Có hôm tôi đứng chờ một người bạn đến đón nên khi mua khoai thì ngồi lại cạnh xe khoai ăn trong khi chờ. Chị có mấy cái ghế nhựa nhỏ dành cho khách. Chị câm nói cái gì đó, ú a ú ớ, lại cười, rồi đưa mấy ngón tay lên. Tôi hiểu ra nội dung câu hỏi (hy vọng là đúng!) Tôi giơ ngón tay trả lời.
Rồi một bác xe ôm đứng ngay cạnh quán ghé qua. Bác với chị trao đổi cái gì đó, người ú ớ, người múa tay, cơ mà nội dung xuôi hết, dù chẳng có tí ngôn ngữ âm thanh nào. Hai người cười ha ha có vẻ rất vui. Tôi nhiều chuyện, hỏi bác xe ôm: “Bác biết dùng ký tự ạ? Chị đó câm thôi hay là cả câm và điếc ạ?”, Bác bảo: “Tui đứng đây lâu nên hiểu hết ấy mà. Cứ ở lâu là hiểu à cô ơi!”. Bác lại khen chị đó: “Con bé hay lắm, vừa câm vừa điếc chứ cái gì cũng biết làm”.
Đoạn, bác đi đâu đấy, chị bán khoai quay qua “giao tiếp” với tôi, tôi bảo: “Chị chị, bác kia khen chị “năm bờ goăn!”. Tôi nắm bàn tay chìa ngón tay cái ra ý số một. Chị câm hiểu ý, cười ha ha dễ thương hết sức!
Đó là một trong những quán người câm mà tôi biết giữa lòng thành phố nhiều thanh âm.
|
Thứ bảy tuần trước, tôi vừa bận vừa bệnh mà phải xách máy đi chụp giùm vài bức hình một cái quán người câm bán cho bạn tôi. Trời mưa tầm tã, đúng năm rưỡi chiều, tôi có mặt ở góc giao đường Võ Văn Tần và Cao Thắng. Nhìn toét mắt các biển hiệu cửa tiệm, chẳng thấy cái quán sinh tố C-M nào cả! Tôi ghé hỏi mấy người xe ôm: “Chú ơi chú có biết quán sinh tố C-M (xi em) gần đây không ạ?”. Một chú xe ôm nhiu nhiu trán: “Quán xi em là quán nào nhỉ?”. Tôi chột dạ, phải phát âm tiếng Việt chứ nhỉ! Nên tôi tiếp: “Quán cờ mờ ấy chú!”. Nói đến thế mà mấy chú xe ôm vẫn chẳng ai nghĩ ra. Tôi mới nhớ ra nhắc tên người chủ quán, quán anh Chiến chị Mai ấy ạ. Các chú lắc đầu chịu thua.
Trời vẫn mưa lớn, tôi ngán ngẩm nghĩ kiểu này chắc về. May sao tự dưng tôi nói thêm: “Anh chị ấy bị câm cả ấy các chú ạ”. Mấy người xe ôm ồ lên, chỉ chỗ ngay. Là vỉa hè cách ngay đó vài chục mét. Các chú còn dặn: “Phải hỏi quán sinh tố mấy người câm bán thì mới biết nha”. Tôi dạ dạ.
Quán chưa mở. Tôi nghĩ trời mưa to quá, quán không mở. Nào ngờ có một anh chạy lại, tôi không biết anh vừa câm vừa điếc nên tôi hỏi chuyện, xong thấy anh không nói gì mà lại chạy đi. Tôi thấy anh ú ớ cái gì với một người khác. Tôi nghĩ cả hai người đó bị câm và điếc. Tôi vẫy tay gọi lại, rồi lôi giấy bút ra viết. May sao, ảnh biết đọc biết viết. Ảnh viết trả lời lại tôi, năm mươi phút nữa quán mới mở.
Và vậy là tôi ngồi chờ trong mưa để đến giờ quán mở, để chụp vài bức hình được nhờ.
Chưa đến năm mươi phút sau, vợ chồng anh Chiến chị Mai chở nhiều trái cây tới, bắt đầu dọn quán vỉa hè. Tôi ghi giấy gọi ly sinh tố mãng cầu, rồi ngồi chờ. Cầm máy hình ngồi bên vỉa hè, chụp đường, chụp mưa, chụp lung tung, chụp cả cái ly nước, chìa khóa xe… Bao năm ở Sài Gòn, tôi vẫn thích cái cảm giác ấy, ngồi bên vỉa hè, nhìn dòng người chạy trên đường.
Nhìn thấy anh Chiến chị Mai đã sắp các thứ trái cây lên quầy xong xuôi rồi, tôi bèn viết giấy xin chụp vài bức hình, bảo là cho em chụp rồi đăng Facebook rủ bạn bè đến uống cho vui. Anh chị chịu liền, viết giấy lại bảo em chờ thêm chút để anh chị chỉnh sửa cho đẹp hơn tí.
Quán vỉa hè thôi mà anh chị sắp soạn, ngắm nghía, ưng ý từ trong ra ngoài rồi mới chịu cho tôi chụp hình. Rồi hai vợ chồng đứng bên quầy, nét mặt tươi như trẻ thơ, cho tôi chụp vài bức. Hai người dễ thương hết sức!
Tôi nhớ cách đây hơn mười năm, tôi vào Sài Gòn, được chị gái chở qua quán cà phê Lặng trên đường Trần Huy Liệu, quán cà phê sách, do các bạn câm điếc bán. Khách gọi gì thì cứ viết ra hoặc chỉ trên menu.
Sau này có những lần tôi đi ngang lại con đường cũ, cố tìm mấy tiệm sách cũ, tìm lại cái quán cà phê Lặng có mấy bạn câm điếc, tìm lại những hình ảnh mà thời gian đầu tôi đến Sài Gòn đã thấy,… nhưng không biết quán cũ không còn hay do tôi đi nhầm khúc đường nên chẳng tìm lại được gì nữa cả.
Sài Gòn trong tôi cứ lan man qua nhiều ngóc ngách, nơi ồn ào rộn rã, nơi lặng lẽ âm trầm,… ghi dấu bao nhiêu buồn vui được mất. Sài Gòn thay đổi từng ngày, để dù ở ngay đây, không phải xa thương, rời nhớ, mà tại giữa lòng Sài Gòn, vẫn nhớ nhớ thương thương những khoảng phố đâu đó mình đã có dịp lưu qua.
|
Bình luận (0)