Phải nói, đây là thời điểm quan trọng để có nhiều tiếng nói ở các lĩnh vực, cũng như của chính giới sản xuất phim góp ý cho các quy định trong điện ảnh, vì vẫn đang còn trong giai đoạn lấy ý kiến cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Lễ khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 vừa diễn ra tại TP. Huế vào ngày 18.11.2021 |
BTC |
Trong các buổi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều ý kiến, đề xuất của các vị đại biểu ở Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh đã được đưa ra khá sâu sát và cũng khá… “sốc” với công chúng lẫn người làm phim. Chẳng hạn như bà Lê Thu Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, đề xuất nên quy định dừng chiếu hoặc rút phép với tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của các nghệ sĩ không có đạo đức, vi phạm đạo đức, an ninh chính trị…; hoặc phải loại bỏ những ngôi sao có lối sống lệch chuẩn để nghệ sĩ biết trau dồi kỹ năng, giữ gìn hình ảnh của mình. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng phim ảnh cần hạn chế nhân vật là người thành đạt trong xã hội, người hùng, soái ca nhưng có hành vi không chuẩn mực. "Những người này trở thành thần tượng của nhiều thanh, thiếu niên, nhưng lại hút thuốc lá hoặc uống rượu. Những hình ảnh này sẽ gây cách hiểu lệch lạc cho trẻ, gián tiếp cổ súy việc hút thuốc lá, uống rượu bia", bà Hoa nói.
Phải nói đây có lẽ là lần đầu tiên nhiều giới trong xã hội có sự thảo luận một cách sôi nổi về chính sách điện ảnh với nhiều ý kiến đa chiều, mạnh mẽ. Tồn tại với nhiều bất cập, theo các nhà làm phim, Luật Điện ảnh cần cập nhật và thay đổi để phù hợp với thực tiễn để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành. Nhưng khi thiếu tướng Lê Tấn Tới (Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội) nêu ý kiến bộ phim Người phán xử làm gia tăng tội phạm xã hội đen thì khiến giới làm phim xôn xao và khán giả lo ngại nếu luật mới lại thiên về cấm đoán, răn đe. Hiện tại, một vài điều trong 12 điều cấm nội dung phim (ở khoản 1, điều 11) của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn khiến nhiều nhà làm phim lo ngại vì quá mơ hồ. “Luật sửa đổi cần có những quy định cụ thể hơn về duyệt phim chứ đừng chung chung như câu vi phạm thuần phong mỹ tục, phim không phản ánh hiện thực xã hội VN, kích động bạo lực, dâm ô, mê tín dị đoan…” - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói.
Phim Thất Sơn tâm linh từng bị kiểm duyệt cắt sửa nhiều lần và phải đổi cả tựa phim Thiên linh cái |
đpcc |
Mấu chốt vấn đề được nhiều nhà làm phim quan tâm nhất chính là chuyện kiểm duyệt điện ảnh hiếm khi có sự đối thoại tới cùng giữa cơ quan chức năng và nhà sản xuất phim. Mới đây, việc đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp ra khỏi hội đồng duyệt phim cũng khiến các nhà làm phim quan tâm, bởi nữ đạo diễn này là thành viên duy nhất còn hoạt động trên thị trường phim ảnh, và điều này khiến họ “bị mất cầu nối giữa nhà làm phim và nhà quản lý, không còn tiếng nói sát thực với tình hình làm phim”. Đạo diễn Nguyễn Quang Huy cho rằng: “Trước các quyết định của Hội đồng thẩm định, nhà làm phim không có quyền trao đổi, nêu ý kiến hay khiếu nại. Tôi cho rằng đây là cơ chế một chiều, thiếu công bằng với nhà làm phim và cần có sự trao đổi cởi mở hơn. Cần phải có những góc nhìn mang tính xây dựng cho nền công nghiệp điện ảnh, bởi chưa có nhà làm phim nào thực hiện tác phẩm với mục đích xấu, không ai bỏ hàng chục tỉ đồng để làm bộ phim bị ném đá”. Các nhà sản xuất phim khác cũng bày tỏ mong muốn Luật Điện ảnh khi sửa đổi xong phải tạo hành lang pháp lý, điều kiện cho điện ảnh phát triển, chứ không cản trở hay làm “hỏng” ngành nghệ thuật thứ 7.
Phim 30 chưa phải là tết từng thấp thỏm không biết có chiếu rạp được không khi phải chỉnh sửa mới được duyệt trước ngày chiếu tết 2020 |
poster phim |
Vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Điện ảnh - cũng đã có sự tiếp thu, giải trình các góp ý của đại biểu. Tuy nhiên, về những ý kiến nóng bỏng của chính giới làm phim, từ các cuộc tọa đàm Ai góp ý giơ tay lên hay cả những phản hồi ngay ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thì vẫn chưa được lắng nghe, giải đáp rõ ràng, tận tình. Liệu những tiếng lòng tâm huyết của giới làm phim và cả các ý kiến từ giới “ngoại đạo” (là các đại biểu ở các tỉnh) góp ý cho Luật Điện ảnh (sửa đổi) có được thực thi để chỉnh sửa hoàn thiện trong Luật Điện ảnh mới? Hay tất cả chỉ là những cuộc bàn luận xôm tụ rồi “đâu lại vào đấy”, việc sửa đổi cũng vẫn không đem lại hiệu quả để phát huy sự sáng tạo, và thực sự “cởi trói” nhiều hơn cho các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ điện ảnh?
Bình luận (0)