Islamabad quyền được từ chối. Thế nhưng, đằng sau đó vẫn còn ẩn chứa sự căng thẳng. Trong khi các nhà lãnh đạo Pakistan hợp tác với Mỹ, nhiều người trong quân đội nước này vẫn phẫn nộ về các cuộc không kích của máy bay không người lái. Về vấn đề này, một cựu giới chức tình báo Mỹ khẳng định: "Nhiều quân nhân Pakistan không thích chương trình máy bay không người lái của Mỹ bởi vì nó thường xuyên nhắc nhở rằng họ không nắm quyền chỉ đạo".
  
Bắn nhầm thường dân vô tội
 
Gần đây, ngày 23-8, máy bay không người lái của Mỹ lại bắn tên lửa xuống Bắc Waziristan ở Tây Bắc Pakistan, giáp biên giới với Afghanistan. Đáng nói là các tên lửa trên đã rơi cả vào một ngôi nhà của dân, phá hỏng ngôi nhà, làm 7 dân thường thiệt mạng và 13 người bị thương, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Các vụ không kích như trên ngày càng thổi bùng tâm lý chống Mỹ tại quốc gia Hồi giáo ở Nam Á này vì nhiều người thiệt mạng là dân thường vô tội.
 
Các nhà bảo vệ nhân quyền đã từng lo lắng về tính mạng của dân thường. Một giới chức tình báo Pakistan cho biết thường dân hoặc người không phải là chiến binh chiếm đến 20% trong số những người tử vong do máy bay không người lái. Một số người khác còn đưa ra con số cao hơn. Jeffrey Addicott, cựu cố vấn pháp lý cao cấp cho lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ, quả quyết: "Căn cứ vào trải nghiệm về quân sự của mình, tôi thấy chẳng thể nào chỉ có vài thường dân bị sát hại".
 
Trong khi đó, báo The Los Angeles Times đưa tin các nhà điều tra quân sự Mỹ phê phán kịch liệt một đội phi hành máy bay không người lái ở Nevada và các chỉ huy mặt đất ở Afghanistan vì đã xác định nhầm dân thường là quân nổi dậy trong một chiến dịch ở tỉnh Oruzgan hồi tháng 2 năm nay. Hậu quả là có đến 23 thường dân tử vong.
 
Đó là trường hợp có nhiều thường dân thiệt mạng nhất trong 6 tháng qua. Đáng mỉa mai là, sự cố nói trên xảy ra sau khi tướng Stanley McChrystal, cựu tư lệnh các lực lượng NATO ở Afghanistan, thực hiện những thay đổi sâu rộng trong chiến thuật nhằm giảm thiểu số thường dân thương vong.
 
Tướng McChrystal cho biết có 6 sĩ quan bị phạt và toàn bộ việc huấn luyện chống quân nổi dậy được xem xét lại. Vị chỉ huy này đã gửi thư khiển trách đến 4 sĩ quan cao cấp, gồm các vị tư lệnh lữ đoàn và tiểu đoàn, cũng như thư cảnh cáo đến 2 sĩ quan cấp thấp. Thông thường, nhận được thư khiển trách có nghĩa là sự nghiệp của viên sĩ quan đó trên thực tế đã kết thúc.
 
Các nhà điều tra phát hiện rằng đội phi hành Predator xuất phát từ căn cứ ở khu vực Las Vegas đã nhận định sai 3 chiếc xe chở quân nổi dậy (thực chất là thường dân) đang phóng đến tấn công các đơn vị lính Mỹ và Afghanistan. Cuộc điều tra trên kết luận bản báo cáo của đội phi hành Predator đó không chính xác và không chuyên nghiệp.
 
Các nhà phân tích quốc phòng từ lâu đã chỉ trích các chiến dịch không người lái bởi vì các đội phi hành máy bay không người lái có ít kinh nghiệm trên chiến trường Afghanistan và không thể luôn luôn hiểu một cách chính xác dữ liệu thô từ các camera. Một đội phi hành không người lái gồm: một phi công, một nhân viên vận hành bộ cảm biến và một nhà phân tích tình báo. Tất cả đều ngồi tại trạm kiểm soát mặt đất trong căn cứ không quân ở Mỹ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.