Ăn chay giờ đây không chỉ quanh quẩn với cơm trắng cùng nước tương, chao, rau luộc hay tàu hủ ky. Với sự sáng tạo của các đầu bếp tại gia lẫn các nhà hàng, món chay đã được nâng lên một “tầm cao” mới.
Hơn thế, sự tiện lợi cũng tăng hơn khi bạn chỉ cần nhấc điện thoại lên để đặt món giao về tận nhà hoặc thưởng thức thú vui ẩm thực tại những nhà hàng có không gian... rất chay tịnh.
“Đặc sản” món chay
|
Bánh Huế là một trong những món ngon được lòng thực khách khắp nơi, cả chay lẫn mặn. Công thức làm các món bánh Huế chay không khó tìm, nhưng nếu bất chợt bạn đang thèm và muốn ăn liền thì hãy gọi điện hoặc truy cập vào Facebook là đã có bánh Huế “nóng hổi vừa thổi vừa ăn”.
Chị Trang, chủ tiệm Bánh Huế O Nhỏ trên Facebook cho biết: “Nhóm mình lúc đầu chỉ gói bánh tham gia các buffet ủng hộ xây chùa, cúng dường khi có dịp. Sau đó nhận được sự ủng hộ và nhiều người muốn mua bánh nên nhóm quyết định làm bánh bán rộng rãi. Vả lại nhóm muốn có kinh phí để tham gia nhiều hơn công tác từ thiện.
Hiện tại nhóm có kinh phí tổ chức các tiệc buffet ở chùa, nếu còn dư lại thì nấu bữa ăn từ thiện ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Mặc dù cũng có một số khách muốn mua bánh mặn nhưng bên mình không làm bánh mặn vì muốn gieo duyên ăn chay với mọi người. Bánh nhà làm nguyên liệu đơn giản gồm nấm mèo, cà rốt, đậu hũ, bột năng nguyên chất, boaro, lá chuối. Vì là bánh nhà làm nên bên mình không dùng chất bảo quản”.
Theo chị Trang, chỉ cần đặt hàng trước một ngày là bạn đã có thể nhâm nhi bánh Huế chay và nếu có thêm yêu cầu như làm bánh có kích thước to hay nhỏ, nhân ít hay nhân nhiều thì chỉ cần dặn trước.
|
Ngoài bánh bột lọc, bánh nậm, người ăn chay còn có thể đặt hàng bánh tét nhân đậu xanh, bánh ú nhân hạt điều từ cửa hàng đặc sản Cô Tư trên Facebook. Theo chủ tiệm thì cần đặt hàng trước hai ngày. “Bánh được làm từ lò truyền thống lâu năm với thợ nấu là các bà, các mẹ có kinh nghiệm trên 20 năm.
Nếp dẻo, nhân ngon với màu xanh tự nhiên từ lá dứa. Bánh để ở ngoài thì có hạn dùng trong 5 ngày, còn để trong ngăn mát tủ lạnh thì được hai tuần. Nếu để ngăn đông thì được một tháng”, chị này cho biết.
Một địa chỉ khác mà người ăn chay “ghé” là hội chợ phiên của phụ nữ trẻ trung xinh đẹp đảm đang, cũng trên Facebook. Là người “chuyên” những món “đặc sản” chay ở hội này, chị Huỳnh Kim Ngân cho biết: “Một số món bánh ngọt đặc sản như bánh bò Bạc Liêu, bánh bà Lai, xôi xoài, xôi mít Thái Lan dành cho người ăn chay. Riêng những ngày rằm hay mùng một, tôi đang cố gắng nấu nhiều món chay hơn để phục vụ khách hàng”.
|
Điểm đến của người ăn chay tại Sài Gòn
Khác với nhiều quán chay khác, Here & Now Vegetarian nằm ở đường Nguyễn Công Hoan (Q.Phú Nhuận) được thiết kế trẻ trung. Giải thích về phong cách mà Here & Now Vegetarian đang theo đuổi, anh Lam - chủ nhà hàng cho biết: “Đối tượng mà mình nhắm đến là người trẻ thích ăn chay.
