Những tiếng hét không thể nào quên ở Trường Sa

Vũ Thơ
Vũ Thơ
03/06/2023 17:39 GMT+7

Trong hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" đến với Trường Sa, điều ấn tượng không thể nào quên với đoàn công tác số 10 năm 2023 có lẽ là những tiếng hét chia tay, khi tàu KN 390 tạm biệt Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần.

"Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương…"

Đến thăm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) trong hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2023, niềm ước ao của tất cả mọi người là được đặt chân lên nhà giàn, bởi lên được nơi này rất khó khăn. Có những chuyến, tàu ra đến nhà giàn nhưng cũng không thể đưa người lên thăm vì sóng to, gió lớn.

Đoàn công tác số 10 (do Bộ Tư lệnh Hải quân và T.Ư Đoàn tổ chức) đã có may mắn được lên thăm cán bộ chiến sĩ ở Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần. Hơn 200 đại biểu trên tàu KN 390 đã được đặt chân lên nhà giàn, một "cột mốc" biên cương trên Biển Đông, với những cảm xúc không thể nào quên.

Những tiếng hét không thể nào quên ở Trường Sa - Ảnh 1.

Ca nô đưa đại biểu của đoàn công tác số 10 năm 2023 lên thăm Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần

VŨ THƠ

Đây cũng là một nhà giàn từng bị cơn bão số 10 quật đổ vào năm 1990. Trong cơn cuồng phong với những đợt sóng dâng cao tới 14 -15 m, có 3 cán bộ, chiến sĩ đã không thể trở về đất liền. Họ đã vĩnh viễn ở lại với Biển Đông. Điều xúc động là các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn vẫn kiên trung bám trụ làm việc, giữ liên lạc và kỷ luật quân đội đến phút cuối cùng. Các anh đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ thềm lục địa phía đông nam của Tổ quốc.

Khi đi đặt chân lên nhà giàn, chứng kiến cảnh trên đầu là bầu trời bao la rộng lớn, dưới chân là nước Biển Đông mênh mông, chúng tôi mới cảm nhận được sự nguy hiểm, gian lao mà các cán bộ, chiến sĩ đã phải trải qua. Họ ở chơ vơ giữa biển, không chỉ sống xa gia đình mà còn sống trong một điều kiện khác xa cuộc sống ở đất liền: không điện thoại, không internet, không đồ ăn tươi, thậm chí không có cả cảm giác được tham gia giao thông…

Những tiếng hét không thể nào quên ở Trường Sa - Ảnh 2.

Chiến sĩ trẻ ôm đàn hát trên Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần

HÀ LÊ

Thế nhưng, những cán bộ chiến sĩ trên nhà giàn vẫn sống lạc quan, yêu đời và khắc phục mọi khó khăn để ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. Gặp chúng tôi, các anh chỉ mải mê chia sẻ về những khát vọng, cách giúp người dân vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. 

Với các anh, hiểm nguy, khó khăn, gian nan chỉ là thử thách tôi luyện thêm ý chí, quyết tâm. Họ ôm đàn hát vang lời ca: "Ngày qua ngày, đêm qua đêm. Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương…".

Những tiếng hét không thể nào quên ở Trường Sa - Ảnh 3.

Các đại biểu của đoàn công tác số 10 giao lưu với các cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần

THÙY LIÊN

"Đất liền yêu nhà giàn"

Được lên thăm nhà giàn, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự cảm phục, ý chí kiên cường của các cán bộ, chiến sĩ. Chị Lê Thị Lan Hương, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại biểu của đoàn công tác số 10, xúc động nói: "Tôi vô cùng ngưỡng mộ sự dũng cảm và nghị lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ. 

Hẳn là người trẻ họ cũng có nhu cầu giao tiếp xã hội rất cao, nhu cầu vui chơi, giải trí; nhu cầu được yêu, được sống một cuộc sống bên gia đình như bao người khác. Vậy mà họ đã hy sinh tất cả, để làm nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng của Tổ quốc".

Những tiếng hét không thể nào quên ở Trường Sa - Ảnh 4.

