Từ các phiên bản Cupcake, Donut cho đến Android 14 như hiện nay, mỗi phiên bản cập nhật đều đem đến nhiều cải tiến. Nhưng những phiên bản Android dưới đây được Androidauthority đánh giá là đem đến nhiều vượt trội nhất so với trước đó.
Android Ice Cream Sandwich (2011)
Phiên bản Android Ice Cream Sandwich được tung ra vào cuối năm 2011 đã mang đến một thiết kế hình ảnh lớn với ngôn ngữ Holo Design. Nó bao gồm phông chữ Roboto đặc biệt và giao diện gọn gàng hơn, giúp Android có tính thẩm mỹ khác biệt so với iOS.
Ice Cream Sandwich cũng được tạo ra nhằm thống nhất các nền tảng điện thoại thông minh và máy tính bảng, vì thế hệ Android 3 Honeycomb ban đầu là một bản phát hành độc lập cho màn hình lớn. Cách tiếp cận hợp nhất này vẫn là nguyên lý chính của Android ngày nay.
Các tính năng đáng chú ý khác bao gồm mở khóa bằng khuôn mặt 2D, thư mục màn hình chính, phím hệ thống ảo thay cho nút vật lý, kiểm soát sử dụng dữ liệu và cải thiện đa nhiệm - cho phép chuyển đổi ứng dụng dễ dàng. Android Ice Cream Sandwich thậm chí loại bỏ các ứng dụng hoặc thông báo riêng lẻ khỏi menu gần đây và bóng thông báo, điều mà phiên bản hiện tại vẫn tiếp tục thừa hưởng.
Android 10 (2019)
Phiên bản thứ mười của Android chứng kiến Google bỏ tên mã là món tráng miệng ở nơi công cộng. Có lẽ tính năng đáng chú ý nhất là điều hướng dựa trên cử chỉ, được cho là sao chép từ iPhone X của Apple, WebOS của Palm, MeeGo của Nokia và BlackBerry 10.
Android 10 cũng đem một số tính năng hướng tới người dùng như chế độ tối trên toàn hệ thống, trả lời thông minh cho tất cả các ứng dụng trò chuyện, chế độ tập trung (focus mode), làm mới menu chia sẻ, tính năng Live Caption và hỗ trợ phát cho máy trợ thính.
Về phía sau, đây là phiên bản với nhiều phần khác nhau của hệ thống Android được tách thành các mô-đun và cập nhật qua Play Store, giảm nhu cầu cập nhật toàn bộ hệ thống Android. Dù Android 9 Pie được cài sẵn trên thế hệ Galaxy Fold đầu tiên, nhưng Android 10 thực sự là phiên bản Android đầu tiên hỗ trợ toàn diện cho dòng smartphone màn hình gập. Vì vậy, hệ điều hành này đã đặt nền móng cho hệ sinh thái smartphone màn hình gập đang phát triển rất nhanh hiện nay.
Android 1.5 Cupcake (2009)
Android Cupcake không phải là phiên bản Android đầu tiên, nhưng phiên bản hệ điều hành này đã giới thiệu một số tính năng chính mà bạn không thể thiếu nó hiện nay. Chắc chắn tính năng quan trọng nhất trong bản phát hành này là bổ sung bàn phím ảo, cho phép các OEM sản xuất điện thoại chỉ có màn hình cảm ứng thay vì chạy theo màn hình cảm ứng và bàn phím.
Các điểm nổi bật khác bao gồm hỗ trợ widget (Android từ đầu không có widget), quay video, hỗ trợ âm thanh stereo cho thiết bị Bluetooth, chức năng tự động xoay và khả năng tải video lên YouTube. Bản Android này còn ra mắt tính năng hỗ trợ sao chép/dán (dù chỉ ở trình duyệt), dù thô sơ nhưng là tính năng lấn át hoàn toàn trên các hệ điều hành di động năm 2009. Tất cả tính năng đó đã trở thành tiêu chuẩn hiện nay.
Android 5 Lollipop (2014)
Lollipop một lần nữa đã thay đổi đáng kể giao diện người dùng của Android khi Google chuyển sang ngôn ngữ thiết kế vật liệu (Material Design). Hãng đã khai thác thiết kế từ thế giới thực như giấy và bóng đổ, đồng thời nhấn mạnh vào chuyển động. Ngày nay Google vẫn sử dụng phương pháp này với thiết kế Material You.
