Những tháng ngày khốc liệt

19/11/2021 04:34 GMT+7

Trong 4 đợt dịch Covid-19 tại nước ta khi ca nhiễm đầu tiên ghi nhận từ cuối tháng 1.2020 đến nay, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan kinh hoàng đã gây ra bao mất mát đau thương, khó khăn chất chồng trong công tác ứng phó, cứu chữa bệnh nhân.

Chạy đua níu lấy sự sống cho bệnh nhân

Dịch bệnh bùng phát căng thẳng dồn dập tại TP.HCM từ cuối tháng 4.2021, có ngày ghi nhận đến hơn 17.000 ca nhiễm, 340 ca tử vong (ngày 23.8). Những tháng ngày TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội, ngoài đường phố thì “ngủ im”, nhưng sức nóng cứu người trong các bệnh viện (BV) dã chiến, BV điều trị Covid-19 tăng lên từng phút, từng giây. Ở đó, rất nhiều bệnh nhân (BN) được cứu, nhưng cũng có nhiều BN không qua khỏi. Những mất mát, đau thương sẽ không bao giờ quên được với nhiều người.

Bên trong một bệnh viện dã chiến ở Bình Dương, cao điểm có gần 13.000 bệnh nhân

Đ.T

TP.HCM thời gian ấy như “nín thở” chờ phép màu. Đội ngũ y bác sĩ phải chạy đua với tử thần để níu lấy sự sống cho BN. “Lúc đó BN rất đông, lúc nào giường bệnh cũng kín mít. Có những ca tuyến dưới chuyển lên đã rất nặng, hấp hối và tử vong ngay lúc nhập viện hoặc vài giờ sau đó, rất đau lòng mà không thể làm gì hơn. Có những nhân viên y tế rơi vào khủng hoảng, ám ảnh đến mất ăn, mất ngủ”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM (thời điểm đó là Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới), nhớ lại những ngày ấy và nói tiếp: “Trong giai đoạn khẩn cấp đó, chúng tôi trực chiến xuyên đêm để kịp thời tiếp nhận, giúp BN thở ô xy, hồi sức để hy vọng cứu sống”.

BV dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực cấp tập được thành lập, và cũng chỉ trong một vài ngày thì dường như giường bệnh đều kín BN. Áp lực cứu chữa BN căng thẳng chưa từng thấy, khối lượng công việc khổng lồ đè nặng liên tục lên các lực lượng ứng phó dịch bệnh. “Đau đớn nhất của người làm bác sĩ là BN tử vong ngay trước mặt mà không làm gì thêm được. BN tăng cao và ngoài sức dự báo. Nhiều BN đưa vào, tử vong ngay cửa cấp cứu. Tâm lý anh em nặng nề, và có một số trường hợp khủng hoảng”, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy kiêm Giám đốc BV hồi sức Covid-19, nhớ lại.

“Chúng tôi cứ tự hỏi mình phải làm gì để giảm tỷ lệ tử vong trên BN nặng và nguy kịch. Vậy phải làm gì? Đó là y bác sĩ tình nguyện lao vào trận chiến, làm liên tục 24, 36 hay 48 giờ, không ai than vãn việc ra trực hay không…”, TS-BS Nguyễn Tri Thức nói và chia sẻ thêm, đội ngũ y tế ở BV Chợ Rẫy và BV hồi sức Covid-19 căng sức đêm ngày trong cuộc chiến khốc liệt, kết quả 70% BN nặng, nguy kịch được cứu sống. “Chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự hy sinh, đau đớn và mất mát của đồng bào, chiến sĩ, nhân viên y tế... Lễ tưởng niệm vào đêm 19.11 sẽ giúp người ra đi yên nghỉ”, ông chia sẻ.

Covid-19 sáng 19.11: Cả nước 1.065.469 ca nhiễm | Hà Nội bỏ quy định cách ly gây tranh cãi

Oằn mình vượt “bão”

Đến nay nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước khôi phục kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Nhưng trước đó, tại nhiều điểm nóng dịch bệnh đã phải oằn mình trải qua những thời điểm cam go nhất.

