Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 10: Âm thầm “giữ lửa” cho làng gốm cổ

04/07/2013 03:30 GMT+7

Làng gốm Mỹ Thiện (thị trấn Châu Ổ, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) từng là nơi sản xuất gốm sầm uất trên 200 năm. Thế rồi do nhiều khó khăn, người làng lần lượt bỏ nghề gốm tìm kế mưu sinh khác.

Duyên với nghề

Qua nhiều con hẻm ngoằn ngoèo, cuối cùng thì ngôi nhà nhỏ ở cuối một ngõ hẹp ở thị trấn Châu Ổ của vợ chồng anh Trịnh (51 tuổi) và chị Cúc (47 tuổi) cũng hiện ra. Hôm ấy là ngày xuất lò, anh Trịnh và người thợ tất bật chuyển hàng ra cho khách, còn chị Cúc thì mải mê tạo hình với các chum, lọ, ghè... để kịp nung lò gốm mới. Anh Trịnh khoe: “Xuất lò đợt này có 1.600 sản phẩm, tỷ lệ hàng “sống” chỉ gần 10%”. Cầm một bình gốm mới ra lò lóng lánh màu đen, anh Trịnh cho biết, vào mùa nắng, cứ mỗi tháng xuất một lò, không kịp cho khách từ Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Trị, Huế... đến chở. Có khi khách đã đặt mua hàng, nhưng xe của vị khách khác canh ngày đến trước, anh Trịnh méo mặt vì “hổng biết xử lý sao”, đành để các vị khách thương lượng với nhau... chia hàng.

Giao xong hàng, vợ chồng anh Trịnh, chị Cúc mới bắt chuyện. Thì ra, gia đình của hai vợ chồng đều làm gốm gia truyền. Ở làng gốm này chỉ có phụ nữ mới biết tạo hình và chị Cúc chính là bàn tay vàng tạo hình ở đây. “Nói thiệt, nếu hồi đó, tui hổng tò mò thì bây giờ làng gốm này đã hết người biết tạo hình gốm rồi”, chị Cúc kể. Khi còn học cấp ba, trưa nào chị Cúc cũng lén ngồi vào bàn xoay của các bà, các chị để tạo hình gốm. Ban đầu, phát hiện “cái con bé láu táu phá phách”, các bà la chửi mắng mỏ. Sau này, các bà cũng đành chịu cái con bé sáng dạ. Chỉ cần ba tháng “phá phách”, con bé đã tạo hình gốm nhuần nhuyễn.

“Đến năm hợp tác xã thi nghề tạo hình, nhìn đi nhìn lại, họ chọn tui đi ứng thí. Năm đó, tui đoạt giải nhất và cũng là năm tui học xong cấp ba”, chị Cúc kể. Mãi về sau, càng làm tay nghề chị Cúc càng cứng cỏi. Mắt không nhìn, nhưng hai bàn tay mềm mại có thể biết được đất sét nhiều hay ít, khô hay ướt để điều chỉnh phù hợp cho mỗi sản phẩm. Mỗi ngày, chị Cúc tạo ra vài chục sản phẩm gốm thuộc loại lớn, phức tạp, còn sản phẩm thông thường là vài trăm cái. Tiếng lành đồn xa, chị Cúc được mời đi truyền nghề khắp nơi như Đà Lạt, Đà Nẵng, Hà Nội...

Còn gia đình anh Trịnh, mấy đời luôn nổi tiếng với bí quyết nung lò gốm. Ở đây, cứ mỗi gia đình có một bí quyết riêng nhưng cách làm gia truyền nhà anh Trịnh thì có một không hai. Từ xưa theo cha và ông nội nung lò, anh Trịnh say mê với nhiều phương pháp thủ công cho men vàng, tạo hình cảnh trên vỏ bình, vỏ ghè... Anh Trịnh bảo, nếu nguyên liệu có, mà đắp lò không đảm bảo, sản phẩm sẽ không ưng ý. “Làm sao mà sản phẩm ra lò hài hòa hình thức và bền chắc theo kiểu ném nhẹ không bể là được”. Nghĩa là khi đắp lò, phải đo chỉnh cho phù hợp với vùng đất. Rồi khi đưa sản phẩm vào nung, phải “cân” bình độ “trong cao, ngoài thấp” cho lò xuất ra đảm bảo không bị “sống” nhiều và đặc biệt phải là loại gốm đen đặc trưng của làng Mỹ Thiện.


Chị Phạm Thị Cúc, nghệ nhân duy nhất của làng còn biết tạo hình gốm - Ảnh: Phạm Anh
 

Mong ngày lửa cháy

Ông Phạm Hậu (83 tuổi), một người kỳ cựu của làng gốm Mỹ Thiện, cho biết ngày trước làng gốm rất sầm uất, chẳng thua kém bất cứ làng gốm nào của cả nước. “Cả làng sống với nghề, nên mỗi năm chỉ làm nghề 6 tháng mùa nắng, nhưng sống rất sung túc” - ông Hậu nói. Sông Trà Bồng ngày đó nước lớn chứ không cạn như bây giờ, hằng ngày luôn có hàng chục chiếc ghe bầu đậu sẵn dọc sông đợi chở hàng. Đến năm 1982, làng gốm Mỹ Thiện thành lập hợp tác xã gốm, hoạt động rất thịnh vượng. Dân làng “vắt chân trên cổ” làm cũng không kịp cho khách đặt mua. Vậy mà được 10 năm, hợp tác xã này giải thể. Lý do là không có nguyên liệu làm gốm. Đất sét và củi, hai nguyên liệu chính không mua được ở các xã xung quanh. Từ đó các đơn đặt hàng cho gốm Mỹ Thiện cũng vắng dần. Người làng nghề tứ tán mỗi nơi, mưu sinh với đủ nghề. “Không ai làm, may mà có vợ chồng thằng Trịnh, con Cúc không bỏ nghề của làng, để nghề gốm tổ tiên đất này sống mãi đến bây giờ”.

Tiếp lời ông Hậu, anh Trịnh giãi bày: “Gia đình tui có 5 người, sống bằng nghề gốm cũng không thua kém ai”. Cứ mỗi tháng, gia đình anh Trịnh xuất một lò, với 1.500 - 1.600 sản phẩm. Trừ chi phí, trả tiền công thợ, hai vợ chồng cũng còn dư mười mấy triệu đồng. Thế nhưng, để duy trì cho nghề gốm Mỹ Thiện sống mãi, anh Trịnh phải chạy vạy xuôi ngược mới mua đủ nguyên liệu làm gốm. Ấy là đất sét làm gốm, phải xin phép chính quyền các xã để mua mỗi xe vài tấn. Sau khi xe đất về phải đổ ngoài đường lớn, anh Trịnh dùng cộ, xe kéo chuyển lần vài tạ về cách nhà chừng 300 m. Còn củi đốt lò cũng thế, thấy nơi nào có khai thác keo, bạch đàn, anh Trịnh tìm đến mua về để dành dùng dần.

Giờ đây, ngày ngày hai vợ chồng người thợ gốm này vẫn âm thầm làm và sống với nghề, giữ lửa cho làng, đợi một ngày nào đó ngọn lửa nghề gốm Mỹ Thiện sẽ bùng lên.

Phạm Anh

>> Nghệ nhân làng gốm cổ
>> Làng gốm Bàu Trúc
>> Thăm làng gốm Bát Tràng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.