Những trào lưu gây bão cộng đồng mạng 2016

23/12/2016 07:49 GMT+7

Ca khúc có giai điệu vui tươi và phần lời ngộ nghĩnh Bút dứa Táo bút , trò chơi Pokemon Go hay thử thách ma nơ canh, thử thách chống đẩy... là các trào lưu nổi bật nhất trong năm 2016 trên các trang mạng xã hội.

PPAP - Bút dứa Táo bút
Là bài hát được sáng tác bởi một nghệ sĩ hài Pika Taro, sinh năm 1973 tại Aomori, Nhật Bản. Lời bài hát chỉ bao gồm: “Tôi có một cây bút. Tôi có một quả táo. Bút táo! Tôi có một cây bút. Tôi có một quả dứa. Bút dứa! Bút táo. Bút dứa. Bút dứa táo bút” nhưng độ dễ nhớ và cuốn hút thì không thể phủ nhận.
Trang BBC đánh giá có 3 yếu tố để làm nên sự thành công của clip gây bão này đó là phần nhạc gây nghiện, phần lời nghe có chút ngốc nghếch và một điệu nhảy đơn giản nhưng vô cùng hài hước. Hàng trăm bản cover ca khúc cũng như ảnh gây cười chế lại lời bài hát xuất hiện trên Facebook trong đó có nhiều ngôi sao nổi tiếng của Nhật Bản cũng như thế giới nhảy lại PPAP như cặp song sinh Riko và Rika.
Tính đến thời điểm này, clip đã thu hút trên 100 triệu lựợt xem và gần 500.000 lượt thích.
Pokemon Go
Pokemon Go là trò chơi thực tế ảo tăng cường, mà ở đó người chơi có thể bắt những sinh vật kỳ lạ bằng chính chiếc điện thoại thông minh của mình. Pokemon là những sinh vật xuất hiện trong loạt game và phim hoạt hình Pokemon lừng danh đến từ Nhật Bản.
Pokemon Go gây bão trên toàn thế giới Ảnh: The Verge
Trong Pokemon Go, bản đồ game chính là bản đồ thế giới thật và người chơi có nhiệm vụ đi bộ quanh khu vực mình sống để lùng bắt loại thú ảo này, sử dụng chính camera trên smartphone. Cách chơi mới lạ cùng danh tiếng sẵn có của dòng game Pokemon đã khiến tựa game này gây bão trên toàn thế giới, đến nỗi máy chủ của hãng phát hành Niantic không thể phục vụ kịp. Trào lưu chơi Pokemon Go lan tỏa với tốc độ chóng mặt tại những quốc gia Niantic phát hành trước như Úc, Mỹ, Anh cũng như khiến người chơi tại các quốc gia phát hành sau mòn mỏi chờ đợi.
Ngoài những tác động tích cực lên cộng đồng như giúp người chơi tập thể dục, ra ngoài trời vận động và giao lưu kết bạn, Pokemon Go cũng gây ra khá nhiều phiền toái như có nhiều người chơi gặp tai nạn trong quá trình chơi. Nhiều vụ đột nhập nhà riêng cũng vì lý do người chơi tựa game này muốn lùng bắt thú ảo. Cá biệt một người chơi tại Mỹ đã phát hiện một xác chết trong quá trình lang thang tìm Pokemon.
Thử thách ma nơ canh
Bắt nguồn từ những học sinh trung học tại Florida (Mỹ), thử thách Mannequin (ma nơ canh) yêu cầu những người tham gia phải giữ nguyên tư thế, không được phép di chuyển trên nền nhạc sôi động trong toàn bộ thời gian ghi hình. Đoạn clip sau đó sẽ được up lên mạng xã hội như Twitter, Instagram kèm theo hashtag #MannequinChallenge. Điểm thu hút của thử thách ma nơ canh chính là việc buộc người chơi phải bất động trong một tư thế ngẫu nhiên.
Các ngôi sao Wilmer Valderrama, Jordana Brewster và Piper Perabo trong thử thách ma nơ canh ẢNH: AFP
Trào lưu này nhanh chóng lan rộng khắp nơi trên thế giới với hàng chục ngàn clip được đăng lên mạng xã hội. Người chơi có thể là bất kì ai từ học sinh, sinh viên đến cả chính trị gia, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và các cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới. Thành viên đội tuyển Bồ Đào Nha hay đội bóng Dortmund như Mario Goetze, Shinji Kagawa đã nhiệt tình tham gia thử thách ma nơ canh. Góp mặt vào cuộc vui, ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo đã tái hiện dáng đứng quen thuộc của anh mỗi khi đứng trước quả phạt hay dáng đứng ăn mừng mỗi khi ghi bàn thắng.
