Trước đây, nạn mua bán vật liệu nổ, bom mìn còn sót lại thời chiến tranh tập trung nhiều ở khu vực Q.Cẩm Lệ, H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). Qua thời gian tuyên truyền, vận động, các cơ sở thu mua phế liệu, xưởng cơ khí đã phần nào chấp hành tốt. Hằng năm, địa phương tổ chức nhiều đợt vận động giao nộp vật liệu nổ, vũ khí và được người dân, một số cơ sở kinh doanh hưởng ứng.
Công an Đà Nẵng phát hiện một cơ sở tàng trữ vật liệu nổ còn sót lại từ chiến tranh |
NGUYỄN TÚ |
Tuy nhiên, đợt kiểm tra đột xuất một số cơ sở phế liệu, xưởng cơ khí vừa qua phát hiện vẫn còn tàng trữ bom mìn, cho thấy một bộ phận vẫn còn xem thường pháp luật cũng như tính mạng của chính mình và người khác.
Theo thống kê, hiện toàn quốc có hơn 20% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ, tức gần 7 triệu ha. Dù chiến tranh đã kết thúc, nhưng từ sau 1975 đến nay, số người thương vong do bom mìn sót lại là hơn 100.000 người và theo ước tính phải mất hàng trăm năm mới có thể giải phóng hoàn toàn diện tích đất bị ô nhiễm vật liệu nổ và tiêu tốn khoảng 10 tỉ USD.
Do đó, cần chấm dứt suy nghĩ bom mìn còn sót lại trong chiến tranh là hàng hóa, đừng làm nỗi đau chiến tranh thêm dài chỉ vì sự chủ quan, thiếu ý thức của một bộ phận người dân.
TP.Đà Nẵng vừa qua cũng đã tổng kiểm tra công tác PCCC, đảm bảo an toàn, qua đó cho thấy ngoài nhà dân, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ ở địa phương, như tạp hóa, phế liệu, xưởng cơ khí là những nơi còn chủ quan, lơ là trong phòng chống cháy nổ. Nghị định 136 về thi hành luật Phòng cháy và chữa cháy đã quy định chi tiết UBND phường xã chịu trách nhiệm quản lý công tác PCCC ở khu dân cư. Do đó, các địa phương cần tăng cường tính giám sát tại các cơ sở có nguy cơ tiềm ẩn những “quả bom nổ chậm” để tránh hậu quả khôn lường.
Bình luận (0)