(TNO) Trung Quốc vừa công bố thông tin chi tiết của kế hoạch “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025), bước đầu tiên trong việc đạt tới tham vọng trở thành cường quốc chế tạo vào năm 2049. Tuy nhiên, tuần san kinh tế The Economic Observer xuất bản tại Bắc Kinh nhận định Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước.
Robot tại một nhà máy ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters
|
Thách thức đầu tiên mà Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình cải tạo các ngành công nghiệp của nước này là tình trạng thiếu kiểm soát công nghệ then chốt. Theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Mao Weiming, kế hoạch 10 năm của Trung Quốc là nhằm giải quyết vấn đề này.
Chẳng hạn, các nhà máy, xí nghiệp Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào robot do Đức và Nhật Bản sản xuất, trong khi robot nội địa chỉ được sử dụng để làm những công việc đơn giản, chẳng hạn như di dời đồ vật và hàn.
Ông Qu Daokui, chủ tịch Công ty Robot và Tự động hóa Siasun, cho biết 97% nghiên cứu về robot công nghiệp không được thương mại hóa, trong khi chưa đầy 10% nghiên cứu công nghệ tổng hợp được áp dụng trong lĩnh vực chế tạo. Siasun là một trong 242 công ty trước đây thuộc một viện nghiên cứu công nghiệp mà chính phủ Trung Quốc từng hy vọng sẽ góp phần vào quá trình cải cách kinh tế.
Nhưng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin cho biết kết quả biến đổi những viện nghiên cứu này thành công ty đã và đang gây thất vọng vì chúng làm giảm hoặc thậm chí kéo lùi quá trình phát triển công nghệ then chốt của họ. Cơ quan này nói rằng các doanh nghiệp chưa thay thế các trường đại học và viện nghiên cứu trong nỗ lực dẫn đầu hoạt động nghiên cứu và phát triển và chi rất ít cho lĩnh vực này.
Một giải pháp có thể vận dụng để cải tạo các ngành công nghiệp là cải thiện chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Wu Xiaobo, một nhà bình luận về tài chính và kinh doanh, lập luận.
Ông David Chai, chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Đài Loan tại thành phố Đông Hoản, một trung tâm chế tạo lớn ở tỉnh Quảng Đông, nhận định chất lượng sản phẩm có thể được cải thiện bằng cách áp dụng tự động hóa, chung quy vẫn là một sự nâng cấp công nghiệp nhưng dễ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt tới hơn. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện tự động hóa, và trên 190 doanh nghiệp đã thất bại do thiếu kinh phí, theo tờ báo.
Trong khi đó, nhiều công ty ở Trung Quốc đã chọn biện pháp tái cơ cấu tổ chức của mình như một cách thoát khỏi mô hình sản xuất cũ. Một trong những công ty đó là Haier, vốn đã từ bỏ cơ cấu quản lý từ trên xuống và chuyển đổi các đơn vị kinh doanh của họ thành các công ty giao dịch trực tiếp với khách hàng.
Việc nuôi dưỡng một nguồn cung cấp thỏa đáng đội ngũ nhân lực có năng lực cho thế hệ mới của ngành chế tạo là một thách thức nữa mà Trung Quốc phải đối mặt, theo tờ báo.
Ông Luo Tianhao, một chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Đánh giá Công nghệ Kinh doanh thuộc Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước, nói rằng phần lớn giới trẻ Trung Quốc đang chọn theo học tại các trường đại học và không thể trở thành công nhân xí nghiệp, và rằng nước này đã không thiết lập một hệ thống giáo dục hướng nghiệp cấp tiến.
Nếu Trung Quốc không thể nuôi dưỡng một thế hệ công nhân có tay nghề mới, sẽ khó để nước này hiện thực hóa giấc mơ trở thành một cường quốc chế tạo, tờ The Economic Observer kết luận.
Bình luận (0)