Thử thách chống đẩy
Hai năm sau thử thách dội nước đá lên đầu (Ice Bucket Challenge), những người tham gia mạng xã hội lại tiếp tục đắm mình trong thử thách chống đẩy 22 cái (22 Push-up Challenge). Họ ghi hình thử thách và đăng tải lên Facebook, Instagram hay Twitter để gây quỹ từ thiện.
Tài tử Dwayne Johnson đang thực hiện thử thách chống đẩy Ảnh: Instagram NV
Mọi người tham gia thử thách phải quay lại quá trình hít đất của mình. Người chơi không nhất thiết phải hít đất 22 cái nhưng phải thực hiện đều đặn, xuyên suốt 22 ngày liên tiếp. Mỗi ngày, người chấp nhận thử thách sau khi quay lại clip mình hít đất sẽ up lên mạng xã hội kèm theo hashtag #22pushup và tag một vài người bạn vào. Hiện nay, trang Google ghi nhận hơn 8 triệu kết quả khi gõ 22 Push-up Challenge vào ô tìm kiếm. Rất nhiều ngôi sao nổi tiếng trên thế giới đã tham gia vào thử thách nâng cao sức khỏe và rèn luyện cơ bắp như David Beckham, Rio Ferdinand, Chris Evans, Chris Pratt hay Dwayne Johnson.
Thử thách chống đẩy được khởi xướng bởi tổ chức phi lợi nhuận có tên #22KILL do một cựu chiến binh lập ra vào năm 2013 với mục đích kêu gọi gây quỹ từ thiện và nâng cao nhận thức về các chấn thương tâm lý đối với cựu chiến binh sau chiến tranh. Theo trang Telegraph, ước tính có đến 22 người tự tử tại Mỹ mỗi ngày do gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về tâm lý liên quan đến quãng thời gian trong quân ngũ.
Tạo dáng chụp ảnh kiểu “dab”
Dab là một điệu nhảy bắt nguồn từ thế giới hip hop và văn hoá đường phố ở Atlanta (Mỹ) mà người nhảy phải cúi đầu, đồng thời giơ khuỷu và cánh tay lên.
Cầu thủ Paul Pogba và Jesse Lingard ăn mừng bằng trào lưu “dab” trên sân Old Trafford ẢNH: AFP
Vào năm 2015, dab gây chú ý trong làng thể thao Mỹ khi cầu thủ bóng bầu dục Cam Newton ăn mừng bằng kiểu tạo dáng dab trong 8 giây. Sau đó, những cái tên Soulja Boy, Rich The Kid và Migos cùng single Look At My Dab đã khơi nguồn cho trào lưu dab trên toàn thế giới.
Những ngôi sao lớn ở mọi lĩnh vực âm nhạc và thể thao nhiệt tình hưởng ứng trào lưu này. Tiêu biểu kể đến là những cái tên Chris Brown, The Chainsmokers hay Paul Pogba, Romelu Lukaku, Neymar. Các cổ động viên bóng đá của câu lạc bộ Manchester United đã quá quen thuộc với việc Paul Pogba ăn mừng bàn thắng bằng “dab”. Nhà tài trợ Adidas thậm chí đã đưa hình ảnh này vào các clip quảng cáo và tạo hiệu ứng lớn trên mạng xã hội. Hay nữ hoàng quần vợt Victoria Azarenka cũng chọn “dab” để ăn mừng ngay sau khi hạ gục đối thủ ở trên sân.
Trào lưu chụp ảnh couple Hàn Quốc
Một tài khoản mạng xã hội ở Hàn Quốc đã đăng tải bức hình chụp theo phong cách “từ xa đến gần” và nhận được hàng ngàn lượt yêu thích. Sau đó, cách chụp ảnh này đã thành một trào lưu và lan rộng sang các nước Thái Lan hay Việt Nam.
Giới trẻ rất thích thú với trào lưu này Ảnh chụp màn hình
Bức ảnh lớn được tạo nên từ 8 bức ảnh nhỏ. Ban đầu, hai nhân vật chính sẽ ở hai nơi tách biệt, cách xa nhau nhưng sau đó tiến lại dần và gần bên nhau. Điều này cũng giống như việc hai người yêu nhau cần vượt qua các rào cản, khoảng cách để có thể đoàn tụ và ở bên nhau.
Với cách thức thực hiện đơn giản nhưng lại cho ra nhiều bức hình hút mắt, kiểu tạo dáng chụp hình độc đáo đến từ xứ sở kim chi đang được các cặp đôi tình nhân hưởng ứng mãnh liệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.