May mà điều đó không xảy ra, trước hết nhờ công lao, sự dũng cảm quên mình của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Nói về những mối tai họa thường xuyên đe dọa cuộc sống con người, cha ông thuở xưa đã đúc kết ngắn gọn “thủy hỏa đạo tặc”, trong đó họa cháy đứng hàng thứ hai, còn trên cả trộm cướp, giặc giã. Trong khi đó, vụ việc làm lộ ra một số vấn đề.
Trước hết là hoạt động chữa cháy, xử lý tai nạn. Theo các nhà báo tường thuật, phải mất đến gần 6 tiếng đồng hồ kể từ khi phát cháy, cả nghìn cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, hàng chục lượt xe cứu hỏa… tham gia mới dập tắt được đám cháy. Tất nhiên có những khó khăn khách quan nhưng rõ ràng chúng ta chưa đủ biện pháp, công cụ hữu hiệu để giải quyết nhanh nhất sự cố.
Trong khi đó, vì nhu cầu cuộc sống, chúng ta không nên nghĩ rằng cứ chuyển các cây xăng ra khỏi thành phố là xong. Vấn đề đặt ra là phải quy định và thực hiện quy định như thế nào. Quy định về kinh doanh xăng dầu đã có, đã rõ ràng, vậy mà rất nhiều cây xăng hiện nằm trên địa bàn khu dân cư, sát các công sở, gần khu vực nhạy cảm (chợ búa, trường học, cơ quan công quyền…) nhưng cơ quan quản lý chẳng mấy khi rờ đến. Không ít cây xăng, trạm xăng chỉ chú ý đến kinh doanh mà xao nhãng việc phòng ngừa. Tất cả tình huống đều có thể xảy ra, phải ngừa trước, đừng để sự đã rồi, trở tay không kịp.
Trong thời bình, lực lượng PCCC, nhất là cảnh sát chữa cháy chuyên nghiệp, cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, trang thiết bị chữa cháy dù đã được chú ý đầu tư xong vẫn còn nghèo nàn, chưa hiện đại, chưa đủ để ứng phó, ngăn chặn những vụ cháy lớn, phức tạp. Vụ cháy trạm xăng đường Trần Hưng Đạo vừa qua, nếu lực lượng chuyên nghiệp có những thiết bị tốt hơn, chắc không phải kéo dài thời gian nguy hiểm, không gây thương tích cho cán bộ chiến sĩ. Củng cố, xây dựng lực lượng PCCC với tổ chức mạnh, chuyên nghiệp cao ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước đang là đòi hỏi cấp bách.
Nguyễn Thông
Bình luận (0)