Những phụ nữ quyền lực nhất thế giới - Kỳ 3: Tổng thống Liberia, bà đầm thép không thỏa hiệp

09/03/2015 06:00 GMT+7

(TNO) Được biết đến với biệt danh 'bà đầm thép' của châu Phi, bà Ellen Johnson Sirleaf là Tổng thống đương nhiệm của Liberia và cũng là nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên ở lục địa đen, nổi tiếng là nhà lãnh đạo cứng rắn và chuyên đấu tranh vì phụ nữ.

(TNO) Được biết đến với biệt danh “bà đầm thép” của châu Phi, bà Ellen Johnson Sirleaf là Tổng thống đương nhiệm của Liberia và cũng là nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên ở lục địa đen, nổi tiếng là nhà lãnh đạo cứng rắn và chuyên đấu tranh vì phụ nữ.

Bà Ellen Johnson Sirleaf là Tổng thống đương nhiệm của Liberia và là nữ nguyên thủ đầu tiên ở châu Phi - Ảnh: AFP
Bà Ellen Johnson Sirleaf, sinh năm 1938, được dư luận thế giới biết đến nhiều nhất kể từ năm 2005, khi bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Liberia, chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một quốc gia ở châu Phi thông qua bầu cử. Chuyên san Foreign Policy từng viết về bà như vị tổng thống tốt nhất từ trước đến nay của Liberia.
Không chỉ ở quốc gia mình, “bà đầm thép” của châu Phi còn được đánh giá cao tại các bảng xếp hạng của thế giới. Trang Wonderslist.com chọn bà là 1 trong 10 nữ chính trị gia quyền lực nhất thế giới. Từ năm 2006, Forbes cũng đưa bà vào danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất của thế giới.
"Bà đầm thép" Sirleaf lãnh đạo quốc gia nghèo và vừa trải qua 14 năm nội chiến - Ảnh: AFP
Lãnh đạo một quốc gia vừa trải qua nội chiến
Cuộc nội chiến ở Liberia kết thúc vào năm 2003, kéo theo vô vàn khó khăn về kinh tế và chính trị. Nhiều người tin rằng, bà Sirleaf là người có ảnh hưởng lớn nhất giúp thay đổi thái độ của các nhà tài trợ quốc tế đối với quốc gia châu Phi này. Từng là quan chức làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB), bà Sirleaf đã thuyết phục Liên Hiệp Quốc ngừng phê chuẩn các quyết định bất lợi liên quan đến ngành gỗ và kim cương vốn mang nhiều lợi nhuận của Liberia, giành được sự ủng hộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc hủy khoản nợ nước ngoài cuối cùng trị giá 4,9 tỉ USD của nước này, đồng thời thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào Liberia, theo Foreign Policy.
Bên cạnh đó, sau khi lên nắm quyền, bà Sirleaf đã dẫn dắt Chính phủ Liberia trong việc xây dựng trường học, đường xá sau những đổ nát của thời kỳ nội chiến trước đó, theo Huffington Post.
Trên trang web của Bộ Ngoại giao Liberia từng có bài viết nhìn lại 6 năm lãnh đạo của Tổng thống Sirleaf trong nhiệm kỳ đầu tiên, trong đó ca ngợi bà như người mẹ của quốc gia này về những gì bà đã làm cho đất nước Liberia. Bài viết chỉ ra rằng, từ khi bà lên lãnh đạo, Liberia đã có nhiều đổi thay, từ một đất nước chìm trong thất bại và tuyệt vọng đã trở nên nhiều cơ hội hơn, đáng lạc quan hơn với những thay đổi tích cực.
Bài viết trên trang web Bộ Ngoại giao Liberia cũng dẫn ra những cam kết của bà Sirleaf khi tuyên thệ nhậm chức hồi năm 2006, trong đó khẳng định chính sách đối ngoại của bà sẽ sớm giúp đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia trên thế giới. Và đúng là Liberia dưới thời bà Sirleaf cũng đã đạt được những tiến bộ về ngoại giao, trong quan hệ với các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế.
Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf và Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: Reuters