Đến ngày 18.11, Bình Dương có hơn 245.321 ca Covid-19, trong đó 90% số ca đã được chữa khỏi. Cao điểm có những ngày Bình Dương đã ghi nhận hơn 5.600 ca nhiễm. Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết trong số hơn 2.575 người không qua khỏi vì Covid-19 ở Bình Dương có cả nhân viên y tế, lực lượng phòng chống dịch, để lại nỗi đau xót cho người thân, gia đình và ngành y tế.

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khi số ca Covid-19 trên địa bàn Bình Dương tăng từ 10.000 - 20.000 ca, có những BV dã chiến quy mô hàng ngàn giường được cấp tốc xây dựng và đưa vào sử dụng chỉ trong 1 tuần.

Với địa bàn Đồng Nai, vừa bước qua tháng 7.2021, làn sóng của đợt dịch thứ 4 bắt đầu tồi tệ. Dịch lan quá nhanh, sâu và rộng, không thể dập hết. BV dã chiến được thành lập tổng cộng 11 cơ sở. Nhiều BV vừa lập ra được vài ngày đã kín BN. Ca tử vong cũng liên tục tăng.

Từ tháng 8 đến giữa tháng 9.2021 là khoảng thời gian u ám, bi thương nhất ở Đồng Nai. Mọi hoạt động gần như đình trệ, sau 18 giờ là đường phố im lìm, vắng lặng. Nhớ lại thời điểm đó, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết bản thân ông lo lắng rất nhiều thứ: BV quá tải, tầng điều trị thứ 3 (BN Covid-19 triệu chứng nặng) thì thiếu máy móc, thiết bị, thuốc đặc trị.

“Tôi nhớ lúc đó trung bình một ngày tử vong khoảng 6 người, đó là con số lớn, áp lực càng đè nặng lên nhân viên y tế. Nhưng sau đó nhờ sự chi viện kịp thời của Bộ Y tế và các tỉnh bạn, được các doanh nghiệp tặng máy móc, thiết bị, từ đó năng lực điều trị tăng lên. Tỷ lệ tiêm vắc xin ngày càng cao giúp Đồng Nai dần dần đẩy lùi được dịch bệnh. Hiện nay số ca F0 vẫn cao nhưng không còn nguy hiểm như trước nữa”, bác sĩ Vũ nói.

Nước mắt đớn đau trong gia đình 5 người mất vì Covid-19

Ở đợt bùng phát dịch thứ 2 của VN (giai đoạn từ tháng 7.2020 - 27.1.2021), Đà Nẵng trở thành tâm bão của Covid-19 khi các ca dương tính được phát hiện tại 3 BV lớn sát nhau, ở ngay trung tâm thành phố. Điều khiến người ta lo lắng hơn cả là đối tượng bị Covid-19 tấn công là nhóm BN lớn tuổi với rất nhiều bệnh nền như suy thận mạn, ung thư giai đoạn cuối, tim mạch, tiểu đường... Trong đó, nhóm BN thận, có thâm niên chạy thận nhân tạo tại BV Đà Nẵng bị nhiễm bệnh hàng loạt. Bộ Y tế ngay lập tức đã đưa ra phác đồ điều trị tích cực cho nhóm BN này, nhưng chỉ đúng 1 tuần sau khi nhóm BN này bị Covid-19 tấn công (vào cuối tháng 7.2020), đã xuất hiện ca tử vong đầu tiên, cũng là trường hợp BN Covid-19 tử vong đầu tiên tại VN. Liên tục những ngày sau đó, cuộc chiến với Covid-19 tại Đà Nẵng đối mặt với cuộc khủng hoảng thực sự, khi liên tục đối diện với các con số BN tử vong. Sự ra đi của họ trở thành nỗi đau, nỗi mất mát khó nguôi ngoai của người dân thành phố.

An Dy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.