Nguyên liệu tự nhiên từ rau củ quả do tự tay tôi lựa chọn, chủ yếu là rau củ tươi ngon từ Đà Lạt. Để chế biến ra những món ăn ngon, đầu bếp phải tìm tòi và tiếp cận với xu hướng của thế giới. Hiện tại thực đơn bên quán tôi có khoảng 40 đến 50 món.
Bên mình có món nấm đậu xúc bánh tráng vị cay, thơm từ rau mùi có món gỏi nấm trộn thính, chua cay thơm kiểu Thái. Salad rau củ với nước xốt dâu tằm, salad đậu nấm đùi gà cuộn măng tây rất được lòng giới nữ vì giúp đẹp da và giữ dáng”.
|
“Ăn chay vì sức khỏe” là slogan mà ca sĩ hải ngoại Phi Nhung đặt cho nhà hàng Buddha Chay nằm ở đường Đặng Tất (Q.1). Tuy có diện tích không lớn nhưng nhà hàng được thiết kế và sắp đặt gọn gàng, đậm nét văn hóa Phật giáo. Bên cạnh những món ăn chay đặc sắc như lẩu Thái chay, chả giò Buddha và gỏi nấm đông cô, quán còn được nhiều thực khách yêu quý bởi “ai cũng mến cô chủ”.
Một quán chay khác của nghệ sĩ cũng lấy được lòng nhiều thực khách là nhà hàng chay Quang Thảo (đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Lê Văn Sỹ - Q.3) của diễn viên Quang Thảo và Đình Toàn. Theo chia sẻ của hai diễn viên này, lợi nhuận từ nhà hàng được sử dụng để tổ chức các chương trình từ thiện mà Quang Thảo - Đình Toàn thực hiện lâu nay.
Nằm trong khuôn viên của Pháp viện Minh Đăng Quang, nhà hàng Thiện Duyên có sức chứa trên 500 khách thường xuyên tổ chức những bữa tiệc chay buffet và tiệc cưới trong chùa (lễ hằng thuận).
Các món ăn chay của nhà hàng này có hương vị thanh và mùi hương hấp dẫn. Một trong những món “lạ” ở đây là món lẩu nấm được nấu cùng với mủ gòn rất lạ miệng nhưng rất ngon. Nhà hàng thường tổ chức những buổi tọa đàm vê ẩm thực hoặc về cách chia sẻ, yêu thương.
|
Một số nhà hàng chay khác như Bông Súng, Ba Lá, Restaurant Chay Vegetarian hay Rôi Vegetarian Restaurant, The Organic… cũng được nhiều người ăn chay bình chọn là các địa điểm ẩm thực không thể bỏ qua với các món ăn độc đáo.
Như tại Rôi Vegetarian Rerstaurant, thực khách mê rau sẽ tha hồ thưởng thức rau đủ loại và cũng sẽ không bị bực mình vì không có chuyện món ăn chay mà “giả” như món mặn như tại một vài nơi khác. Còn ở nhà hàng The Organic, các món ăn đều được chế biến từ thực phẩm hữu cơ.
Để ăn chay mà vẫn đảm bảo đủ chất cũng như để tìm hiểu các cách chế biến món chay cho đúng không hề là chuyện dễ dàng. Bởi nếu ăn không đủ chất, cơ thể sẽ phải “trả giá” bằng những căn bệnh khác nhau. Bởi nếu không biết cách nấu chay, bạn có thể sử dụng quá nhiều dầu hoặc quá sơ sài trong chế biến. Trang Facebook CHAY kitchen là một trong những nơi mà mọi người có thể tìm để hiểu thêm về câu chuyện ăn chay.
|
Bình luận (0)