Những thí sinh đặc biệt

09/07/2011 14:30 GMT+7

(TNO) Trong kỳ thi ĐH đợt 2 này, có những thí sinh rất đặc biệt, gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhưng vượt qua những khó khăn ấy là nghị lực của những thí sinh đặc biệt này để tiến lên trên con đường học hành như bao bạn đồng trang lứa khác.

Thí sinh "tí hon"

Ngày 9.7, tại Hội đồng thi THCS Kim Đồng (Đà Nẵng), có một thí minh (TS) đặc biệt tham dự kỳ thi ĐH đợt 2.

Đó là Cao Anh Duyên, dự thi vào ngành Văn hóa, ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Duyên chỉ cao 1,2m, nặng 20 kg, trú ở Hoài Nhơn, Bình Định; được cha là ông Cao Văn Bốn đưa đi thi.

Cha Duyên tỏ ra rất lo lắng bởi sức khỏe của Duyên không tốt, trước khi bước vào kỳ thi lại bị cảm nặng nên không biết liệu có đủ sức làm bài thi hay không. Sau môn Văn thì Duyên tỏ ra rất tự tin, hài lòng.


TS “tí hon” Cao Anh Duyên

Cũng là một TS đặc biệt, Võ Quang Lực dự thi vào ngành Sư phạm toán, ĐH Sư phạm Đà Nẵng ở đợt 1. Sau khi hoàn tất đợt thi này, Lực mới biết về quy chế xét tuyển đặc cách dành cho TS khuyết tật nên đã tìm đến Ban tuyển sinh ĐH Đà Nẵng để xin được hưởng chế độ ưu tiên này.

Được biết, Lực là TS người Núi Thành, Quảng Nam, bị khiếm thị và bị mất 3 ngón ở bàn tay phải trong một lần bị tai nạn nổ mìn ở quê khi còn nhỏ.

Nhưng khắc phục những khó khăn đó, Lực đã hoàn tất kỳ thi đợi 1 ĐH 2011. Hiện ĐH Đà Nẵng đang xem xét trường hợp của TS này, vì không giống như các TS miễn thi do khuyết tật khác, Lực đã tham gia dự thi đầy đủ 3 môn ở đợt 1.

Cô bé Chăm vượt khó

Mặc dù chỉ cao có 1,1m, nặng chưa đến 27 kg nhưng cô gái “tí hon” Não Thị Thùy Yến đã vượt khó dự thi ĐH. Yến tự tin cho biết đã làm khá tốt bài thi trong ngày hôm nay (9.7).

Thí sinh (TS) Não Thị Thùy Yến (sinh năm 1991, quê Ninh Thuận, số báo danh 05025) thi vào ngành Giáo dục học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Yến là người dân tộc Chăm.

 
TS Não Thị Thùy Yến - Ảnh: Nguyên Mi 

Do ảnh hưởng của chất độc màu da cam nên từ lúc sinh ra, tứ chi của Yến đã phát triển không được bình thường như bao bạn bè khác. Đến năm 2 tuổi, các chi của Yến bắt đầu teo lại.

Được biết, nhà Yến có sáu anh chị em thì ba người trong tình trạng “tí hon”.

Bằng nghị lực vươn lên trong học tập, Yến đã vượt qua 12 năm học phổ thông.

Trong kỳ thi ĐH lần này, Yến một thân một mình vào TP dự thi vì “bố mẹ cũng chưa từng vào thành phố nên cũng không rành đường. Đi một mình đỡ tốn tiền hơn”, Yến tâm sự.

Cả nhà sống bằng nghề chăn bò, đời sống khó khăn nên kinh phí cho trọn đợt đi thi của Yến chỉ có vỏn vẹn 1 triệu đồng.

Thí sinh làm bài bằng chân

Đó là thí sinh (TS) Nguyễn Minh Phú (quê Nghệ An). Do bị khuyết cả hai tay nên Phú được hội đồng thi tại trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (Q.Tân Phú, TP.HCM) sắp xếp chiếc bàn riêng để làm bài bằng chân.

