Cồng chiêng - nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên, đã được cộng đồng quốc tế vinh danh, lâu nay vẫn canh cánh nỗi lo bị phai nhạt… Khơi gợi lửa đam mê là điều mà ngày hội cồng chiêng do Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) VN tỉnh Gia Lai phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Gia Lai tổ chức, làm được ít nhiều. Anh Võ Anh Tuấn, quyền Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh, cho biết: “Chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc trong quá trình bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Bởi vậy, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc chơi này hai năm một lần, nhằm tạo ngày hội cồng chiêng cho thanh thiếu niên, giúp các em say mê, tự hào hơn về văn hóa bản địa vô giá này”.
|
Đến với ngày hội cồng chiêng là những thanh niên - nông dân từ các bản làng xa xôi, là các em học sinh có niềm hứng thú với cồng chiêng mãnh liệt. Đó cũng chính là những tay chiêng thực thụ. NSND Y Brơm vui mừng: “Đây là dịp để thể hiện cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của từng khu vực, từng dân tộc. Vui sướng nhất là nhiều bài chiêng đã được tấu lên bằng hồn chứ không bằng kỹ thuật khô khan”.
Gần 500 thanh thiếu niên, đến từ hàng trăm bản làng tham gia liên hoan cồng chiêng, thể hiện phần nào văn hóa bản địa vẫn là mạch ngầm mạnh mẽ trong các cộng đồng làng. Tay chiêng Đinh Prăm ở huyện Kon Chro mới 11 tuổi nhưng đã chơi chiêng khá thạo, lại có hồn, rồi em Ksor H’on ở huyện Phú Thiện có giọng hát như mê hoặc mọi người…
Cồng chiêng luôn gắn với lễ hội từ các cộng đồng làng. Đó là chất men, là môi trường diễn tấu, diễn xướng của cồng chiêng, dân ca. Và trong lễ hội cồng chiêng này, nhiều bài hát, bài chiêng của các lễ hội như lễ đâm trâu, mừng lúa mới, mừng dòng nước về làng được trình diễn đầy hưng phấn và say mê. Chị Nguyễn Thị Liên, định cư tại Mỹ, có dịp cùng con gái đến xem biểu diễn cồng chiêng nói rằng thấy rất hay và yêu hơn bản sắc văn hóa độc đáo của đất Việt.
Trần Hiếu
Bình luận (0)