Những 'tình tiết đặc biệt' trong vụ án Tân Hoàng Minh

25/03/2024 09:27 GMT+7

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh có những 'tình tiết đặc biệt' cả về số tiền chiếm đoạt, số tiền khắc phục hậu quả và số bị hại xin giảm nhẹ cho bị cáo.

Chiều 27.3 tới, TAND TP.Hà Nội sẽ ra phán quyết đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Đây là vụ án đầu tiên xét xử về hành vi lừa đảo liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ, vì thế quá trình diễn ra phiên tòa cũng ghi nhận những tình tiết đặc biệt.

Những 'tình tiết đặc biệt' trong vụ án Tân Hoàng Minh- Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng tại tòa

PHÚC BÌNH

2 "số phận" của khoản tiền 8.600 tỉ đồng

Hơn 8.600 tỉ đồng là số tiền mà Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt của nhà đầu tư thông qua chuỗi hành vi phát hành và bán 9 lô trái phiếu.

Hơn 8.600 tỉ đồng cũng là số tiền cơ quan tố tụng thu hồi khi điều tra vụ án (gần 3.000 tỉ đồng) và ông Dũng cùng gia đình tự nguyện nộp (hơn 5.600 tỉ đồng), đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả.

Nhờ vậy, đây là một trong số những vụ án có tỷ lệ thu hồi và khắc phục hậu quả nhanh nhất, triệt để nhất.

Điều gì xảy ra nếu tòa tuyên trái phiếu Tân Hoàng Minh vô hiệu?

Bị cáo Đỗ Anh Dũng cho biết, ngay sau khi bị bắt đã có đơn xin được tạo điều kiện khắc phục tối đa thiệt hại xảy ra. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, bị cáo đã tìm mọi cách để có số tiền đã nêu.

"Tôi không kể lại nhưng các nhà đầu tư cũng như quý tòa hiểu rằng số tiền đó là rất lớn, vô cùng lớn. Tất cả số tiền này chính tôi là người quyết định sử dụng và bây giờ đến lúc tôi phải có nghĩa vụ, trách nhiệm thanh toán", ông Dũng nói.

Bào chữa cho Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, luật sư cho rằng hơn 8.600 tỉ đồng là khoản tiền khắc phục hậu quả lớn nhất từ trước đến nay trong các vụ án xâm phạm quyền sở hữu. Bị cáo đã thực sự ăn năn hối hận, dám nhận trách nhiệm và mong muốn giảm thiệt hại về mức tối thiểu cho nhà đầu tư.

Ghi nhận sự tích cực này, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội cũng nhận định "nỗ lực khắc phục toàn bộ hậu quả" của ông Dũng và đồng phạm đã kịp thời giải tỏa bức xúc, lo lắng của nhà đầu tư, đồng thời giảm bớt tính nguy hiểm do hành vi của các bị cáo gây ra cho xã hội.

Những 'tình tiết đặc biệt' trong vụ án Tân Hoàng Minh- Ảnh 2.

Cơ quan tố tụng tạm giữ và các bị cáo chủ động nộp tổng cộng hơn 8.600 tỉ đồng, đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án

PHÚC BÌNH

Cả ngàn bị hại xin giảm nhẹ cho bị cáo

Vụ án Tân Hoàng Minh có số lượng bị hại rất lớn, lên tới 6.630 người. Tuy vậy, điều đặc biệt là số lượng bị hại tự nguyện xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo cũng thuộc diện lớn nhất từ trước đến nay, hơn 1.400 người.

Quá trình xét xử, một số bị hại kể về mất mát, thiệt thòi do hành vi sai phạm của lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm gây ra. Họ đề nghị được bồi thường cả gốc lẫn lãi đối với số tiền đã bỏ ra mua trái phiếu.

Ngược lại, không ít bị hại bày tỏ sự thông cảm với phía doanh nghiệp, chỉ yêu cầu bồi thường tiền gốc và nhận lại tiền trong thời gian sớm nhất.

Lời sau cùng Chủ tịch Tân Hoàng Minh: 'Đối diện bản án là sự khắc nghiệt nhất trong cuộc đời'

Bà C.M.H, một nhà đầu tư bỏ ra 500 triệu đồng để ký 3 hợp đồng mua trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đứng trước tòa, bà kể đã được tập đoàn trả lãi nhiều lần, đúng cam kết, "chưa chậm 1 ngày".

Vụ án xảy ra, bà cho rằng đây là "điều không may", mong hội đồng xét xử khoan hồng để các bị cáo có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh, thực hiện nốt cam kết với nhà đầu tư. "Tôi biết trong thời gian ngắn mà Tân Hoàng Minh khắc phục đủ số tiền đó là không đơn giản nên chỉ mong nhận hết gốc, lãi tính sau", bà nói.

