Nhiều dự đoán cho biết, tiêu chuẩn mạng di động 5G sẽ chỉ được hoàn tất cho đến năm 2020, nhưng những nhà phát triển công nghệ đang cố gắng trong năm 2015 sẽ dần phát triển công nghệ mạng siêu tốc mới này.
Nhiều công ty đang có sự đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ mạng di động tương lai - Ảnh: Reuters |
Khi nhu cầu sử dụng phong phú thì yêu cầu dành cho 5G cũng rộng hơn bao giờ hết. Nó cần đáp ứng một cách nhanh chóng để có thể giảm độ trễ trong các xử lý công việc, đặc biệt những hoạt động cần độ chính xác cao như xe tự hành.
Mạng 5G sẽ nhanh hơn nhiều so với 4G. Ngay cả trong năm nay các công ty cũng đã có những nghiên cứu để thúc đẩy tốc độ kết nối mạng nhanh hơn. Ericsson cho biết họ đã đạt được tốc độ lên đến 5 Gbps khi thử nghiệm 5G, vượt mặt mạng LTE nhanh nhất khoảng 50 lần. Samsung trình diễn công nghệ tiềm năng 5G ở tốc độ 7,5 Gbps và nhận được tín hiệu ổn định ở mức 1,2 Gbps. Nhóm 5G của Ủy ban châu Âu đã đặt ra mục tiêu về tiêu chuẩn dành cho 5G sẽ nhanh hơn 100 lần so với 4G, và nhà mạng NTT DoCoMo của Nhật Bản cho biết họ có kế hoạch đạt được tốc độ 10 Gbps thông qua một mối quan hệ đối tác với các nhà cung cấp, gồm Ericsson, Alcatel-Lucent, Nokia và Samsung.
Samsung trình diễn khả năng truyền dữ liệu 1,2 Gbps qua mẫu thử nghiệm mạng không dây 5G trên một chiếc xe đang di chuyển ở tốc độ 100 km/giờ - Ảnh: Samsung
|
Tốc độ mạng 5G nhanh hơn là không đủ. Với thế giới IoT (Internet of Things) đang ngày càng tăng như hiện nay, nơi những thứ như cảm biến và thiết bị đo sẽ không có nhiều dữ liệu để gửi, nhưng sẽ phải phù hợp với không gian nhỏ hẹp và kéo dài thời gian hoạt động của pin.
Không chỉ phải phản ứng với lưu lượng chuyển giao một cách nhanh chóng giữa các thiết bị IoT, mạng 5G còn phải xử lý một cách mạnh mẽ với những kết nối như xe ô tô hay tai nghe thực tế ảo, bởi những dữ liệu cần phải chuyển đến đúng giờ. 4G không thể mang đến tín hiệu có độ trễ dưới 0,01 giây, do đó nó cần phải thay đổi để các tín hiệu truyền với độ trễ thấp nhất có thể.
Ví dụ, nếu một loạt xe cùng đi xuống một con đường cao tốc, chúng cần có thông tin về nhau để tránh va chạm. Một mạng thường không thể xử lý nó nếu có hơn hai chiếc xe. Vào thời điểm đó, sự chậm trễ trong việc kết nối tín hiệu đến một dịch vụ đám mây trung tâm là quá dài, vì vậy dữ liệu cần phải được lưu trữ bên trong hệ thống. Ông Marshall cho rằng, lúc đó công nghệ đám mây sẽ phải được nhúng vào trong xe.
Nhu cầu và giải pháp có thể được nhận biết rõ ràng hơn trong năm nay, nhưng sự phát triển của 5G vẫn còn xa, bởi những cập nhật cho công nghệ vẫn còn phải được đưa ra tùy thuộc tình hình. Chúng có thể vẫn chưa hoàn tất vào năm 2016, như lời ông Marshall nhận xét.
Hàn Quốc sẽ đưa công nghệ 5G vào hoạt động tại Thế vận hội mùa đông 2018 - Ảnh: Reuters
|
Cũng giống như 3G và 4G, các đặc điểm kỹ thuật 5G sẽ được đưa ra bởi 3GPP (Third-Generation Partnership Project) và sự chấp thuận của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Nhưng các nhà cung cấp và hoạch định chính sách 5G muốn có tầm ảnh hưởng đến tiêu chuẩn này. Trong tháng 10, một số nhóm khu vực lớn đã tổ chức các cuộc họp định kỳ 6 tháng để xây dựng một sự đồng thuận về những gì nên có với 5G. Điều đó tương tự như một cuộc thỏa thuận vào tháng 9 giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Ngay cả khi tiêu chuẩn mạng 5G vẫn còn khoảng 5 năm nữa mới hoàn tất thì năm 2015 vẫn được xem là một năm tốt cho những hứa hẹn đối với mạng 5G. NTT DoCoMo cho biết sẽ tung hệ thống thương mại đầu tiên trước Thế vận hội mùa hè 2020 tại Tokyo. Nhà mạng KT Telecom của Hàn Quốc cho biết họ sẽ triển khai mạng 5G cho Thế vận hội mùa đông 2018. Còn Verizon Wireless đã có những bước đi tốt hơn khi bắt đầu thử nghiệm 5G vào năm 2016.
Nhưng ít nhất đã có một dấu hiệu cụ thể dành cho công nghệ 5G trong năm nay, chính là việc ITU đã quyết định đặt tên cho mạng này là IMT-2020.
Bình luận (0)