(TNO) Phẫu thuật gây chết người rồi vứt xác nạn nhân tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường, hàng loạt trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem, Bệnh viện Hoài Đức “nhân bản” kết quả xét nghiệm… là những sự kiện y tế làm "dậy sóng" dư luận trong năm 2013.
>> Bác sĩ vứt xác bệnh nhân bị khởi tố 2 tội danh
>> Bác sĩ vứt xác bệnh nhân xuống sông: 'Tôi hành động quá ngu dốt
>> Thêm một bé gái tử vong sau tiêm ngừa vắc xin Quinvaxem
>> Lo ngay ngáy khi tiêm lại vắc xin Quinvaxem
>> Gian lận xét nghiệm ở BVĐK Hoài Đức: Xem thường tính mạng con người
>> Một trẻ sơ sinh suýt bị chôn sống vì bác sĩ tắc trách
>> Khởi tố vụ án 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B
|
Năm 2013 có thể xem là một năm "xấu" với ngành y tế khi để xảy ra vô số vụ việc chấn động khiến nhân dân và dư luận phẫn nộ.
Thanh Niên Online xin điểm lại những sự kiện y tế gây chấn động trong năm 2013 này.
Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chết người, vứt xác
Có thể nói, vụ bác sĩ Mạnh Tường phẫu thuật thẩm mỹ gây chết người rồi vứt xác của nạn nhân phi tang là sự việc gây “sốc” nhất của ngành y tế trong năm 2013.
Ngày 22.10, cơ quan điều tra cho biết đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường (số 45 Giải Phóng, Hà Nội), về hành vi giết người.
|
Nạn nhân là chị Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, ngụ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến làm phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường.
Ca phẫu thuật khiến chị Huyền tử vong. Đỉnh điểm của tội ác gây phẫn nộ dư luận là bác sĩ Tường đã mang thi thể nạn nhân vứt xuống sông Hồng phi tang.
Sự việc làm rúng động ngành y tế và cả dư luận trong suốt thời gian qua mà hậu quả vẫn còn dai dẳng. Nỗi mất mát, đau khổ của người nhà nạn nhân vẫn còn hiển hiện, và sau hơn hai tháng dốc sức tìm kiếm vẫn chưa thấy thi thể chị Huyền.
Một lễ tang không có thi thể, một lễ cầu siêu đầy nước mắt, sự ghê sợ và phẫn nộ.
Đây là sự việc khiến hầu như các y bác sĩ, những người làm trong ngành y tế nghe tin đều rùng mình, “sốc”, phẫn nộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì “tất cả các cán bộ ngành y của chúng tôi đều chịu chung cảm giác là không thể tin đó là sự thật”.
Nhiều trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem
Chưa đầy 2 tháng sau khi Bộ Y tế cho phép tiếp tục tiêm lại vắc xin Quinvaxem “5 trong 1” trên cả nước đã có hai trẻ tử vong và hàng trăm trẻ nhập viện do phản ứng sau tiêm.
|
Trước đó, từ tháng 12.2012 đến cuối tháng 4.2013, liên tiếp có 9 trường hợp tai biến dẫn đến tử vong và hàng chục ca phản ứng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem ở trẻ.
|
Gần đây nhất là ngày 24.11, ngành y tế ghi nhận thêm một trường hợp bé gái 5 tuổi tại Bạc Liêu tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem.
Theo Bộ Y tế, trường hợp tử vong nêu trên được ghi nhận là một trường hợp trong tổng số gần 400.000 liều vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng lại từ tháng 10.2013 đến nay.
Sau đó, hội đồng chuyên môn Bộ Y tế kết luận rằng nguyên nhân tử vong của cháu bé tại Bạc Liêu là do suy hô hấp, suy tuần hoàn sau tiêm, song chưa loại trừ nguyên nhân do trùng hợp bệnh lý khác gây tử vong. Hội đồng này loại trừ nguyên nhân tử vong do vắc xin và thực hành tiêm chủng.
Tuy nhiên, dư luận và đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ không khỏi hoang man, lo lắng về độ an toàn của vắc xin, cũng như chưa đồng tình với những câu trả lời, cách giải thích và hướng xử lý của Bộ Y tế.
