Dường như, ông trời cũng không nỡ làm cho người ta ghét Sài Gòn đến vậy, cũng có lúc làm người ta nhớ. Đó là là lúc Sài Gòn trở gió.
Sáng dậy, bạn cần thêm một chiếc áo khoác mỏng hay khăn choàng nhẹ đủ ấm cổ. Nhưng lúc ấy, con người ta dường như con người ta phải sống vội, hối hả lên một tí bởi Sài Gòn trở gió cũng là Tết sắp về. Tết về phải tươm tất cho đàn con một tí nên người cha phải ráng cày cuốc mặc cho cái lạnh cuối năm nhưng nhìn đứa con trong chiếc mới cũng đủ ấm lòng. Đôi khi, đó là những chiếc áo cũ của một người vô danh dành cho những phận người lênh đênh, phố phường là nhà. Ở các quán cà phê ven đường, người ta cần một cốc cà phê nóng nhâm nhi ngẫm lại sự đời và để cảm nhận cái se lạnh của Sài Gòn ngày cuối năm trên phố phường tấp nập.
|
Những lúc Sài Gòn trở gió ấy, con người ta lại có dịp ôn lại những kỉ niệm xưa. Đó là cái thời siêu thị, cửa hàng mini mọc lên như nấm bấy giờ và chợ truyền thống vẫn là độc tôn. Khi ấy, các bà các mẹ tranh thủ sắm Tết. Về đến nhà, đám con cháu lại vây quanh xem bà và mẹ đem những gì từ chợ về. Có khi, trong đám kiệu, dưa cải là chiếc bánh cam, bánh da lợn, bánh con cua... mà lòng vui phơi phới. Càng gần Tết, chợ càng nhộn nhịp hơn. Tôi nằng nặc đòi nội đi chợ Tết cho bằng được. Một phần vì quà bánh và một phần vì vui. Bởi các câu chuyện lúc ấy toàn là nói về Tết: “Tết nay kiệu lên giá nhưng ngon. Đảm bảo cô ăn không ngon con bù thêm cho!”, rồi tay thoan thoắt cho kiệu vào bao nhưng không quên để dư thêm một chút để làm khách vui khi nghe kiệu lên giá. Ở hàng thịt, cô hàng thịt tươi cười đon đả: “Cô mua đi! Thịt nay ngon, mua về làm thịt kho là ngon khỏi chê.” làm cho người mua khó tính cũng phải xiêu lòng bởi cách nói của cô hàng thịt. Tối đến, ngồi bên nội nghe cải lương và xếp kiệu vào keo sao mà buồn não ruột nhưng nghe bàn tán về Tết thì vui trở lại. Khi lên giường, tôi mong cho trời mau sáng để chuẩn bị Tết đến được mặc áo mới. Để sáng mồng một Tết, cái nắng phương Nam sưởi ấm lòng người trên đường du xuân.
Cái gì tuyệt đẹp nhất thì lại ngắn ngủi qua mau. Cái se lạnh ấy chẳng quá lâu để người ta chán ngán. Nó dừng lại trong chốc lát để nhắc nhở một điều gì đó đã quên trong cuộc sống vội vã này và để lại luyến tiếc cho bao người. Để rồi, cuối năm, mọi người lại bảo nhau: “Năm nay, Sài Gòn trở gió”.
|
Bình luận (0)