Những trái tim mang 'nhịp đập khơi xa'

09/06/2024 06:56 GMT+7

Đến với Trường Sa để thêm yêu Tổ quốc mình hơn, ở đó đã từng có những thanh xuân mãi nằm yên dưới bóng hình của sóng nước, và hôm nay luôn có những người trẻ quên cả thanh xuân của mình để ngày đêm bám biển, bám đảo giữ vững chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

Còn trẻ là phải cống hiến

Trong chuyến Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024 do T.Ư Đoàn tổ chức, khi đến Nhà giàn DK1/8, tôi được gặp lại anh Nguyễn Văn Thuấn, người cách đây 7 năm tôi đã có cơ duyên gặp tại đảo Nam Yết (Trường Sa).

Những trái tim mang 'nhịp đập khơi xa'- Ảnh 1.

Anh Thuấn trò chuyện cùng chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Phó đoàn công tác, Trưởng đoàn Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2024 (phải), và các bạn trẻ trong đoàn hành trình

NỮ VƯƠNG

Anh Thuấn là công nhân đèn biển. Ngày đầu tôi gặp tại đảo Nam Yết, lúc đó anh 29 tuổi và bây giờ ở tuổi 36, anh đã có mười mấy năm gắn bó với những ngọn hải đăng trên biển, đảo Trường Sa.

Từ nhỏ anh Thuấn đã thích biển, thích ra ngoài khơi xa. Khi lớn lên, anh được ra đảo làm nhiệm vụ giữ ngọn hải đăng như một cơ duyên. Anh Thuấn từng tâm sự: "Mỗi lần đứng trên ngọn hải đăng nhìn những bãi san hô chìm giữa biển sóng mênh mông, mình mới cảm nhận hết được ý nghĩa công việc mình đang làm. Còn trẻ là phải cống hiến, chỉ sợ tuổi già thì không đứng giữ biển, giữ đảo được nữa thôi".

Tôi hỏi: "Quanh năm sống với bốn bề là sóng nước, anh có nhớ nhà không?", anh Thuấn cười và nói: "Ở đây cũng là nhà của tụi mình mà. Khi nào xong việc thì về thăm gia đình sau. Với tụi mình, tình cảm giữa đất liền và Trường Sa luôn là một".

Điều đặc biệt, em trai anh Thuấn là Nguyễn Văn Thường cách đây 7 năm cũng làm nhiệm vụ canh giữ đèn biển ở đảo Đá Tây B và từ đó đến nay vẫn gắn bó với công việc này tại nhiều điểm đảo ở Trường Sa.

Thường kể lúc đầu mới ra đảo cũng không nghĩ mình sẽ bám lâu đến thế này. Thật ra, nếu có nguyện vọng, Thường cũng muốn được chuyển về gần bờ. Nhưng mỗi lần đi phép về nhà khoảng 2 tháng, Thường lại nhớ tiếng sóng biển, nhớ anh em ngoài này. Nửa đêm ngủ ở đất liền mà cứ giật mình liên tục vì nhớ ca trực.

Mặc dù tuổi xuân của hai anh em đều gắn với biển, đảo, với ánh đèn hải đăng mỗi đêm, nhưng cả hai đều chưa từng có suy nghĩ sẽ chuyển công tác về đất liền. Hai anh em luôn quan niệm: "Gia đình nuôi ta khôn lớn, các ngọn hải đăng lại giúp ta trưởng thành".

Lúc chia tay anh Thuấn và Nhà giàn DK1/8, anh hẹn tôi ngày gặp lại và vẫn tại một điểm đảo nào khác ở Trường Sa chứ không phải là đất liền. Với anh Thuấn và tất cả những người trẻ nơi đầu sóng ngọn gió thì đảo là nhà, biển cả là quê hương. Chính vì thế, họ dành trọn thanh xuân tươi đẹp của mình để cống hiến, để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Cây cười" ở đảo

Hôm đoàn hành trình đến đảo Trường Sa lớn, chúng tôi được phen cười đau cả bụng vì "cây cười" ở đảo.

Dẫn chúng tôi dạo quanh đảo, khi đến vườn lan thanh niên, chiến sĩ Hồ Cảnh Tuấn (20 tuổi), đã hài hước giới thiệu: "Đây không phải là giống thường mà là lan đột biến. Lúc đầu hoa có màu trắng, nhưng sau khi mình tưới nước thì hoa chuyển sang màu hồng tím thế này".

Những trái tim mang 'nhịp đập khơi xa'- Ảnh 2.

Tuấn (thứ 2 từ trái sang) như là “cây cười” ở đảo

NỮ VƯƠNG

Biết chiến sĩ đang pha trò, cả đoàn cười nghiêng ngả. Suốt buổi đi dạo, hết pha trò này, đến nghĩ những chuyện hài để kể làm chúng tôi không ai nhịn được cười. Và ngày bình thường cũng vậy, Tuấn cứ như là "cây cười" giúp mọi người quên hết mỏi mệt.