Lollipop cũng mang đến một loạt tính năng mà Android vẫn sử dụng hiện nay như menu đa nhiệm dựa trên thẻ giống như WebOS, hỗ trợ CPU 64-bit và Android RunTime (ART) để có hiệu suất ứng dụng nhanh hơn.
Các bổ sung đáng chú ý khác trên hệ điều hành năm 2014 bao gồm thông báo được nhóm theo ứng dụng, Project Volta cải thiện thời lượng pin, chức năng Khóa thông minh và ứng dụng đèn pin (hầu hết người dùng đã phải cài ứng dụng đèn pin trước khi Lollipop xuất hiện). Google tiếp tục ra mắt Android 5.1 chưa đầy 6 tháng sau và nâng cấp hỗ trợ đa SIM và gọi điện HD.
Android 12 (2021)
Android 12 là bản phát hành khác chứng kiến sự đại tu về hình ảnh với ngôn ngữ thiết kế Material You (hoặc Material Design 3) vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Ngôn ngữ thiết kế mới mang đến nhiều tùy chỉnh hơn như cho phép trích xuất màu từ hình nền và áp dụng cho hệ thống. Phiên bản Android này cũng nhấn mạnh vào các tiện ích lớn, hữu ích hơn.
Bản Android 12 còn hỗ trợ chụp màn hình cuộn vốn được trông chờ từ lâu, hay chức năng tự động xoay dựa trên khuôn mặt, chế độ sử dụng một tay và khả năng chia sẻ thông tin đăng nhập Wi-Fi qua Nearby Share.
Bản cập nhật năm 2021 cũng mang đến các cải tiến tập trung vào quyền riêng tư như Bảng điều khiển quyền riêng tư (Privacy Dashboard), chỉ báo microphone và camera đang hoạt động, quyền truy cập vị trí và một số điều chỉnh nhỏ khác. Đây đều là những bổ sung quan trọng trong môi trường kỹ thuật số ngày nay.
Android 4.1 Jelly Bean (2012)
Google đã đưa vào Android 4.1 dự án Butter, một bộ các cải tiến và tinh chỉnh nhằm mang lại giao diện người dùng mượt mà hơn với tốc độ 60 khung hình/giây. Đây là một vấn đề lớn vì thời điểm đó Android không hề mượt mà như iOS.
Bổ sung quan trọng khác là Google Now, cung cấp một loạt thẻ thông tin trong ứng dụng Google. Thông tin này được chủ động lấy nguồn dựa trên vị trí, email và các chi tiết khác của người dùng. Vì vậy, người sử dụng có thể nhận lời nhắc về gói hàng, thời tiết, thông tin chuyến bay, cảnh báo giao thông... qua các thẻ này.
Jelly Bean cũng giới thiệu một số tính năng như thông báo có thể mở rộng để hiển thị thêm thông tin hình ảnh, thông báo có thể thao tác (có nút để nhanh chóng thực hiện hành động) và khả năng để tắt thông báo trên từng ứng dụng. Các tính năng khác bao gồm phát lại âm thanh liền mạch, hỗ trợ âm thanh USB và VPN luôn bật.
Android 8 Oreo (2016)
Android Oreo dù không có thay đổi lớn về giao diện người dùng nhưng vẫn là một trong những phiên bản hệ điều hành thú vị nhất từng được phát hành ở góc độ tính năng.
Phiên bản Oreo đã giải quyết triệt để các bản cập nhật hệ thống kém hiệu quả với Project Treble. Đây là một khung dạng module cho phép cập nhật nhanh, liền mạch hơn từ góc độ nhà sản xuất. Sáng kiến này cũng mở ra cơ hội cho những người đam mê chạy hình ảnh hệ thống chung (GSI) trên điện thoại của họ. Đây là bản dựng của Android dựa trên Dự án mã nguồn mở (Android Open Source Project) và thường được dùng làm cơ sở cho các ROM tùy chỉnh.
Thay đổi này không giới hạn ở các bản cập nhật nhanh, dễ dàng hơn. Oreo mang đến hỗ trợ tự động điền mật khẩu, tính năng hình trong hình (picture-in-picture), kênh thông báo, các loại codec Bluetooth chất lượng cao (LDAC, aptX, AAC), API mạng thần kinh cho máy học và Google Play Protect để bảo vệ phần mềm độc hại.
Bình luận (0)