Nếu không cẩn thận, ăn quá nhiều một số dạng thực phẩm nhất định có thể đẩy bạn vào tình trạng ngộ độc, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.
>> Sự nguy hiểm của những thực phẩm tưởng lợi mà hại
|
Cá ngừ
Những người mê món sushi của Nhật Bản hãy cảnh giác: ăn quá nhiều cá ngừ sống có thể làm tăng hàm lượng thủy ngân trong máu. Những loài cá lớn nằm hàng đầu trong chuỗi thức ăn, giống như cá ngừ vây xanh, có thể tích tụ lượng thủy ngân lớn trong cơ thể vì chúng ăn nhiều cá nhỏ trong suốt đời sống. Cần lưu ý là cá ngừ làm sushi trong các nhà hàng có khuynh hướng ngậm thủy ngân cao hơn cá trong siêu thị, theo nghiên cứu được công bố trên chuyên san Biology Letters vào năm 2010. Do thủy ngân có thể gây những vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, nên thai phụ và trẻ nhỏ được khuyên tránh ăn quá nhiều cá ngừ, theo Cơ quan Dược và thực phẩm Mỹ và Cơ quan Bảo vệ môi trường. Những người này có thể ăn đến 170 gr mỗi tuần và không hơn.
Nhục đậu khấu
Nếu ăn lượng bình thường nhục đậu khấu thì chẳng có vấn đề gì. Tuy nhiên, cơn ác mộng sẽ ập đến ngay lập tức nếu loại gia vị này được dùng làm thuốc tạo ảo giác giá rẻ. Các triệu chứng ngộ độc nhục đậu khấu thường diễn ra sau 3 đến 8 giờ, bao gồm hốt hoảng, sợ hãi. Theo một trường hợp đăng trên chuyên san Emergency Medicine Journal, một số người còn có thể trải qua các cơn loạn thần kinh, bị tách rời khỏi thực tế và ảo giác thị lực. Đã có trường hợp tử vong do ngộ độc nhục đậu khấu trong lịch sử y khoa. Ca đầu tiên vào năm 1908, khi một bệnh nhân 8 tuổi ăn khoảng 14 gr hạt. Trường hợp thứ hai xảy ra vào năm 2001, liên quan đến một người 55 tuổi, theo chuyên san Forensic Science International.
Trà nấm thủy sâm
Trà nấm thủy sâm, hay Kombucha, là loại trà đen, ngọt, được lên men bởi một loại nấm gọi là thủy sâm. Dân gian cho rằng thức uống dạng này có công dụng tăng cường hệ miễn dịch và những lợi ích khác. Tuy nhiên, Hiệp hội Ung thư Mỹ cảnh báo nên cẩn thận với trà nấm thủy sâm, vì có thể nhiễm khuẩn hoặc mốc gây ra bệnh. Đã có một số trường hợp bị phản tác dụng khi uống trà. Trong báo cáo gần đây đăng trên chuyên san Intensive Care Medicine, các bác sĩ thuộc Trung tâm y khoa Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ) ghi nhận một thanh niên 22 tuổi vừa bị chẩn đoán có HIV đã ngã bệnh trong vòng 12 giờ kể từ khi uống trà. Bệnh nhân thở gấp, thân nhiệt tăng vọt đến 39,4 độ C, sau đó trở nên thích gây gổ và hành vi lộn xộn. Bác sĩ phải cho thuốc an thần và đặt ống khí quản.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch chỉ ra rằng trà nấm thủy sâm nếu uống khoảng 113 gr/ngày có thể không gây phản ứng phụ ở người khỏe mạnh. Tuy nhiên, những người đang mang bệnh hoặc uống quá nhiều trà cần phải chú ý.
Cà phê
Theo các chuyên gia, bạn không nên uống hơn 500 đến 600 mg caffeine mỗi ngày. Trung bình một ly cà phê rang 226 gr chứa khoảng 200 mg caffeine, một ly espresso chứa 75 mg, và một ly trà đen 226 gr cũng mang theo 120 mg caffeine.
Nếu hấp thu hơn 600 đến 900 mg caffeine mỗi ngày, một người có thể bị những vấn đề sau: mất ngủ, bồn chồn, loạn nhịp tim, rung cơ, bất ổn và nhức đầu.
Khế
Ngộ độc quả khế được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1980 tại Malaysia, khi đó loại trái cây này được phát hiện làm suy nhược hệ thần kinh trung ương. Khế rất ít gây nguy hiểm cho người đang khỏe mạnh và ăn với số lượng bình thường. Tuy nhiên, người có tiền sử bệnh thận có thể bị suy thận cấp tính, như một trường hợp vào năm 2006 được đăng tải trên chuyên san Nephrology. Theo đó, cơ thể của một bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính đã phản ứng dữ dội sau khi người này ăn khế, dẫn đến tình trạng suy thận cấp tốc và thương tổn vĩnh viễn vùng thận. Trong một ca tương tự trên chuyên san Hong Kong Medical Journal vào năm 2009, một bà cụ 76 tuổi bị thận mạn tính đã phải nhập viện trong tình trạng tâm thần có vấn đề và tim đập nhanh sau khi ăn 2 trái khế.
Những triệu chứng thường xảy ra khi ngộ độc bao gồm nấc cụt, ói mửa, cơ thể lả đi, mất ngủ, thần trí không còn tỉnh táo, bị co giật và giảm huyết áp. Người có tiền sử bệnh thận nên tránh ăn khế, nhất là khi bụng đang đói.
Tụ Yên
Bình luận (0)