Tuấn kể: "Những lúc anh em ngồi lại với nhau sau một ngày làm việc, thì mình hay làm các trò vui, kể những câu chuyện hài để có tinh thần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tinh thần vui vẻ, lạc quan sẽ giúp mình luôn giữ vững được bản lĩnh và ý chí".

Là một người hay cười và luôn pha trò để mọi người được vui, nhưng trong sâu thẳm, Tuấn cũng có những nỗi niềm riêng. Sinh ra đã không được nhìn thấy mặt bố, nhưng những bức hình về bố trong màu áo lính cứ in mãi trong tâm trí của chàng trai, để rồi Tuấn luôn mong một ngày mình cũng được như bố.

"Khi cưới vợ xong thì bố nhập ngũ, để lại một mình mẹ ở nhà nuôi con. Lúc đó nghe mẹ kể lại thật sự rất khổ khi bố xa gia đình, nhà có mỗi mẹ đảm đương tất cả. Sau này khi bố đi lính về thì bị tai nạn giao thông và mất, lúc đó mình còn nằm trong bụng mẹ. Dù chưa bao giờ được nhìn thấy mặt bố, nhưng lúc nào cũng nhớ về bố, theo đuổi hình bóng của bố, nên đó cũng là động lực để mình ra với nơi đầu sóng ngọn gió", Tuấn kể.

Ngày được khoác lên mình màu áo hải quân, được ra với Trường Sa, Tuấn hạnh phúc và tự hào. Tuấn thấy mình như đã được sống tiếp thanh xuân tươi đẹp của bố để đem sức trẻ cống hiến cho Tổ quốc.

Những người chỉ ngủ ngon khi nghe tiếng máy nổ thật to 

Trên con tàu kiểm ngư KN 390 đưa đoàn hành trình ra với Trường Sa, tôi được gặp những cán bộ, nhân viên ngành máy, những người chỉ ngủ ngon khi nghe tiếng máy nổ to và đều. Họ là những chàng trai còn rất trẻ, nhưng chọn công việc thầm lặng dưới khoang máy để có những chuyến hải trình an toàn đưa các đoàn công tác ra thăm quần đảo Trường Sa hay những lúc vươn khơi làm nhiệm vụ giữ yên vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Những trái tim mang 'nhịp đập khơi xa'- Ảnh 3.

Những người trẻ làm công việc thầm lặng dưới khoang máy của tàu kiểm ngư KN 390

ĐĂNG HẢI

Nói về công việc của mình, Đào Doãn Hoàng (29 tuổi), trưởng ngành máy của tàu, chia sẻ: "Ngành máy của tụi mình được ví như trái tim của con tàu, nắm giữ nhịp đập và lưu thông mạch máu thường xuyên, liên tục đến tất cả các bộ phận. Vì máy có nổ thì tàu mới hoạt động và chạy một cách trơn tru theo lịch trình đề ra".

Hoàng kể ngay từ nhỏ đã có sự đam mê với máy móc, nên lớn lên chọn học chuyên ngành máy tàu thủy của ĐH Hàng hải (Hải Phòng). Sau khi tốt nghiệp ra trường, Hoàng được phân công về đơn vị tàu kiểm ngư và từ đó chàng trai cùng đồng đội của mình gắn thanh xuân với các chuyến vươn khơi, bám biển thực hiện nhiệm vụ.

Suốt chuyến hải trình, rất ít khi chúng tôi được gặp những nhân viên ngành máy, vì các bạn phải thay phiên nhau, âm thầm trực dưới khoang máy. Hỏi về áp lực của công việc, Hoàng nói: "Áp lực thì luôn luôn có. Chẳng hạn có thể đột ngột phát sinh một sự cố hoặc cùng thời điểm phát sinh nhiều sự cố. Trong khi đang xử lý sự cố này cũng phải suy nghĩ phương án để giải quyết các vấn đề khác, để làm sao có thể xử lý đồng thời, khắc phục được các sự cố cùng lúc".

Dẫu làm công việc luôn có nhiều áp lực và âm thầm, lặng sâu dưới những khoang máy, nhưng niềm hạnh phúc của các bạn lại giản đơn vô cùng. Hoàng tâm sự: "Khi nghe tiếng máy nổ giòn và to thì lúc đấy tụi mình mới có giấc ngủ ngon được. Người ta nghĩ rằng máy nổ to thế này làm sao ngủ được, nhưng chính những tiếng nổ to và đều như thế thì đó mới là giấc ngủ ngon của tụi mình. Và một hải trình an toàn, những tiếng cười, sự hài lòng của các thành viên đoàn hành trình luôn là niềm vui lớn nhất của tụi mình".

Và họ, những người trẻ tôi gặp trong chuyến hải trình ra với Trường Sa, dẫu ở vị trí công việc nào, trái tim vẫn chung nhịp đập hướng về biển, đảo của Tổ quốc. Chính họ, những thanh xuân bất khuất ở Trường Sa đã cho chúng tôi những xúc cảm thiêng liêng nhất, sự thúc giục mãnh liệt hơn bao giờ hết để cùng biến những khát vọng giữa biển khơi thành hành động, việc làm cụ thể đóng góp cho đất nước, cho Tổ quốc khi trở về với đất liền. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.