Chúng tôi vượt hơn 80 km từ TP.Đông Hà để đến bản Ala (xã Ango, H. Đakrông, Quảng Trị). Kôn Thà đi vắng, con gái Kôn Thà bảo ông đi làm rẫy ở bên kia dòng Đakrông. Chúng tôi đi tìm ông theo lời dặn của chị: “Cứ đi và lắng nghe tiếng khèn be réo rắt của bố mà tìm đến…”.
Chơi khèn be, lấy vợ đẹp
Kôn Thà năm nay đã sống qua 66 mùa rẫy và có 6 mặt con, 4 mặt cháu. Từ năm 1965 đến 1974, ông tham gia bộ đội và cùng đồng đội giữ lấy từng tấc đất, từng cây rừng của vùng núi này. Ông bảo, bạn bè ông hy sinh nhiều lắm, ông may mắn chỉ bị thương. Nhưng khoảng thời gian làm bộ đội cụ Hồ đã cho ông được tiếp xúc và thực hiện niềm đam mê của mình từ tấm bé, đó là âm nhạc. “Lúc đó ở nơi tôi đóng quân, có một ông già tên là Vỗ Thấp, ông là thợ làm khèn be. Thấy ông làm, ông thổi, tôi thích quá, lúc nào rảnh cứ tìm đến nhà. Về sau, tôi được ông ấy cho làm người… thử khèn be. Tôi cứ thổi đến khi nào cái khèn be kêu được lại chuyển qua thổi cái khác… Sau đó học lỏm của ông Vỗ Thấp các điệu nhạc, tập thổi, lâu lắm mới được”, Kôn Thà nhớ lại. Từ đây, ngoài cây súng để đánh giặc, chiếc khèn be không rời ông nửa bước, ông thường lấy ra thổi mỗi khi dừng hành quân bên suối, hay những hôm may mắn có đoàn văn công nào về với đơn vị.
|
Trở về bản với chiếc khèn be là gia tài duy nhất, là người bạn thân thiết nhất, Kôn Thà lại tiếp tục lên nương rẫy trồng sắn, trồng ngô, lại vác nỏ lên rừng tìm con nai, con hoẵng như ngày trẻ. Bản qua chiến tranh, nghèo xác xơ, Kôn Thà thường phải quần quật cả ngày mới có cái ăn, và lúc mệt nhoài chỉ biết ôm khèn be ra thổi. Nhưng ở bản, nhiều cô gái đã bắt đầu biết mến tiếng khèn be trầm bổng của anh cựu binh. Khi bình minh hay lúc chập tối, thiếu tiếng nhạc của ông họ đi lên xuống nhà sàn, lòng không yên, lại thao thức
chờ đến khuya, mong điệu Xiêng gọi bạn vang lên bên vách nhà. Cũng bởi mê tiếng khèn be của chàng trai Pakô rắn rỏi mà bà Hồ Thị Xuân - lúc ấy là thiếu nữ Vân Kiều đẹp có tiếng ở vùng núi này, theo Kôn Thà về nhà. Ông thật thà bảo: “Ngày xưa, tôi hay đi sim, hay ghé nhà con gái rồi thổi khèn gọi họ xuống tâm sự lắm, nhưng từ khi có mẹ… tôi không dám đi nữa, chỉ thổi cho vui thôi”. Bà Xuân ngồi khuất trong bếp, nghe vậy cười rúc rích.