Nhiều người dân bức xúc cho rằng “đừng đem trẻ em làm vật thí nghiệm”.
Vắc xin Quinvaxem “5 trong 1” (ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ) được sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia của nước ta từ cuối năm 2010.
“Nhân bản” kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân
Đầu tháng 8, Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) bị phát hiện “nhân bản” hơn 1.000 xét nghiệm cho bệnh nhân.
Bệnh viện Hoài Đức đã dùng một phiếu xét nghiệm huyết học để sao chép trả cho 2-5 bệnh nhân. Thậm chí nhiều bệnh nhân khác xa nhau về bệnh án, về lứa tuổi cũng được dùng chung một kết quả xét nghiệm.
Sai phạm “nhân bản” kết quả xét nghiệm đã được Công an TP.Hà Nội vào cuộc điều tra. Qua công tác điều tra, cơ quan chức năng thu thập tài liệu có các bằng chứng cho thấy một số y, bác sĩ Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Hoài Đức đã cố ý làm trái các quy định của ngành, sử dụng hàng nghìn kết quả xét nghiệm huyết học tại bệnh viện cho hơn 2.000 bệnh nhân có chung các chỉ số sinh hóa, ngày giờ xét nghiệm, ngày giờ in phiếu kết quả xét nghiệm.
|
Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 10 y bác sĩ của Bệnh viện Hoài Đức. UBND TP.Hà Nội cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Giám đóc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức Nguyễn Trí Liêm.
Về mức độ nghiêm trọng, những hậu quả của việc làm trên, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nếu các kết quả xét nghiệm “nhân bản” được sử dụng cho điều trị thì ảnh hưởng rất lớn, làm sai lệch tình trạng bệnh tật của người bệnh dẫn đến chỉ định điều trị không đúng, không hiệu quả; làm lạm dụng thuốc, dùng sai thuốc rất nguy hiểm cho người bệnh.
Còn trong trường hợp nếu không có bệnh nhân điều trị thì đó là hành vi lập hồ sơ rút tiền từ quỹ bảo hiểm y tế.
Bác sĩ “ăn” phim chụp x-quang
Trong khi đó, tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM), bác sĩ “ăn” phim chụp x-quang, lấy cắp giờ công để khám, mổ dịch vụ.
|
Vào đầu tháng 10, thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã công bố kết quả thanh tra cho thấy có đến 70% tổng số ca phẫu thuật tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình là mổ dịch vụ.
Điều gây bức xúc là các trường hợp phẫu thuật dịch vụ này được thực hiện vào những ngày làm việc trong tuần, nhiều bác sĩ ở các khoa mổ dịch vụ trong khi họ đang có lịch trực theo phân công của bệnh viện, được chấm công trực. Trong khi đó, những bệnh nhân cần mổ, không đăng ký mổ dịch vụ thì phải “dài cổ” chờ lịch mổ.
Chưa kể, một số bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện còn gian lận, “ăn” phim chụp x-quang của bệnh nhân. Đó là thu tiền phim lớn (đắt tiền), nhưng chụp phim nhỏ rẻ tiền hơn; thu tiền hai phim chụp, nhưng chụp ghép nhiều hình trên một phim.
Tráo thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt Hà Nội
Sau khi nhận được đơn tố cáo của một bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện hơn 700 bệnh nhân mổ mắt thủy tinh thể tại bệnh viện này đã bị tráo thủy tinh thể và dịch nhầy từ loại đắt tiền sang loại rẻ tiền.
Cụ thể, bệnh viện đã dùng thủy tinh thể của Trung Quốc, Hàn Quốc trong phẫu thuật cho bệnh nhân trong khi đó phiếu thu tiền lại thể hiện là sử dụng thủy tinh thể của Mỹ. Chênh lệch tiền giữa hai loại thủy tinh thể này khoảng từ 20.000 - 30.000 đ/thủy tinh thể.
Theo thanh tra Sở Y tế Hà Nội kết luận sự việc do sai sót về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, công tác tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, người đã tố cáo về các vi phạm tại bệnh viện, không đồng tình với kết luận trên.
