Chính những ngày cầm máy ảnh với nhiệt huyết tuổi trẻ đó, cộng với tính cẩn thận trong việc bảo quản tư liệu mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Trình còn lưu giữ những bức ảnh quý về Hà Nội.
Một trong những bức ảnh đáng nhớ nhất về Hà Nội của ông là bức Hồ Gươm chụp vào năm 1959. Đó là hình ảnh một Hà Nội xưa với hàng sấu xanh um bên bờ hồ, có tàu điện leng keng, có những người dân Hà Nội đạp xe buổi trưa... Chỉ riêng bức đó thôi ông đã bán trên hàng trăm bức cho những người đồng hương Hà Nội trong nước lẫn hải ngoại. Một bức ảnh chụp hồ Gươm khác cũng khiến ông rất tự hào là bức Hồ Gươm một ngày mùa thu, mặt hồ lãng đãng khói sương, tịnh không một gợn gió, in bóng tháp Rùa xuống mặt hồ như gương... Chỉ riêng cái khoảnh khắc buổi sớm mặt hồ im phăng phắc, soi bóng tháp Rùa rõ nét đó mà ông vác máy ảnh đến rồi về mất hết 5 ngày, chọn một ngày mặt hồ lặng không một chút gió mới bấm được bức ảnh ưng ý.
Đặc biệt trong lúc lục lại những bức ảnh về Hải Phòng bị đánh bom thời chiến tranh, nghệ sĩ Đào Trình tình cờ phát hiện trong kho tư liệu của mình có một số bức ảnh chụp Khuê Văn Các vào năm 1957. Các bức ảnh trắng - đen, ghi lại những hoa văn, kiến trúc, nước sơn... của Khuê Văn Các ngày đó. Chính điều này đã tạo hứng khởi cho một số nhà sử học trong việc so sánh Khuê Văn Các năm 1957 và Khuê Văn Các đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa như ngày hôm nay. Riêng với Đào Trình, việc công bố những bức ảnh này như một nguồn tư liệu tham khảo về Khuê Văn Các trong dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội quả là một niềm vinh dự và hạnh phúc.
Quang Thi
Bình luận (0)