Bà đầm thép - người đàn bà không thỏa hiệp 
Khi trả lời phỏng vấn với chuyên san Foreign Policy hồi năm 2013, Tổng thống Liberia Sirleaf nói: “Tôi vẫn là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Có thể gọi là “bà đầm thép” nếu bạn muốn, bởi vì tôi có khả năng đưa ra những quyết định khó khăn. Tôi không lo lắng cho sự nổi tiếng của mình. Tôi lo về việc làm điều đúng”.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Liberia Linda Thomas Greenfield hồi năm 2010 từng khen ngợi bà Sirleaf trong cách làm việc của bà đối với các nhà ngoại giao phương Tây và các nhà tài trợ. Thomas Greenfield đã mô tả phong cách vận động hành lang của bà Sirleaf: “Tôi không nói bà ấy lôi cuốn, đúng hơn là bà ấy rất nghiêm túc, rất tập trung, đến từng chi tiết nhỏ nhất”. Thomas Greenfield cũng khẳng định: “Bà ấy đang đưa đất nước này từ bóng tối ra ánh sáng”, theo The New York Times.
Mặc dù bị chỉ trích vì cam kết “không khoan dung” với tham nhũng của bà chưa thực sự hiệu quả, nhưng nữ tổng thống này cũng mạnh mẽ sa thải nhiều quan chức dính bê bối tham nhũng, như Bộ trưởng Tư pháp vì cách xử lý quá nhẹ nhàng một vụ án tham nhũng quan trọng hay đình chỉ công tác Bộ trưởng Thông tin vì đút túi lương của nhân viên, theo Foreign Policy.
Đánh giá về sự cứng rắn của bà đầm thép Sirleaf, tờ The New York Times từng có bài báo với nhan đề “Một người đàn bà không thỏa hiệp”, trong đó cho thấy vai trò của bà đối với đất nước Liberia sau thời gian dài chìm trong nội chiến.
Tổng thống Sirleaf nhận giải Nobel Hòa bình năm 2011 - Ảnh: AFP
Nổi tiếng vì đấu tranh cho phụ nữ 
Ngoài những nỗ lực cải cách về kinh tế, chính trị của Liberia, "bà đầm thép" Sirleaf còn nổi tiếng về cuộc đấu tranh cho quyền và vai trò của phụ nữ. Năm 2011, bà cùng hai người phụ nữ khác vinh dự được trao giải Nobel Hòa bình vì “cuộc đấu tranh phi bạo lực cho sự an toàn của phụ nữ và vì quyền của phụ nữ để được tham gia đầy đủ vào công cuộc kiến tạo hòa bình”.
Cuối năm 2012, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf lại được trao giải thưởng Indira Gandhi vì Hòa bình, Giải trừ quân bị và Phát triển. Hội đồng xét giải lúc đó đánh giá bà Sirleaf là một “niềm cảm hứng” cho phụ nữ và bảo đảm sự khôi phục hòa bình và dân chủ ở Liberia. “Câu chuyện của bà là một câu chuyện của lòng can đảm không bị khuất phục, quyết tâm mạnh mẽ và khao khát thành công”, The Times of India dẫn tuyên bố của hội đồng xét giải.
Thực tế ở trong nước, bà Sirleaf nổi tiếng về những quyết định và tuyên bố cứng rắn về vai trò của phụ nữ. Bà không ngần ngại tuyên bố rằng phụ nữ làm lãnh đạo tốt hơn, cam kết nhiều hơn, làm việc chăm chỉ hơn, trung thực hơn và ít có lý do để tham nhũng. Điều này đã được chứng minh ngay khi bà lên nắm quyền, bà đã bổ nhiệm nhiều phụ nữ giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ của mình, theo The New York Times.
Năm 2007, một nữ đạo diễn đã thực hiện một bộ phim tài liệu có tựa “The iron ladies of Liberia” (tạm dịch: Những người đàn bà thép của Liberia) có nội dung về Tổng thống Sirleaf và những người nữ chính trị gia cứng rắn trong chính quyền của bà Sirleaf, theo The Independent.
Mặc dù vẫn còn những lời chỉ trích nhưng Tổng thống Sirleaf đã trở thành người phụ nữ quyền lực nhất của Liberia, đồng thời là niềm hy vọng của người dân, đặc biệt là phụ nữ ở quốc gia châu Phi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.