Ba trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B
Năm 2013 là một năm với nhiều lùm xùm bê bối trong việc tiêm vắc xin cho trẻ. Người dân tiếp tục bất an với việc 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B.
Vụ việc xảy ra vào ngày 20.7, tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Ba cháu bé sơ sinh đã tử vong ngay sau khi được tiêm vắc xin phòng viêm gan B.
|
Cả ba sản phụ cùng nhập viện và việc sinh nở đều diễn ra bình thường. Các cháu bé mới sinh đều khỏe mạnh, bú tốt. Tuy nhiên, sau khi được các y tá tiêm vắc xin viêm gan B (mũi dành để tiêm cho trẻ sơ sinh sau khi chào đời không quá 24 giờ, nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia) thì bỗng nhiên các bé tím tái, khó thở và tử vong.
Sự việc gây “sốc” cho gia đình các bé cũng như trong dư luận khi biết thông tin trên.
Công an tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc điều tra và quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
Tiêm vắc xin quá hạn sử dụng cho trẻ
Sáng 20.5.2013, ông Phan Văn Ngọc (Phú Yên) đưa hai con trai đến tiêm vắc xin ngừa sởi, quai bị, rubella tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.Tuy Hòa (Phú Yên). Sau khi con được tiêm ngừa, ông nhặt vỏ lọ từ sọt rác lên xem và phát hiện vắc xin đã hết hạn sử dụng.
Trên hộp vắc xin ghi rõ hạn sử dụng là tháng 4.2013.
|
Khi được phản ánh sự việc, Trung tâm Y tế dự phòng TP.Tuy Hòa xác nhận liều vắc xin hết hạn trên nằm trong lô hàng số QLVX 029809 gồm 10 hộp Trivivac (mỗi hộp 5 lọ, tức 5 liều). Trong đó, trung tâm đã sử dụng hết 9 hộp.
Tuy nhiên, Trung tâm Y tế dự phòng TP.Tuy Hòa không biết đã tiêm cho ai, thời gian nào vì không lưu hộp, vỏ lọ. Theo quy định, cơ sở y tế phải lưu vỏ lọ trong 14 ngày sau khi sử dụng. Vì vậy, trung tâm chưa xác định ngoài trường hợp con ông Ngọc bị phát hiện, những trường hợp khác có bị tiêm vắc xin quá hạn hay không.
“Ăn bớt” vắc xin tiêm cho trẻ
Sự việc xảy ra tại phòng tiêm 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Một nhân viên viên y tế tại đây đã bị gia đình có con đi tiêm phòng bắt quả tang tiêm không đủ liều vắc xin cho con của họ. Sau khi nhận được thông tin và tiến hành xác minh, thanh tra Sở Y tế Hà Nội kết luận có việc “ăn bớt” trên.
Nhân viên y tế vi phạm đã bị đỉnh chỉ công việc tại phòng tiêm, làm báo cáo tường trình.
Hiện tượng “ăn bớt” vắc xin tại điểm tiêm chủng này trước đó từng được Báo Thanh Niên phản ánh, tuy nhiên ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết đã từng nghe nói từ năm 2012 nhưng không bắt được quả tang sự việc nào.
Trẻ sơ sinh suýt bị chôn sống vì bác sĩ tắc trách
Ngày 4.8, em bé sinh non (22 tuần tuổi, nặng 700 g) được bác sĩ Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, kết luận là đã tử vong do quá yếu và đề nghị gia đình đưa về lo hậu sự.
|
Tuy nhiên, khoảng 2 tiếng sau khi về đến nhà tổ chức khâm liệm thì ba của cháu bé sơ sinh hoảng hốt thấy con vẫn còn thở và tay chân vẫn cử động.
Gia đình đã tức tốc đưa em bé đến Bệnh viện Nhi Quảng Nam cấp cứu.
Sau đó, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Nam đã xác nhận y bác sĩ kíp trực đánh giá, kết luận cháu bé đã tử vong là chủ quan và không chính xác. Bệnh viện đã xin lỗi gia đình em bé.
Nguyên Mi
(tổng hợp)
Bình luận (0)