Tiêm vắc xin ngăn ngừa 11 căn bệnh phổ thông thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng là một trong những quyền lợi cơ bản và đầu tiên của trẻ trong những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra là sự “từ chối” của các bậc phụ huynh về quyền lợi bảo vệ và gìn giữ sức khỏe của con mình.
Vô tình “từ chối” quyền lợi của con
Cụ thể, độ bao phủ của tiêm chủng hiện nay đạt tỷ lệ cao hơn 95% trên toàn quốc nhưng tỷ lệ tiêm chủng, tăng cường chất lượng tiêm chủng tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn là một thách thức lớn.
Một trong số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng “từ chối” vắc xin tại các khu vực này là sự thiếu nhận thức về vai trò của vắc xin. Điển hình tại xã Viễn Sơn (Yên Bái), 90% người dân là đồng bào người Dao và đa phần đều không biết tiếng phổ thông, gây khó khăn cho các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức. Chị Triệu Thị Lưu (dân tộc Dao) không nhớ con đã tiêm gì, chia sẻ: “Sau khi đi tiêm về, nó bị sốt. Chồng cháu bảo sốt thì thôi không cần tiêm nữa”.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác như: điều kiện đi lại khó khăn, tập quán sinh hoạt lên nương, ngủ rừng, sinh con tại nhà… khiến nhiều khu vực trở thành “điểm trũng” tiêm chủng. Vì vậy, chuyện tiêm chậm lịch, không đủ mũi, thậm chí bỏ tiêm diễn ra phổ biến tại đây, dẫn tới sự xuất hiện các ổ dịch nhỏ dù bệnh truyền nhiễm đã được khống chế.
Để mở rộng phạm vi tiếp cận vắc xin, đội ngũ cán bộ y tế của chương trình TCMR đã không đợi trẻ tới địa điểm tiêm chủng mà tự viết nên hành trình “lên núi, vượt đèo” của những thùng vắc xin lưu động.
Hành trình “lên núi, vượt đèo” của những thùng bảo quản vắc xin
Với người trong nghề, câu chuyện “cõng vắc xin lên núi Lai Châu”, “đi xuồng vào điểm tiêm chủng” ở huyện Ba Bể (Bắc Cạn) vẫn thường xuyên được kể lại bằng sự tự hào đối với đội ngũ cán bộ tiêm chủng cũng như truyền cảm hứng tới toàn ngành.
Một cán bộ tiêm chủng tại Lai Châu tâm sự: “Ở dưới miền xuôi, một ngày có thể tiêm khoảng 100 trẻ nhưng trên này ngày chỉ được dăm ba đứa. Như vậy là nhàn cho cán bộ lắm nhưng lương tâm nghề không cho phép. Trẻ phải được tiêm chủng đầy đủ thì mới khỏe mạnh để học con chữ, phát triển được làng xã, dân tộc mình”.
Bắt nguồn từ những suy nghĩ đó, các cán bộ nhanh chóng chia nhỏ lực lượng để tiếp cận với trẻ có nhu cầu. “Hành trang” là phích đựng vắc xin, đá lạnh, túi cứu thương và dụng cụ y tế,… địa điểm tiêm chủng thì đa dạng, lúc ở nhà người dân, khi trên lán, trên đồi,… Có những hôm phải đi hết một quả đồi chỉ để tiêm cho 1 - 2 trẻ, có khi dành một ngày để đợi cha mẹ địu con từ nương rẫy về tới nhà là “bắt” lấy.
Tuy nhiên, công đoạn tốn nhiều công sức nhất của hành trình là quy trình bảo quản lạnh vắc xin luôn ở khoảng 2°C - 8°C sao cho không biến đổi chất lượng và an toàn cho trẻ. Thùng bảo quản vắc xin eZCooler chuyên dụng đã giải quyết được khó khăn này. Sau khi vắc xin được bảo quản trong thùng eZCooler , vận chuyển bằng ô tô từ trung tâm y tế các huyện, thành thị về cơ sở y tế địa phương ở vùng sâu, núi cao , vắc xin được tiếp tục bảo quản trong tủ lạnh chuyên dụng. Với trường hợp đi tiêm lưu động, mỗi cán bộ có thể mang thùng eZCoolechuyên dụng với kích cở phù hợp, đảm bảo vắc xin được cung cấp đến điểm tiêm chủng an toàn và hiệu quả.
Ông Marc Franck, Tổng giám đốc Zuellig Pharma Việt Nam chia sẻ: “Theo dự báo của Business Monitor, chi phí chăm sóc sức khỏe của Việt Nam được ước tính là 16,1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017, chiếm 7,5% GDP và con số này sẽ tăng 12,5% mỗi năm lên 22,7 tỉ đô la vào năm 2021. Trong đó, vaccine và dược phẩm lạnh chiếm thị phần không nhỏ. Zuellig Pharma rất vinh dự được đóng góp các giải pháp sáng tạo thông qua dự án để đảm bảo tất cả người dân Việt Nam đều dễ dàng tiếp cận với vắc xin”.
Với cam kết chia sẻ kiến thức chuyên môn và công nghệ của thế giới với Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Zuellig Pharma đã quyết định tài trợ công nghệ sáng tạo eZCooler để tăng cường tiếp cận vắc xin tại Việt Nam.
|
Bình luận (0)