Paranormal Activity (Paramount)
Câu chuyện diễn ra với hai vợ chồng trẻ Katie và Micah. Khi họ chuyển đến căn hộ mới, anh chồng lắp những chiếc máy quay khắp nhà và sau đó hiện lên trong chiếc máy quay các hiện tượng tâm linh khủng khiếp. Được làm theo phong cách footage (giả tư liệu), Paranormal Activity (Hiện tượng siêu nhiên) của đạo diễn Oren Peli ra mắt năm 2009 "ăn khách" nhờ lối quay phim thông minh, đột phá trong tư duy làm phim về quỷ ám. Tác phẩm giúp hãng Paramount thu về hơn 193 triệu USD phòng vé nhưng kinh phí chỉ vỏn vẹn 15 ngàn USD. Nhận thấy bộ phim "ăn nên làm ra", hãng Paramount tiếp tục đầu tư làm thêm nhiều phần nữa nhưng kết quả thu lại không bằng phần phim gốc.
Night of the Living Dead (Columbia)
|
Tuy là phim trắng đen, nhưng Night of the Living Dead (Đêm của Xác sống) của đạo diễn George A.Romero được xem là "ngọn cờ đầu" của dòng phim về zombie (xác sống). Ra mắt năm 1968, phim kể về cuộc chiến sinh tồn của những người dân vùng Pennsylvania trước sự trỗi dậy của đoàn quân "thây ma di động". Kinh phí của bộ phim được ước tính khoảng 114 ngàn USD nhưng doanh thu lại đạt đến 42 triệu USD. Sau phần phim gốc, George A.Romero làm nhiều phần tiếp theo nữa. Đến sau này, Hollywood đã có nhiều phiên bản điện ảnh làm lại phim của ông.
Friday the 13th (Paramount)
|
Biểu tượng sát nhân đeo mặt nạ trong phim kinh dị Mỹ mỗi khi nhắc tới là phải kể đến bộ phim Friday the 13th (Thứ 6 ngày 13), chiếu năm 1980. Đạo diễn bởi Kevin Bacon, phim theo chân nhóm bạn Alice đi cắm trại bên hồ Camp Crystal, tại đây, từng người bạn của cô bị giết chết một cách tàn khốc bởi tên sát nhân đeo mặt nạ. Thứ 6 ngày 13 là bộ phim kinh dị, tội phạm "gây sốt" thập niên 80, nó mở đầu cho hàng loạt bộ phim cùng tên ăn theo sau này. Kinh phí thực hiện bộ phim là 500 ngàn USD nhưng doanh thu phòng vé đạt đến trên 52 triệu USD.
Halloween (Compass)
|
Quả bí đỏ với nụ cười nham nhở, tên sát nhân đeo mặt nạ, con dao sáng choang... trong điện ảnh là những yếu tố vô cùng quen thuộc có lẽ ít nhiều được khởi phát từ bộ phim Halloween của đạo diễn nổi tiếng John Carpenter ra mắt năm 1978. Phim có nội dung lần theo hành trình giết người của tên tâm thần, đeo mặt nạ tên là Michael. Hắn ta gieo rắc nỗi kinh hoàng nơi thị trấn Haddonfield, nơi mà hắn từng lớn lên và gây án từ thuở nhỏ. Phim được đầu tư kinh phí 325 ngàn USD nhưng thu về trên 42 triệu USD.
The Texas Chainsaw Massacre (Bryanston Pictures)
|
Trước cả phim Halloween, nguồn gốc của mô típ "tên sát nhân đeo mặt nạ giết người" xuất hiện từ rất lâu trong điện ảnh Mỹ. Dòng phim "slasher movie", hiểu nôm na là những phim có tên sát nhân mang theo những vật dụng giết chóc sắc bén được manh nha từ thời kỳ phim đen trắng cho đến thời kỳ phim màu của Mỹ, mà "thời đại vàng" của nó ngoài các phim Friday the 13th, Halloween còn có The Texas Chainsaw Massacre (Thảm sát cưa máy tại Texas) của đạo diễn Tobe Hooper, ra mắt năm 1974. Phim có nội dung kể về cuộc trốn chạy của một nhóm bạn trẻ khỏi một gia đình ăn thịt người hết sức man rợ. Bộ phim được lấy cảm hứng từ tên sát nhân ngoài đời thật Ed Gein. Với kinh phí bỏ ra 300 ngàn USD, phim thu về trên 30 triệu USD.
The Blair Witch Project (Artisan)
|
Không thể không kể đến The Blair Witch Project (Dự án phù thủy rừng Blair) ra mắt 1999 của hai đạo diễn Eduardo Sánchez, Daniel Myrick. Đây là bộ phim kinh dị giả tài liệu xuất sắc, dễ khiến khán giả tin rằng bộ phim là có thật ngoài đời. Phim kể về một nhóm bạn dấn sâu vào rừng Blair để chứng minh sự tồn tại của những câu chuyện sởn tóc gáy về phù thủy trong khu rừng này. Bị lạc trong rừng, nhóm bạn đã trải qua những điều khủng khiếp trong đêm tối. Phim có kinh phí chỉ 60 ngàn USD nhưng thu về trên 248 triệu USD doanh thu phòng vé, trở thành một trong những phim xuất sắc của dòng phim giả tài liệu.
Bình luận (0)