Đoàn đại biểu và các cán bộ chiến sĩ cất vang tiếng hát ở Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần

THÙY LIÊN

Chị Hương cũng chia sẻ, lúc rời nhà giàn xuống ca nô để trở lại tàu, chị không thể nào quên hình ảnh một chiến sĩ trẻ đã khoác lên người chị chiếc áo phao và "thì thầm": "Chị về mạnh khoẻ nhé". 

"Lúc đó mình sững lại một giây, cảm ơn em rồi nước mắt trào ra. Thật là cảm giác xúc động không thể tả bằng lời", chị Hương rưng rưng nhớ lại.

Những tiếng hét không thể nào quên ở Trường Sa - Ảnh 5.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn

HÀ LÊ

Đến nhà giàn, các đại biểu cũng được chứng kiến vẻ đẹp kiêu hùng, vững chãi của các công trình vĩ đại, khẳng định chủ quyền của đất nước trên Biển Đông. Chị Lê Ngọc Hà (Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng), thành viên đoàn công tác, chia sẻ: "Khi tàu đã rời đi, chúng tôi vẫn dõi nhìn hình ảnh Nhà giàn DK1/2 sừng sững giữa đại dương. 

Dòng chữ "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trên nóc nhà giàn như khắc vào tâm trí. Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần và các nhà giàn đang hiện diện kiên cường giữa biển khơi sóng gió, chính là những cột mốc chủ quyền mang hồn thiêng đất nước, nhắc nhở mỗi chúng ta về tình yêu và trách nhiệm đối với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những tiếng hét không thể nào quên ở Trường Sa - Ảnh 6.

Ca sĩ Phương Thanh đã hét lạc giọng khi chia tay Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần

VŨ THƠ

Đặc biệt, với các đại biểu, dấu ấn sâu sắc nhất và cảm xúc trào dâng trong lòng mỗi người là lúc con tàu KN 390 bắt đầu nhổ neo rời đi. Con tàu từ từ đi vòng quanh nhà giàn để chào tạm biệt. Lúc này, các ca sĩ của đoàn công tác được thông báo vào khoang chỉ huy của tàu để hát qua tiếng loa, tạm biệt các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn.

Tuy nhiên, ở đây tiếng hát cũng chưa đủ lớn để vượt qua tiếng sóng mang tới nhà giàn. Vậy là đoàn nghệ sĩ cùng các đại biểu đã ùa ra mạn tàu, cùng hét lớn: "Đất liền yêu nhà giàn". Lập tức vọng lại từ nhà giàn, chúng tôi cũng nghe rõ tiếng hét của cán bộ, chiến sĩ: "Nhà giàn yêu đất liền"… Rồi tiếng hét cứ xa dần, xa dần cho đến khi không còn nghe thấy nữa…

Một Trường Sa thân yêu đã theo chúng tôi về đất liền và những tiếng hét yêu thương ấy sẽ còn mãi mãi in đậm trong trái tim mỗi người.

Những tiếng hét không thể nào quên ở Trường Sa - Ảnh 7.

Các nghệ sĩ và đại biểu ra mạn tàu tạm biệt Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần

VŨ THƠ

Chương trình "Trường Sa xanh" do T.Ư Đoàn phát động trong hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2023 đã nhận được sự ủng hộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Ngân hàng Thương mại CP Kiên Long (KienlongBank), Công ty CP Đầu tư và xây dựng Vina E&C, Công ty CP Tập đoàn DKNEC.

Hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2023 có sự đồng hành của Petrovietnam. Petrovietnam là một trong những doanh nghiệp nhà nước, với nhiệm vụ quản lý và triển khai các hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài. Qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, Petrovietnam đã trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ lực, trụ cột của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Đội ngũ gần 60.000 thành viên của Petrovietnam với năng lực chuyên môn cao cùng tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo không ngừng đã xây dựng cho đất nước một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ chuỗi khép kín các hoạt động từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác tới tồn trữ, vận chuyển và chế biến với 5 lĩnh vực: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.