Vụ một người Úc đang chống chọi với tử thần do nhiễm vi khuẩn gây viêm cân mạc hoại tử đã nhắc lại sự tồn tại của một số sinh vật bất thường có thói quen “đánh chén” thịt người sống.
Vết cắn của nhện thuộc nhóm Loxosceles có thể gây hoại tử - Ảnh: arachnids.myspecies.info |
Sau đây là 5 nguồn gây bệnh và sâu bọ có thể ngấu nghiến thịt người từ trong ra ngoài.
Vi khuẩn quái vật
Theo trang The West Australian, bệnh nhân 56 tuổi tại Úc được đề cập ở trên là một trong nhiều người trên thế giới ngã bệnh vì nhiễm một loại vi khuẩn thuộc nhóm A Streptococcus. Những vi khuẩn này thường xâm nhập cơ thể thông qua các vết thương mở và gây nên tình trạng gọi là viêm cân mạch hoại tử, một dạng nhiễm trùng nhanh chóng lan rộng và tiêu diệt các tế bào mềm của cơ thể, bao gồm da và cơ. Chỉ tính riêng tại Úc, ước tính mỗi năm có khoảng 400 người được chẩn đoán mắc chứng này. Khi vi khuẩn ăn thịt tấn công vào phần mô liên kết xung quanh các bắp thịt, mạch máu và dây thần kinh, có thể gây chết người với xác suất lên đến 25 - 30% số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn này.
Ruồi
Vào năm 2013, một du khách người Anh đã mang theo một vật kỷ niệm không mong muốn từ Peru: dòi ăn thịt chui đầy tai. Các bác sĩ đã phải tiến hành công tác cưỡng bức trục xuất đám dòi trên, vốn là ấu trùng của một loài ruồi có tên khoa học là Cochliomyia hominivorax. Ruồi cái đẻ trứng trên phần thịt mở của động vật máu nóng, bao gồm các vết thương trên cơ thể của thú cưng, rốn của gia súc mới sinh và những khe hở trên cơ thể người. Trứng ruồi có thể nở trong vòng 24 giờ kể từ khi ký sinh và bắt đầu đánh chén thịt và dịch cơ thể của chủ nhân, theo Tổ chức Lương nông của LHQ.
Ấu trùng ký sinh dưới da
Giống như ấu trùng ăn thịt của ruồi Nam Mỹ, con của ruồi ký sinh trên người (Dermatobia hominis) có thể khiến da bạn ngứa ngáy. Để ký sinh được, loài ruồi này nhờ cậy con ve hoặc muỗi tiêm trứng vào cơ thể người hoặc các động vật khác. Khi ruồi hoặc ve đậu lên da hút máu, trứng ruồi cảm giác được sự thay đổi của nhiệt độ và nở trứng, xâm nhập cơ thể vật chủ thông qua điểm hút máu. D.hominis sẽ bám bên dưới da và ăn no nhờ vào dịch cơ thể trong khoảng 8 tuần trước khi rơi khỏi vật chủ và biến thành ruồi. Trong quá trình ký sinh để phát triển, chúng gây nhiễm trùng da.
Nhện
Một số loài nhện sở hữu những cú cắn vô cùng độc, khiến phần da của nạn nhân bị ăn mòn, hay còn gọi là hoại tử. Theo Bảo tàng Úc, những loài nhện thuộc nhóm Loxosceles có lẽ là dạng thường xuyên nhất được nhắc đến trong các trường hợp da hoại tử do nhện cắn. Chúng là loài bản địa ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Mỹ. May mắn là chỉ có khoảng 10% số trường hợp bị nhện này cắn có thể gây hoại tử da.
Trùng biến hình Amip
Naegleria fowleri là một loài amip siêu vi cư trú trong những vùng nước ngọt, ấm, và xâm nhập cơ thể thông qua mũi. Nó đi xuyên màng xoang vào hành khứu giác, nơi sinh vật này bắt đầu sinh sôi và tấn công tiếp vào não, hút mô não trên đường đi. Những con amip khủng khiếp này khiến não bị nhiễm trùng, một tình trạng được gọi là PAM và trong hầu hết các trường hợp nạn nhân đều tử vong. Trong một số trường hợp cực hiếm, vẫn có người may mắn sống sót trong cuộc đối đầu với N.fowleri. Vào năm 2012, một bé gái 12 tuổi ở bang Arkansas (Mỹ) đã nhiễm trùng biến hình khi tiếp xúc với nước ở công viên địa phương. Cô bé là một trong ba người hiếm hoi từng được biết có thể đánh bại trùng N.fowleri.
Bình luận (0)