Nhiều bị hại khác ghi nhận sự "tự nguyện, chân thành" của các bị cáo và Tập đoàn Tân Hoàng Minh khi nộp lại tiền khắc phục hậu quả. Có người kiến nghị cơ quan quản lý "rút ra bài học cho câu chuyện về trái phiếu", để cả người dân và doanh nghiệp không bị thiệt, đồng thời "cho doanh nghiệp một con đường sống" để "ngã ở đâu đứng dậy ở đó".

Những 'tình tiết đặc biệt' trong vụ án Tân Hoàng Minh- Ảnh 3.

Trong số 6.630 nhà đầu tư là bị hại, hàng ngàn người đề nghị giảm nhẹ cho các bị cáo

PHÚC BÌNH

"Chưa bao giờ có ý định lừa tiền của nhà đầu tư"

Tại tòa, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng nhiều lần khẳng định "chưa bao giờ có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người mua trái phiếu". Mục đích bị cáo hướng đến chỉ là huy động vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đầu tư của tập đoàn, chứ không phải lừa đảo.

"Tôi hiểu rằng đối tác đã tiết kiệm đồng tiền nhàn rỗi, tin tưởng vào Tân Hoàng Minh nên mới mua trái phiếu. Một lần nữa, tôi thành thật xin lỗi tất cả các nhà đầu tư và chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn, vất vả, thiệt hại của mọi người", ông Dũng gửi lời tới các nhà đầu tư, trong lời nói sau cùng trước khi tòa vào nghị án.

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng khẳng định đã có nhiều đóng góp cho xã hội, đạt nhiều thành tích trong quá trình kinh doanh, điều hành doanh nghiệp. Nay phải đứng trước tòa, đối diện với bản án, bị cáo thấy đây là "sự khắc nghiệt nhất trong cuộc đời", rất đau buồn.

Giống với cha mình, bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cũng kể về "những ngày đầu bị bắt tạm giam". Ngay khi nhận ra sai lầm, bị cáo đã đề xuất cơ quan chức năng cho mình được gặp gỡ gia đình, tìm cách khắc phục hậu quả sớm nhất, triệt để nhất.

"Trong hơn 1 năm, toàn bộ số tiền đã được khắc phục, đó là điều đúng đắn nhất cũng như lời xin lỗi mà bị cáo dành cho các nhà đầu tư", bị cáo Việt nói.

Những 'tình tiết đặc biệt' trong vụ án Tân Hoàng Minh- Ảnh 4.

Đại diện viện kiểm sát ghi nhận nỗ lực khắc phục hậu quả của các bị cáo đã kịp thời giải tỏa bức xúc, lo lắng của nhà đầu tư, giảm bớt tính nguy hiểm cho xã hội

PHÚC BÌNH

Đề nghị giảm án để "khích lệ" khắc phục hậu quả

Vụ án này, 15 bị cáo cùng bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù hoặc chung thân.

Với hàng loạt tình tiết giảm nhẹ như đã đề cập, mở đầu phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt cả 15 người với mức án dưới khung truy tố. Trong đó, bị cáo Đỗ Anh Dũng 9 - 10 năm tù, Đỗ Hoàng Việt 5 - 6 năm tù, nhóm còn lại 2 - 5 năm tù.

Theo đại diện viện kiểm sát, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có nhiều cống hiến, đóng góp cho xã hội… Đặc biệt, số tiền hơn 8.600 tỉ đồng chiếm đoạt của các nhà đầu tư đến nay đã được các bị cáo, gia đình và Tập đoàn Tân Hoàng Minh khắc phục hết.

Xét xử vụ án Tân Hoàng Minh: Bao giờ nhà đầu tư được trả lại tiền?

Diễn biến đáng chú ý xảy ra sau khi các luật sư bào chữa, bị cáo tự bào chữa và bị hại trình bày ý kiến. Đại diện viện kiểm sát cho biết có thêm một số tình tiết giảm nhẹ, trong đó nhiều bị hại tiếp tục xin giảm nhẹ hình phạt các bị cáo, Công ty Ngôi Sao Việt (một trong 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đứng ra phát hành trái phiếu) nộp thêm 2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Vì vậy, đại diện viện kiểm sát đề nghị giảm mức án cho cả 15 bị cáo so với đề nghị ban đầu, để "góp phần khích lệ" các bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả. Bị cáo Đỗ Anh Dũng còn 8 - 9 năm tù, Đỗ Hoàng Việt còn 4 - 5 năm tù, nhóm còn lại 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm tù.

Việc đại diện viện kiểm sát thay đổi quan điểm như trên là điều ít gặp trong các vụ án về kinh tế bị đưa ra xét xử thời gian gần đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.