Trong suốt chiến dịch tranh cử vừa qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump chưa trình bày rõ ràng các ý tưởng chính sách về ngoại giao, mà mới chỉ bày tỏ sự nghi ngờ chung chung đối với những thể chế liên minh và liên kết đóng vai trò trụ cột trong cấu trúc thế giới hiện nay. Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất về ngoại giao xuất phát từ chiến thắng của ông ấy là liệu giai đoạn toàn cầu hóa bắt đầu từ sau Thế chiến 2 đến nay về cơ bản đã đến hồi kết?
Theo tôi, về cơ bản là không. Đúng là tương lai của các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đã trở nên bất định và quá trình toàn cầu hóa kinh tế diễn ra chậm lại. Tuy nhiên, dù ông Trump có muốn hay không thì sự phát triển của công nghệ vẫn đang thúc đẩy toàn cầu hóa về xã hội, chính trị và sinh thái, qua các biểu hiện như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia và vấn đề di cư.
|
Lò lửa Trung Đông
Kế hoạch về chính sách ngoại giao sắp tới của ông Trump vẫn sẽ bị phủ bóng bởi những vấn đề then chốt gồm quan hệ với Nga lẫn Trung Quốc và tình trạng bất ổn ở Trung đông. Việc Mỹ duy trì sức mạnh quân sự vượt trội là cần thiết, nhưng chưa đủ để giải quyết cả ba vấn đề này. Duy trì sự cân bằng quân sự ở châu Âu và Đông Á đóng vai trò quan trọng để tạo ảnh hưởng cho Mỹ trên thế giới, nhưng tổng thống đắc cử đã rất chính xác khi cho rằng cố gắng dùng quân sự kiểm soát tình hình nội bộ của các nước Trung Đông chỉ dẫn đến thất bại.
Trung Đông đang trải qua nhiều biến động xuất phát từ những đường biên giới nhân tạo thời hậu thuộc địa, xung đột tôn giáo, tình trạng trì trệ trong hiện đại hóa và bàn tay can thiệp của các thế lực bên ngoài. Tình trạng bất ổn này có thể kéo dài nhiều thập niên và sẽ tiếp tục làm gia tăng chủ nghĩa khủng bố liên quan những phần tử thánh chiến cực đoan. Tuy nhiên, dù đã giảm nhập khẩu dầu từ Trung Đông, Mỹ cũng không thể quay lưng lại đối với khu vực này. Mỹ vẫn có những mối bận tâm lớn về Israel, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và nhiều lĩnh vực khác. Cuộc nội chiến ở Syria không chỉ là một thảm họa nhân đạo mà còn gây bất ổn cho Trung Đông lẫn châu Âu. Mỹ không thể phớt lờ nhưng chỉ nên tiến hành những chính sách đóng góp tích cực và có tính phòng ngừa, bằng cách khuyến khích và củng cố liên minh, hơn là cố dùng quân sự để kiểm soát, vừa tốn kém vừa phản tác dụng.
Bài toán Nga, Trung Quốc
Ngược lại, chiến lược xoay trục ở châu Á khiến Mỹ được chào đón và rất cần tiếp tục. Những hành động của Trung Quốc khiến nhiều bên lo ứng phó sự trỗi dậy của nước này là một trong những thách thức lớn về chính sách ngoại giao của thế kỷ 21. Do đó, Mỹ vẫn cần chú trọng chiến lược nước đôi, được cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ ủng hộ, là vừa hợp tác vừa đấu tranh.
Có thể nền kinh tế Trung Quốc qua mặt Mỹ vào năm 2030 hoặc 2040, nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn sẽ thua Mỹ. Mặt khác, Mỹ có thể củng cố vai trò tích cực trong khu vực bằng cách tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến hợp tác kinh tế với ASEAN, tái khẳng định liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ với Ấn Độ.
Về phần Nga, nước này đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn là một trong những thế lực lớn nhất thế giới và sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống Vladimir Putin cũng đang đẩy mạnh các động thái và chính sách nhằm hướng tới “đưa nước Nga trở nên vĩ đại trở lại”. Điều này đẩy Washington vào thế lưỡng nan về chính sách. Một mặt, Mỹ sẽ không ngồi yên nhìn ông Putin thay đổi cuộc chơi. Mặt khác, ông Trump đã đúng khi muốn tránh cô lập hoàn toàn một quốc gia có những lợi ích chồng lấn với Mỹ về an ninh hạt nhân, giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, Bắc cực và những vấn đề như Iran và Afghanistan. Việc tìm “điểm đồng” trong quan hệ với Moscow vẫn hết sức cần thiết để đạt được những lợi ích hết sức sát sườn với Mỹ.
Bình luận (0)