"Có vẻ như đợt thi thứ hai này em làm bài tốt hơn đợt đầu dù em thích đậu vào đợt đầu hơn. Nhưng còn môn cuối cùng nữa, em sẽ cố gắng hết sức để đậu vào đại học", Phú tự tin nói sau khi thi xong môn Toán.

 
Phú và bố Quỳnh tại trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chiều 9.7 - Ảnh: Trí Quang

Do phải cầm bút bằng chân nên khâu vẽ biểu đồ môn Toán đã gây ít nhiều khó khăn cho Phú, còn khi làm bài môn văn thì em bị tê cả chân do đề dài. "Rất may là em có thể viết bằng cả hai chân, nên khi mỏi có thể thay đổi", Phú cho biết.

Trong phòng thi, Phú được xếp ngồi trên một chiếc ghế dài rộng, để có thể ngồi viết, dĩ nhiên tốc độ không thể bằng các TS bình thường khác. Tuy nhiên, nhìn nét chữ của Phú, hầu như ai cũng khen "sao viết bằng chân mà đẹp quá!".  

 
Mỗi lần vào phòng thi, Minh Phú luôn được các sinh viên tình nguyện hỗ trợ tận tình - Ảnh: Trí Quang

Để viết được những chữ cái đầu tiên, Phú đã miệt mài tập luyện trong suốt 3 năm liền từ lúc lên 5 tuổi.

"Hồi đó Phú nhìn bạn bè trong xóm đi học cũng đòi đi theo, nhưng đến trường thì bị cô giáo trả về vì không biết viết. Vậy là vợ chồng tôi cố an ủi và hỗ trợ cho cháu tập luyện dần. Trải qua suốt 12 năm học là một kỳ công của con tôi", ông Nguyễn Quỳnh Lộc, 57 tuổi, bố của Phú kể.

Ông Lộc cho biết từ lúc mớ sinh, Phú đã khuyết hai tay bởi di chứng chất độc da 

Nói về trường hợp của TS Minh Phú, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng TP.HCM cho biết: Theo nguyện vọng muốn thử sức với kỳ thi đại học ở trường chúng tôi của em Phú, thì nếu lần này, em Phú thi đạt mức điểm sàn ĐH thì trường tôi sẽ tài trợ 100% học phí cho em cho tới lúc em lấy bằng thạc sĩ. Ngoài ra, nếu em có nguyện vọng đi xa hơn, tôi sẽ tìm cho em các học bổng toàn phần ở Mỹ hay một số nước khác để em lấy bằng tiến sĩ.

cam.

Dù có thể nộp hồ sơ để được xét đặc cánh miễn thi nhưng bố của Phú vẫn quyết tâm đưa em từ Nghệ An vào TP.HCM để thử sức với cuộc thi đại học.

Ở đợt thi đầu, Phú đăng ký vào trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, còn đợt thứ hai là ngành Quản trị kinh doanh trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

"Em mong mình sẽ đậu đại học bằng chính sức học của bản thân và trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Còn nếu không đậu thì bố em mới xin cho đặc cách", Phú nói.

Không những viết chữ đẹp bằng chân, Phú còn có thể dùng ngón chân gõ chữ thành thạo trên bàn phím máy vi tính và thậm chí là sử dụng điện thoại di động khá dễ dàng. 

 
Dù cầm bút bằng chân nhưng Phú viết chữ khá đẹp - Ảnh: Trí Quang

Nói về khả năng đặc biệt này, Phú tâm sự: "Sở dĩ em viết được bằng chân như ngày hôm nay là nhờ có sự giúp đỡ to lớn của bố mẹ. Bố mẹ em luôn nhắc em nhìn vào gương nỗ lực của bác Nguyễn Ngọc Ký, người bị teo hai tay và viết bằng chân rất đẹp". 

Sau khi thi xong đợt 2 của kỳ tuyển sinh đại học, trước khi về quê, Phú sẽ được bố đưa đi tham quan nhiều nơi ở TP.HCM để thư giãn sau những ngày đèn sách mệt mỏi.

Diệu Hiền - Nguyên Mi - Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.