Trung niên và người cao tuổi ở Việt Nam đã và đang trở thành mục tiêu của kẻ gian bởi so với lứa trẻ hơn, nhóm tuổi này có nhiều sơ hở dễ bị kẻ gian khai thác, đặc biệt là những sai lầm trong việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh (smartphone) và mạng xã hội, ứng dụng tin nhắn.
Theo Báo cáo WeAreSocial 2024, Việt Nam hiện có 79% dân số sử dụng internet, tập trung vào nhóm độ tuổi từ 16 - 64, trong đó, 97% người dùng kết nối internet qua điện thoại di động. Một độ phủ rất lớn về lượng người dùng trực tuyến. Đáng chú ý, số liệu từ Google vừa công bố cho thấy 49% người trên 55 tuổi từng là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.
Theo Google, thói quen lên mạng không an toàn là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sập bẫy lừa đảo, 90% người dùng từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến và hơn 70% từng là nạn nhân. Nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương, với 49% từng bị lừa đảo. Theo đó, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp Google để cảnh báo cũng như đưa ra những phương thức giúp người lớn tuổi nhận biết và phòng vệ trước những thủ đoạn lừa đảo trực tuyến.
Dưới đây là một số sai lầm dễ khiến người cao tuổi trở thành mục tiêu của kẻ lừa đảo qua không gian số, và giải pháp đề xuất:
Vô tư chia sẻ thông tin lên mạng xã hội
Smartphone và internet giúp người cao tuổi giữ kết nối với bạn bè, hòa nhập vào thế giới con cháu, nhưng cũng kèm theo đó là rất nhiều rủi ro không lường trước từ thế giới mạng. Hầu hết người cao tuổi đều dễ dàng chia sẻ những khoảnh khắc cuộc sống cá nhân hay gia đình lên mạng, như hình ảnh rõ mặt của cả gia đình, hay lịch trình các hoạt động trong ngày, thói quen cá nhân… Tất cả những nội dung này là thông tin hữu ích cho kẻ gian tổng hợp và phân tích, từ đó thực hiện các chiêu lừa dễ làm nạn nhân sập bẫy.
Kẻ gian có thể lừa đảo ra sao?
- Giả mạo người nhà, gọi điện thoại hoặc gọi thoại video (video call) có cả hình ảnh khuôn mặt và giọng nói của con cháu hay bạn bè, kèm theo những thông tin mà chỉ người liên quan biết. Hình ảnh và nội dung như thật khiến nạn nhân dễ tin ngay và làm theo yêu cầu như chuyển khoản gấp số tiền lớn. Giải pháp ứng phó khá đơn giản, đừng vội tin ngay bất cứ yêu cầu chuyển tiền nào dù chính mắt thấy hình ảnh con mình đang trên cuộc gọi video. Tắt video-call, hãy gọi điện thoại đến đúng người đó để xác nhận.
- Kịch bản khá phổ biến vừa qua là giả mạo gửi hàng. "Con của bà vừa mua 5 lít mật ong rừng đây, trả số tiền này", "Anh ấy làm ở công ty A, số điện thoại B, chồng chị C…". Những thông tin kẻ gian cung cấp đều đúng khiến nạn nhân dễ tin là con mình đã đặt mua thật và trả tiền. Tuy nhiên, giải pháp như trên, hãy gọi điện thoại đến người con để xác nhận.
- Giả mạo viên chức, yêu cầu gửi giấy tờ tùy thân. Hình thức này rất phổ biến trong năm 2023, kẻ gian giả làm công chức của các cơ quan quản lý bộ ngành, kiểm sát viên, cán bộ tòa án hay công an để yêu cầu gửi ảnh chụp CCCD, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân… Từ đó, các thông tin cá nhân đều có thể được sử dụng lập các hợp đồng vay khống, các hợp đồng tín dụng khống, vay nợ ảo. Giải pháp ứng phó cho kịch bản này là tuyệt đối không tin và không gửi bất kỳ giấy tờ, nội dung gì.
- Giả mạo nhân viên ngân hàng. Thông qua các thông tin tổng hợp từ mạng xã hội, kẻ gian giả nhân viên ngân hàng gọi điện thoại đến nạn nhân, thông báo tài khoản ngân hàng có vấn đề cần được xử lý cấp bách, hối thúc nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản hay mã đăng nhập, từ đó đoạt quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, rút sạch tiền trong tài khoản tiền hưu. Giải pháp ứng phó rất đơn giản là không bao giờ tin làm theo bởi vì ngân hàng không bao giờ chủ động liên hệ khách để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân liên quan tài khoản.
Một nguy cơ rất lớn từ thế giới mạng cũng là mối nguy hại với người cao tuổi khi tiếp xúc internet, đó là tin giả. Với cơn lũ thông tin hiện nay, tin giả muôn hình vạn trạng đe dọa khả năng tiếp nhận thông tin và kiến thức của người cao tuổi, khiến họ dễ sập bẫy và bị dẫn dắt. Những tin đồn thất thiệt liên quan một sự kiện đang thu hút, hay những phương pháp trị liệu sức khỏe phi khoa học nhưng lại liên quan đến vấn đề sức khỏe của mình thường là mối quan tâm của người lớn tuổi.
Giải pháp với tin giả là đừng vội tin, và hãy tìm các nguồn tin thật, nguồn đáng tin cậy, nguồn tham chiếu chính thống.
Người trẻ hãy là hotline ứng cứu
Người trẻ cần trở thành lớp bảo vệ vững chắc cho phụ huynh trước các nguy cơ từ internet và lừa đảo công nghệ, trở thành số điện thoại hỗ trợ hotline mà phụ huynh mình có thể gọi bất kỳ lúc nào phụ huynh thấy "lạ" đáng nghi hay "sợ" từ những người trên mạng tiếp cận. Điều này sẽ giúp người lớn tuổi có thể chuyển hướng các nguy cơ lừa đảo qua cho những người trẻ có kinh nghiệm để loại bỏ chúng.
Người cao tuổi ngoài những giải pháp trên nên thường xuyên tự trau dồi kiến thức để phòng tránh những chiêu thức lừa đảo mới của kẻ gian. Một kênh cung cấp thông tin rất hữu ích cho người lớn tuổi hiểu biết về các chiêu thức lừa đảo lẫn phương thức bảo vệ mình vừa được Google phối hợp Cục An toàn thông tin giới thiệu vào đầu năm 2024 tại địa chỉ http://g.co/TrungTamAnToan, cùng loạt chương trình về "An toàn trực tuyến dành cho người lớn tuổi". Đây là hoạt động hỗ trợ cộng đồng rất có ích của Google giúp bổ sung kiến thức cho "người trẻ" để giúp "người già" an toàn khi sử dụng công nghệ.
Bình luận (0)