102 phiến đời ấy đã được tập hợp lại trong cuốn sách Một phút suy ngẫm (Sbook & NXB Văn học 2021), thật không hề dễ dàng cho tác giả lẫn người đọc.
Ở Khánh Hòa, Lê Đức Quang được coi là một tác giả trẻ, anh sinh năm 1977, và đây là cuốn sách thứ ba. Thể loại truyện cực ngắn này vốn không phải mới mẻ, nếu chỉ dạo chơi thì hầu như người viết nào cũng từng thử sức, nhấm nháp rồi cho qua chứ ít ai đam mê và trung thành suốt 20 năm ròng rã như Lê Đức Quang. Mộc, thô, bình thản, không rườm rà, không bị cuốn theo cảm xúc nhân vật, có lẽ nhờ vậy mà từng câu chuyện một tuy thật thà gần gũi nhưng dễ khiến cho người đọc bối rối và tự vấn.
Với một phút đọc, chuyện Người gác cổng tưởng như chỉ là vài nét chấm phá về một bác bảo vệ già tốt bụng thông cảm với một học viên khó khăn lớp bổ túc và dừng lại ở chuyện đền ơn đáp nghĩa, nhưng câu kết thúc “Ngày 20.11, ngày lễ tết, người ta đến thăm thầy cô giáo, còn anh khóc thương người gác cổng” đã nối dài mạch suy ngẫm của người đọc. Hay với Nhầm, chuyện anh bác sĩ sau khi ra hóa đơn mới biết bệnh nhân của mình không thể nghèo hơn nên vội vã lấy lại vờ tính nhầm để bớt cho một nửa lại bị bệnh nhân khác chỉ trích vì cho rằng cố tình gian dối. Chuyện ông già bán kẹo kéo lắc chuông leng keng kéo kẹo như làm xiếc, bỗng chốc rơi thẳng vào những chiếc xe máy kẹp loa thùng trên đó là những ca sĩ phi giới tính bán kẹo cắt gói sẵn y như gáo nước lạnh dập đi ký ức gây thương nhớ. Vài trăm từ để kể hết Một chuyện tình từ trẻ tới già mới thật gian truân, nhưng cuối cùng cũng chỉ gói gọn “Hai người lại vì người khác không thành vợ chồng được. Họ hẹn nhau kiếp sau” nghe mà lê thê kiếp người.
Một phút suy ngẫm là cuốn sách đáng đọc cho dù cái tựa dễ gây ngộ nhận về một sự trì níu chậm rãi, nhưng đôi khi những hình ảnh mà ta thấy được khi vội vã bước qua lại có giá trị đánh động tâm tư rất lâu dài.
Bình luận (0)