Những phụ nữ chuyên lột dừa mướn

20/11/2013 12:26 GMT+7

Từ nửa đêm, những phụ nữ làm nghề lột dừa mướn bên bờ sông Thom (xã Khánh Thạnh Tân, H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) đã bắt đầu ngày làm việc mới. Nhìn đôi bàn tay khéo léo xoay trái dừa trên lưỡi nầm sắc nhọn, nhiều người không khỏi thán phục.

Những phụ nữ chuyên lột dừa mướn

Mỗi ngày các chị lột từ 3 - 4 cò dừa, thu nhập khoảng 100.000 đồng - Ảnh: G.Hòa

 Những phụ nữ chuyên lột dừa mướn12Bữa cơm của một phụ nữ lột dừa mướn - Ảnh: G.Hòa

Làm việc của… chồng

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (58 tuổi, ngụ ấp An Lộc Giồng, xã An Thạnh, H.Mỏ Cày Nam) sống bằng nghề lột dừa mướn đã 6 năm nay. Chị kể trước đây lột dừa là nghề của chồng, còn chị quay chỉ xơ dừa ở nhà. Về sau, chồng chị bị u não, không làm được việc nặng; nghề quay chỉ kiếm được chừng 30.000 đồng/ngày, không đủ trang trải cuộc sống nên chị chuyển sang lột dừa. Hiện mỗi ngày chị Nguyệt lột từ 3 - 4 cò (mỗi cò 200 trái), thu nhập khoảng 100.000 đồng.

Còn chị Trương Thị Huệ (44 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Trị, xã Khánh Thạnh Tân) mới vào nghề được 6 tháng. Giống như chị Nguyệt, hồi trước lột vỏ dừa do chồng chị Huệ làm, chị chỉ chuyên phơi vỏ dừa. Hai vợ chồng, người lột, người phơi như vậy đã gần 20 năm. Bỗng dưng chồng chị bị viêm gan, 6 tháng sau thì mất. Từ đó, chị đổi  luôn qua nghề của chồng vì phải nuôi 2 hai đứa con đi học. “Lúc đầu tui cũng không nghĩ mình làm được, nhưng thấy chị em làm phà phà nên thử, riết rồi quen”, chị Nguyệt chia sẻ.

Cực khổ là chuyện thường

Theo chị Huệ, lột dừa tuy cực nhưng thu nhập cao gấp 2-3 lần so với các nghề thủ công khác như đan giỏ, đan chổi cọng dừa, quay chỉ xơ dừa… Dân lột dừa mướn làm việc phụ thuộc vào con nước, bất kể đêm ngày. Mỗi khi ghe dừa khô cập bến là họ có mặt, bất kể lúc giữa khuya hay gần sáng. Chị Nguyệt nói: “Thức khuya riết cũng quen nên không thấy mệt mỏi gì. Những lúc đói bụng, chị em thường mua vội gói xôi, ổ bánh mì để ăn tạm vì không kịp chuẩn bị cơm nước”. Công việc kết thúc khi ghe thu gom dừa khô đã lột vỏ cập bến vào sáng hôm sau, các chị vừa phụ đếm vừa bốc dừa lên ghe.

Quan sát mọi người lột dừa mới thấy được nỗi vất vả của chị em. Trong khi cánh đàn ông làm xong, nhàn nhã ngồi hút thuốc, nghỉ ngơi thì các chị vẫn cặm cụi làm. Chị Nguyệt chia sẻ: “Mỗi ngày mấy ổng chỉ cần lột 5 - 6 tiếng là xong, còn tụi tui phải làm gấp rưỡi mới bằng. Mấy chuyện khó như mài lưỡi nầm, tụi tui chịu thua, phải nhờ tới mấy ổng”.

Không hoàn toàn vì cuộc sống khó khăn, chị Nguyễn Thị Mai (50 tuổi, ngụ xã Khánh Thạnh Tân) cho biết chị chọn nghề lột dừa là để được làm chung với chồng. Chị kể mình từng đi làm công nhân may ở TP.HCM, Bình Dương gần 10 năm nhưng phải chịu cảnh xa chồng lại chẳng dư dả gì nên thôi. Chồng kêu chị ở nhà phụ phơi chỉ xơ dừa. Được một thời gian, thấy lột dừa có thu nhập cao hơn, chị Mai quyết định chuyển nghề. “Mỗi ngày 2 vợ chồng tui kiếm được chừng 300.000 đồng, nhờ ở quê nên để dành được chút ít”, chị Mai nói.

Ông Huỳnh Văn Vinh, chủ một cơ sở lột vỏ dừa ở ấp Vĩnh Trị (xã Khánh Thạnh Tân), cho biết cơ sở ông có 15 nhân công, trong đó có 5 nhân công nữ. Các chị làm việc rất tháo vát, nhiều chị có thể lột tới 5 - 6 cò/ngày. Theo bà Huỳnh Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Thạnh Tân, cả xã có khoảng 70 chị em mưu sinh bằng nghề lột dừa mướn. Hầu hết các chị có hoàn cảnh khó khăn như thiếu đất sản xuất, đang nuôi con đi học hoặc là lao động chính trong gia đình.

K.Chiến - G.Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.