“Xem thường” nước ngọt
|
Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, một lon nước ngọt có ga 330 ml cung cấp 138,6 kcal. Trong khi đó, để tiêu thụ hết 100 kcal cần hết 45 phút đi bộ. Như vậy cần hơn 60 phút để tiêu thụ hết năng lượng mà lon nước này cung cấp, do đó chỉ cần uống thêm, để giải khát mà không giảm nguồn cung cấp năng lượng khác thì nước ngọt cũng là tác nhân quan trọng gây dư năng lượng, dư cân. Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, nguy hại hơn nữa, nước ngọt và nước ngọt có ga thường là rỗng năng lượng, không cung cấp vitamin và khoáng chất. Thậm chí nước ngọt có ga còn làm mất can xi của cơ thể bởi vì để trung hòa CO2 (chất tạo ga trong nước ngọt) cơ thể cần huy động can xi ở răng và xương. Hiện tại, khẩu phần ăn của trẻ nhìn chung mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu can xi, lại thêm mất can xi do uống nước ngọt có ga thì có thể làm gia tăng tình trạng thiếu hụt can xi.
“Khẩu vị của người trưởng thành chúng ta đang rất “háo” ngọt, đó là thừa hưởng từ thời khó khăn với nhu cầu “cân đường hộp sữa” để bồi bổ sức khỏe. Nhưng cần xóa dần đi cho các con trẻ khẩu vị “nguy hiểm” này bởi chế độ ăn nhiều đường liên quan đến thừa cân béo phì và kéo theo đó là nguy cơ mắc đái tháo đường, bệnh lý tim mạch”, PGS-TS Bạch Mai khuyến cáo. Ngay cả với trẻ có cân nặng phù hợp, cha mẹ vẫn cần chủ động tạo cho trẻ khẩu vị ít ngọt hơn để cho một chặng đường dài trong tương lai, tránh các nguy cơ bệnh tật khi trưởng thành do chế độ ăn bất hợp lý.
“Cai sữa” cho trẻ béo
PGS-TS Bạch Mai lưu ý thêm, một trong những sai lầm của người lớn là cho trẻ thừa cân béo phì ngưng uống sữa do lo ngại sữa làm tăng cân. Nhưng thực tế sữa là thực phẩm cần cho tăng trưởng của trẻ, bởi đó là nguồn cung cấp can xi và một số vi chất cần thiết cho tăng trưởng. Theo chuyên gia, “trẻ thừa cân béo phì là tình trạng kết dư mỡ trong cơ thể. Để có được cân nặng hợp lý, cần kiểm soát năng lượng đưa vào bằng chế độ ăn: giảm lượng tinh bột (cơm), hạn chế bánh ngọt và các thực phẩm từ tinh bột, hạn chế đồ xào rán; tăng cường rau xanh và trái cây, duy trì việc uống sữa.
Tuy nhiên, lưu ý là nên chọn loại sữa phù hợp, tốt nhất là sữa không đường hoặc ít đường bởi vì đường cung cấp năng lượng và tạo mỡ trong cơ thể. Với trẻ thừa cân, béo phì lớn (sau 6 tuổi) có thể uống sữa tách béo để giúp kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, phô mai cũng là thực phẩm giàu can xi hữu ích cho trẻ. So với sữa, độ béo trong phô mai tương đương còn lượng can xi cao hơn 5 - 6 lần và không có đường, do đó không nên e ngại việc cho trẻ dùng phô mai. Trong khi đó, váng sữa lại rất giàu chất béo, do đó chỉ nên sử dụng thực phẩm này cho trẻ gầy.
Với trẻ thừa cân béo phì, nên tham khảo bác sĩ dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát cân nặng mà vẫn đầy đủ các thành phần thiết yếu cho trẻ tăng trưởng. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, cha mẹ và nhà trường cần tạo cho trẻ cơ hội vận động thể lực để phát triển thể chất, chiều cao tốt nhất.
“Các phụ huynh nên có thói quen đọc chỉ số năng lượng (kcal) ghi trên nhãn thực phẩm trước khi cho con sử dụng. Nên lưu ý, nhiều nhà sản xuất chỉ ghi đơn vị nhỏ nhất chứ không ghi tổng năng lượng, do vậy cần đọc đầy đủ và kiểm soát được thực phẩm khi sử dụng, đặc biệt với trẻ thừa cân, béo phì” - PGS-TS Lê Bạch Mai |
Liên Châu
>> Chăm sóc trẻ bị sởi
>> Camera chăm sóc trẻ nhỏ từ xa
>> Cảm nhận mô hình chăm sóc trẻ em ở Mỹ
>> Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng
Bình luận (0)