Ngồi trong lán giữa rừng núi mênh mông, ông bất chợt cầm khèn be ra thổi, điệu nhạc du dương từ chiếc khèn làm lũ chim rừng như cũng hót họa theo. Hôm nay Kôn Thà thổi bản Tê- ra- tếk (Con ve ve trên đỉnh núi), về con ve ve dẫn đường cho đôi trai gái tìm đến nơi hò hẹn…
Không yêu thì khó thổi
Nhấp chén rượu trắng đục ngàu, Kôn Thà đánh khà một tiếng rồi nói: “Bữa ni người ta nghe nhạc hát trong ti vi, những người chơi khèn be như tôi ít lắm, cả bản này chỉ mỗi mình tôi chơi được”. Ít người chơi nhưng nhiều người thích nghe, cũng vì vậy mà việc gì trong bản cũng có mặt ông già này, từ việc cưới hỏi đến lễ đâm trâu, gọi giàng về… đều phải có tiếng khèn be của ông. Có khi người bản khác sang mời, ông cũng phải lặn lội vượt suối băng rừng để sang nhà họ giúp vui. Tiếng khèn be của ông vang lên khắp núi rừng, qua nhiều bản khác nhau, đến đâu ông cũng được yêu mến, bị giữ lại thêm mấy ngày để thổi cho họ nghe. “Tôi đến, chỉ cần cho chén rượu là vui rồi, chứ tôi không xin gì của họ thêm”, Kôn Thà giãi bày.
Ông cũng tâm sự chơi khèn be không quá khó nhưng phải kiên trì, làm sao cho ống nứa phát ra tiếng kêu, rồi kêu sao cho hay mới tài. Đến nay, Kôn Thà có thể thổi được khoảng 17, 18 điệu nhạc khác nhau dùng để giao duyên hay trong các dịp lễ. Đôi lúc hứng lên, ông còn tự nghĩ ra cách thổi mới, nhất là các đoạn nhộn… Qua mấy chục năm cây rừng thay lá, đời ông cũng thay hết gần hai chục cái khèn be rồi mà vẫn chưa tìm ra hết cái hay của loại nhạc cụ ghép từ mấy ống nứa này. Ngoài khèn be, Kôn Thà còn để ở trong nhà 2 cái thàn la (loại nhạc cụ được đúc bằng đồng, tương tự chiêng, nhưng không có núm nhô cao ở trên mặt). Đem từng cái một ra ông giải thích một cái từ đời tổ tiên để lại là loại quý, một cái mới mua không quý bằng, nhưng giá cái nào bằng hoặc hơn cả một con trâu.
Cũng giống như chiếc khèn của người dân tộc vùng Tây Bắc, chiếc khèn be của người Pakô khi thổi, người thổi phải nhảy múa, xôm tụ mới đúng kiểu. Nhất là trong lễ đâm trâu, cả bản thường nhảy xúm quanh người thổi khèn, điệu Pri nô kun lại rộn ràng vang lên. Những lúc này, khi đã nồng men rượu, say cái tình của dân bản, Kôn Thà thường xổ hết tài nghệ, thổi đến khi hết hơi, khi khèn be tắc tiếng mới thôi.
Năm trước Kôn Thà được huyện mời đi dạy thổi khèn be cho cả mấy chục người ở 4 xã lân cận, ông háo hức lắm, truyền hết thủ thuật chơi khèn be. “Nhưng họ chưa yêu được cây khèn be, cả thằng Pên, thằng Panh ở gần rẫy tôi đây, hay ghé qua uống rượu nhưng dạy mãi vẫn chưa học được vì chưa yêu”, Kôn Thà trăn trở.
Khèn be là loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Pa kô được ghép lại từ 14 ống nứa được đục lỗ, có độ dài ngắn khác nhau được cố định trên một thanh gỗ. Tuy vậy trong 14 ống nứa chỉ có 12 ống có kẹp thanh đồng bên trong để phát ra tiếng kêu. Khi thổi, người ta áp sát miệng vào lỗ nhỏ trên thanh gỗ và bấm vào các lỗ trên các ống nứa để tạo ra các giai điệu. Hiện rất ít người làm được nên mỗi chiếc khèn be được bán với giá khoảng từ 1 - 2 triệu đồng/cái. |
Nguyễn Phúc
>> Hoa loa kèn trắng phố Hà Nội
>> Liên hoan Tiếng kèn Đội ta
>> Gắn kèn cho iPhone, iPad
Bình luận (0)