Nhu cầu năng lượng ngày càng lớn khiến nhiều quốc gia phải sử dụng nguồn điện hạt nhân. An toàn của nhà máy điện đặt ra không ít thử thách và tính nhạy cảm của vấn đề hạt nhân khiến Mỹ quan sát chặt chẽ các diễn biến liên quan, theo các tài liệu do WikiLeaks tiết lộ.
Lo lắng cho Romania
Điện tín ngày 28.1.2009 do Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Bucharest của Romania gửi về Washington trình bày nhiều thông tin liên quan đến an toàn hạt nhân ở nước này. Phía Mỹ thường xuyên đến quan sát các cơ sở hạt nhân của Romania và thảo luận với giới chức nước này trong công tác đảm bảo an toàn cho các nhà máy. Phía Mỹ đánh giá cao lực lượng an ninh tại các khu vực hạt nhân của Romania nhưng lại lo lắng về khả năng xử lý rủi ro.
|
Theo nội dung điện tín, dù giới chức Romania thừa nhận thiết bị của họ khá “lạc hậu”, còn giới chức Mỹ đánh giá: “Nhìn chung, khả năng bảo vệ hiện tại ở Romania giảm thiểu các nguy cơ; tuy nhiên, sự cố thực tế liên quan đến phát tán phóng xạ sẽ là một thử thách lớn”. Bức điện viết thêm: “Việc huấn luyện ứng phó khẩn cấp chưa tương xứng, đặc biệt là kẽ hở trong nguồn lực và kế hoạch hiệu quả để đối phó nhanh chóng các sự cố”. Trong thực tế, khả năng xảy ra các rủi ro tại nhà máy điện nguyên tử không cao nhưng một khi sự cố xảy ra thì hậu quả rất khôn lường và khó khắc phục. Điển hình sự cố nổ Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraine xảy ra cách nay đã 25 năm nhưng quá trình thu dọn và xử lý rác thải hạt nhân vẫn chưa hoàn tất dù đã tiêu tốn hàng tỉ USD.
Ngoài ra, một điện tín từ Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Moscow của Nga cũng nói về các nhà máy điện hạt nhân mà nước này đang xây dựng cho các quốc gia khác. Theo đó, Tập đoàn Atomstroyexport của Nga đang theo đuổi các hợp đồng xây dựng cơ sở năng lượng hạt nhân ở nhiều nước và Mỹ đang liên tục theo dõi diễn biến.
Nhật từng được cảnh báo
Các điện tín mật từ WikiLeaks cũng cho thấy từ năm 2008 đã nảy sinh lo ngại về vấn đề an toàn điện hạt nhân ở Nhật Bản chứ không phải đợi đến sau sự cố tại Nhà máy điện Fukushima số 1 hồi tháng 3. Giới chức của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) từng cảnh báo vào năm 2008 rằng một trận động đất mạnh sẽ gây ra “vấn đề nghiêm trọng” cho các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật, tờ The Telegraph trích một điện tín cho hay. Thông tin từ WikiLeaks cũng nói nhiều chuyên gia đã cáo buộc các quan chức IAEA đã bỏ lơ bài học từ các thảm họa năng lượng hạt nhân để bảo vệ cho sự phát triển của ngành này.
Bên cạnh đó, các nội dung điện tín do WikiLeaks công bố còn cho thấy Mỹ lo ngại về an toàn của những dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc đến năm 2020. Mỹ cũng chú ý các dự án nhà máy điện nguyên tử của Ấn Độ và hợp tác hạt nhân giữa nước này với Pháp.
Rủi ro ở Mỹ Nguy cơ một trận động đất lớn gây sự cố nghiêm trọng cho nhà máy điện hạt nhân Mỹ cao gấp 24 lần mức độ người ta từng nghĩ trước đây, theo bài phóng sự đặc biệt của AP đăng ngày 2.9. Trận động đất 5,8 độ Richter ngày 23.8 ở Bờ Đông nước Mỹ cho thấy khả năng các nhà máy điện hạt nhân nước này gặp động đất mạnh cao hơn nhiều so với những dự báo khi thiết kế chúng. AP dẫn lời một số quan chức của Cơ quan giám sát hạt nhân Mỹ cho rằng 25% trong số các lò phản ứng hạt nhân nước này cần được cải tạo để tăng cường độ an toàn. Theo đó, nhiều nhà máy cần thay thế các đường ống bền hơn, cải thiện khả năng chống thấm và ngăn lũ lụt để tránh rò rỉ phóng xạ. Trận động đất ở Bờ Đông đã làm xê dịch nhiều lò chứa chất thải hạt nhân của Nhà máy điện hạt nhân North Anna, cách thủ đô Washington 150 km về phía tây. AFP dẫn lời phát ngôn viên của ban quản lý nhà máy là Richard Zuercher cho hay 27/53 bể chứa chất thải hạt nhân bị xê dịch vài cm nhưng vẫn an toàn. Sau cơn địa chấn, khoảng 12 nhà máy điện hạt nhân dọc theo Bờ Đông cũng đã ghi nhận “những hiện tượng bất thường”. |
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)