TNO

Những trang sách đá kiêu hãnh của Myanmar

27/08/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Người Myanmar sẽ yên tâm, vì họ có những bộ sách vĩnh hằng làm bằng đá, nhờ vào sự lo xa của tiền nhân.

(iHay) Với những thảm họa đốt sách từng diễn ra trong lịch sử nhân loại, chắc chắn người Myanmar sẽ yên tâm, vì họ có những bộ sách vĩnh hằng làm bằng đá, nhờ vào sự lo xa của tiền nhân.

>> Myanmar kỳ thú - Kỳ 1: Cầu U Bein - nơi ngắm hoàng hôn đẹp bậc nhất thế giới

Rừng sách trắng giữa trời Mandalay

Không chỉ đặc biệt với những phật tử, mà bất cứ du khách nào khi đến Myanmar cũng đều nghe và mong tận mắt chiêm ngưỡng bộ sách đá tại Mandalay, thành phố nằm ở miền trung Myanmar. Đó là pho tạng kinh Phật bằng đá lớn nhất thế giới được Tổ chức kỷ lục thế giới ghi nhận.

Trang sách kinh bằng đá khắc chữ Myanmar âm Pali

Khi vua Mindon trị vì Myanmar vào thế kỷ thứ 19, lúc kinh đô còn nằm tại Mandalay, ông từng cho rằng “Phật giáo gắn liền với sự tồn vong của quốc gia, mỗi khi đất nước bị xâm lăng, kẻ thù thường đốt kinh sách Phật giáo để hủy diệt chúng ta. Bằng mọi cách, kinh Phật phải được bảo vệ và trường tồn mãi mãi”.

Pho Tam tạng kinh bằng đá ở chùa Kuthodaw

Chùa Kothudaw nhìn từ đồi Mandalay

Để hiện thực hóa điều này, năm 1860, vua Mindon cho xây dựng quần thể ngôi chùa Kuthodaw dưới chân ngọn đồi Mandalay. Bao quanh ngôi chùa là bộ kinh tạng bằng đá cẩm thạch lớn nhất thế giới.

Để thực hiện công trình, ông huy động nghệ nhân trên khắp đất nước quy tụ về để khắc toàn bộ Tam tạng kinh lên trên 729 phiến cẩm thạch trắng, mỗi phiến đá cao hơn 1,5 mét và rộng 1 mét, dầy 15 cm, khắc chữ đầy cả hai mặt, đặt trên bệ cao khoảng gần nửa mét so với mặt đất. Mỗi phiến đá có từ 80-100 dòng.

Tháp nhỏ lưu giữ phiến đá khắc tạng kinh tại chùa Kothudaw

Ban đầu các nghệ nhân viết lên phiến đá, rồi sau đó khắc đè lên. Cuối cùng là rải lên bản khắc một lớp mực bằng vàng. Ngoài 729 phiến đá bộ Tam tạng kinh, còn 1 phiến đá khác được dùng miêu tả giới thiệu về công trình này.

Những bản kinh được khắc cả trên hai mặt phiến đá bằng chữ Miến, đọc theo âm Pali. Cách khắc chữ này giúp người Myanmar có thể dễ dàng đọc. Quá trình chạm khắc bộ kinh Phật vào đá này kéo dài 11 năm, từ năm 1860-1871.

Hành lang dẫn vào chùa Kuthodaw

Nằm chính giữa rừng tháp này là ngôi tháp lớn dùng để lưu giữ xá lợi Phật, cao 57 m. Toàn bộ phần trên của ngọn tháp đều được dát vàng. Tuy nhiên, vàng dát trên các nét chữ cũng như vàng và đá quý trong quần thể chùa đều biến mất trong thời gian đế quốc Anh thôn tính Myanmar làm thuộc địa.

Bảo tháp nằm giữa chùa Kothudaw

Rừng sách đá ở chùa Sandamuni

Ngay cạnh chùa Kothudaw là chùa Sandamuni. Vua Mindon cho xây ngôi chùa này nhằm tưởng nhớ người anh em cùng cha khác mẹ là thái tử Kanuang. Thái tử này là người đã giúp ông củng cố quyền lực tại Pagan Min.

Rừng tháp trắng gồm 1.774 phiến đá tại chùa Sandamuni

Theo sử sách ghi lại, ban đầu vua  Mindon dự tính nhường ngôi cho em mình, nhưng dự định này bị hai người con trai của ông phản đối. Họ nổi dậy, âm mưu lật đổ vua Mindon vào năm 1866. Vì cứu vua Mindon, thái tử Kanaung bị giết chết cùng 3 hoàng tử khác.

Sau khi qua đời, Thái tử Kanaung được tôn vinh danh hiệu Thiri Pawara Maha Damma Yaza, danh hiệu chỉ dành cho các vua.

Các phiến đá được khắc hai mặt và cạnh nằm nối tiếp nhau

Khá giống quần thể chùa Kothudaw, chùa Sandamuni cũng nổi tiếng với những pho đại tạng kinh bằng đá, được rừng tháp trắng che chở, bảo vệ. Vào năm 1913, dưới sự chủ trì của cư sĩ UKhanti, Phật tử đã cúng dường cho chùa để tạc nên 1.774 phiến đá cẩm thạch, chạm khắc toàn bộ bộ tam tạng kinh điển, cùng với chú giải và phụ chú giải.

Kiểu dáng tháp bảo vệ các trang sách đá ở chùa Sandamuni

Tên tuổi của cư sĩ Ukhanti được ghi nhận trong khuôn viên chùa, vì ông đã dành gần như toàn bộ gia sản, tâm huyết vào công trình. Ông cũng là người thiết kế nên hệ thống phiến đá, hệ thống mái vòm che chở cho toàn bộ công trình chùa Sandamuni.

Làm mới những mái vòm che sách

Bên cạnh các phiến đá chứa kinh Phật, tên và những chi tiết liên quan đến những người tham gia cúng dường công trình vĩ đại này cũng được ghi bên cạnh phiến đá. Các phiến đá có chiều cao 1,6 m, rộng 1 m, và dày 15 cm. Các nghệ nhân cũng dùng phương pháp viết chữ rồi khắc lên đá. Nhưng một loại mực đen đặc biệt, được làm từ cánh kiến ​​đỏ, bồ hóng đèn dầu hỏa và tro rơm để tạo nên một hợp chất đặc biệt viết lên những nét chữ này.

Những trang sách đá nằm song song, trường tồn với thời gian

Đá cẩm thạch trắng dùng khắc bộ tạng kinh ở hai ngôi chùa trên đều được lấy từ ngọn núi Sachin nổi tiếng, ở phía bắc Mandalay. Mỏ đá này cũng là nơi cung cấp toàn bộ đá điêu khắc cho Mandalay và toàn Myanmar, chủ yếu chế tác các công trình đậm dấu ấn Phật giáo.

Phượt ký của Kim Dung

>> Myanmar kỳ thú - Kỳ 6: Ấn tượng xứ sở đàn ông mặc váy nhai trầu
>> Myanmar kỳ thú - Kỳ 5: Độc đáo tu viện trên đỉnh núi lửa
>> Myanmar kỳ thú - Kỳ 4: Lang thang miền cổ tích Bagan
>> Myanmar kỳ thú - Kỳ 3: Những ngôi chùa lộng lẫy ở Mandalay
>> Myanmar lý thú - Kỳ 2: Ấn tượng những nụ cười thanaka

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.