Khi được hỏi cảm nhận về Hà Nội sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, một kiến trúc sư cho biết ông hoàn toàn không thấy có sự thay đổi nào, cả về diện mạo và những cảm nhận văn hóa.
>> 5 năm mở rộng thủ đô: Hà Nội 'được' nhiều hơn 'mất
Quả thật, những “xáo trộn, mất mát ở khía cạnh văn hóa và đời sống đô thị” mà nhiều người từng lo lắng đã không xảy ra, nhưng đổi lại, những bức xúc của Hà Nội cũ cũng vẫn còn nguyên vẹn.
Một trong những mục tiêu khi đặt vấn đề mở rộng địa giới hành chính Hà Nội hồi năm 2008 là để: có cơ hội để tăng diện tích đất cho giao thông, trường học, bệnh viện, để có thể sắp xếp di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, các trường đại học ra ngoại thành. Nhưng 5 năm qua mới thấy rằng, diện tích đất tự nhiên của Hà Nội đúng là tăng gấp 3, trở thành một trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới, nhưng đó đều là những diện tích “đã có chủ”. Hàng trăm dự án với nhiều ngàn héc ta đất thuộc Hà Tây, Mê Linh, Hòa Bình đắp chiếu nằm đó, thách thức bức xúc thiếu đất cho trường học, bệnh viện, trạm xử lý rác thải, thách thức luôn nhu cầu giãn 40 vạn dân phố cổ ra khỏi vùng nội đô đang quá tải về mọi mặt. Mục tiêu giảm dân số khu vực nội đô từ 1,2 triệu hiện tại xuống 80 vạn trong quy hoạch chung Hà Nội sẽ là không khả thi, một khi thành phố chưa có được chính sách để cho người dân ở Sóc Sơn, ở Thạch Thất, hay Ba Vì cũng có thể được tiếp cận không gian văn hóa như người dân phố cổ hoặc các dịch vụ công giống như người ở các khu vực khác của thủ đô.
Áp lực dân số cơ học tăng nhanh đang gây áp lực lớn đối với phát triển kinh tế xã hội, an ninh trật tự và quản lý đô thị, tăng áp lực về khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, việc làm, nhà ở, quản lý dân cư đô thị. Hàng loạt bài toán về áp lực giao thông, hạ tầng… đang cần các nhà hoạch định chính sách và quản lý của Hà Nội hóa giải. Hiện ngoài đồ án quy hoạch chung (phê duyệt năm 2011), thành phố chưa hoàn thành quy hoạch phân khu (phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung). Chưa có quy hoạch phân khu có nghĩa sẽ chưa rõ số phận của rất nhiều dự án; người dân khu vực Hòa Lạc (Hà Tây cũ) còn “treo” quyền tách sổ, làm sổ đỏ dài dài.
Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện nghị quyết của QH về mở rộng địa giới hành chính Hà Nội ngày hôm qua, kết thúc, mang theo hy vọng của nhiều người tâm huyết với những đổi thay mà Hà Nội có thể có được.
An Nguyên
Bình luận (0)