Công thức xào game = Bình mới + Rượu cũ
Kể từ khi game online xuất hiện tại thị trường Việt Nam, không ít những chiêu trò tiêu cực của các nhà phát hành game nước nhà đã bị cộng đồng game thủ lên tiếng chỉ trích. Có thể nói, những chiêu trò của một bộ phận các nhà phát hành đã và đang khiến cho cộng đồng game thủ có cái nhìn phiến diện và sai lệch về thị trường game trong nước. Trong số các “tuyệt kỹ” phát hành game ở Việt Nam, có lẽ “xào game” là chiêu số được dùng nhiều lần nhất.
Xào game được hiểu theo nghĩa đơn giản như là “bổn cũ soạn lại”, khi mà các nhà phát hành game sử dụng tên gọi mới, gắn mác mới lên các sản phẩm cũ từng được phát hành trước đây với hi vọng trò chơi có thêm 1 (hoặc nhiều lần) tái sinh với tư cách một sản phẩm mới.
Theo lẽ thường, những sản phẩm “xào xáo” này ngoài việc thừa hưởng hệ thống gameplay và đồ họa nguyên bản, thì đều đã được nhà phát hành bổ sung và cập nhật một vài tính năng mới để bắt kịp với các phiên bản gốc của trò chơi. Những tinh chỉnh này nhằm mục đích thoát ly ra khỏi cái tên cũ, cũng như “che mắt” game thủ với những lý do như tạo ra trải nghiệm mới, cảm giác mới. Thậm chí, một số game còn dày công cải biên cả cốt truyện và bối cảnh trong game để tạo ra một thế giới mới, bất chấp việc khiên cưỡng và thiếu ăn ý giữa hình ảnh và cốt truyện.
Nhìn ở góc độ tích cực, sự hồi sinh của sản phẩm chất lượng hoặc có tên tuổi sẽ là một tín hiệu đáng mừng, thậm chí nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng game thủ. Tuy nhiên, những sản phẩm đã khẳng định được tên tuổi vốn dĩ chẳng cần phải đổi tên hay dán “nhãn hàng mới”, bởi danh tiếng của những sản phẩm này đã quá đủ để thu hút một lượng lớn người chơi, áp đảo những sản phẩm khác. Cũng chính vì vậy mà hầu hết các sản phẩm chất lượng kém theo kiểu “mì ăn liền” mới cần vận dụng tới chiêu thức xào game này một cách triệt để.
Khi có một sản phẩm được hồi sinh bằng cách “xào xáo” đồng nghĩa với việc một sản phẩm cũ được xuất hiện trên thị trường. Hiển nhiên chất lượng đồ họa cùng lối chơi, thậm chí là cả cốt truyện trò chơi cũng đã “lạc hậu” so với những sản phẩm hiện hành, nếu không muốn nói là xấu hơn khá nhiều. Chính vì thế, các nhà phát hành phải liên tục sử dụng những chiêu bài PR giật gân hoặc phản cảm để mong sản phẩm tiếp cận được nhiều người chơi nhất có thể, mà không hề cân nhắc tới nguyên nhân dẫn đến việc trò chơi từng phải “chết yểu” trước đó.
Điều này đã dẫn tới một vòng lặp liên tục xảy ra trong làng game Việt nhiều năm qua, kéo theo nhiều nhà phát hành tên tuổi cũng đành “theo lao”. Hệ quả xảy ra là một số sản phẩm hoạt động kiểu cầm chừng rồi sau đó ra đi “không kèn không trống”, lời lãi thuộc về nhà phát hành, còn thiệt hại về tiền bạc và lòng tin thì người chơi phải nhận lấy trong uất ức…
Nhà phát hành tên tuổi cũng ‘dính chàm’
Trên thực tế, tuyệt kỹ xào game này đã xuất hiện từ nước ngoài và nhà phát hành tại Việt Nam chỉ “bắt chước”. Về cơ bản, việc xào game không hề vi phạm luật pháp, bởi đa phần các nhà phát hành quyết định ra mắt trò chơi nào đó, thì đều đã nắm trong tay các xác nhận bản quyền, và có thể sử dụng tên gọi nào tùy ý. Do đó, thứ mà chiêu thức “xào game” này vi phạm chính là về vấn đề lòng tin và chuẩn mực quảng bá truyền thông, cũng như trách nhiệm của chính mỗi nhà phát hành trong việc xây dựng hệ sinh thái game tại Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, làng game Việt không hề thiếu những sản phẩm được ra mắt từ việc vận dụng chiêu thức này. Tất cả đều là những sản phẩm “bình mới rượu cũ”, đã từng xuất hiện trên thị trường nay lại một lần nữa tái xuất với một tên gọi khác, hoặc được phát hành dưới danh nghĩa của một nhà phát hành mới. Trong vài năm gần đây, cộng đồng game thủ Việt cũng từng “dính chưởng” trên dưới chục lần bởi những tựa game mới (thực ra chỉ là game cũ đổi tên hoặc đổi nhà phát hành): Thiên Sát Thần Phạt (Ngộ Không 3D), Lục Mạch Thần Kiếm (Thập Diện Mai Phục), Họa Giang Hồ (Cửu Dương Thần Công),... Hầu hết đây đều chỉ là những game online thuộc dạng "mì ăn liền" không thực sự được đầu tư công phu.
Số lượng nhà phát hành tại Việt Nam tham gia vào công cuộc “xào game” này cũng không phải ít, đặc biệt là có một số nhà phát hành tương đối có tên tuổi như Soha Game với 3 sản phẩm vừa kể trên và nhiều hơn nữa, Vega Game với Ta Là Vua – một game di động ra mắt vào năm ngoái, hay mới đây nhất chính là VTC Mobile với 3 sản phẩm là Bùm Chíu, Thần Điêu Đại Hiệp 3D và Võ Lâm Ngũ Bá.
Mỗi sản phẩm này của VTC Mobile lại sử dụng các đòn thế khác nhau của chiêu thức xào game. Bùm Chíu là một sản phẩm đi theo hướng “xào xáo” cơ bản, tức là lấy nguyên xi một game cũ đã đóng cửa vì không có người chơi (có tên gốc là 9Shot) để phát hành lại dưới nhãn mác mới.
Võ Lâm Ngũ Bá chính là webgame Cửu Âm Chân Kinh – một sản phẩm do chính VTC Mobile phát hành. Sau khi trò chơi bị phát hiện là một sản phẩm “xào lại”, ban quản trị fanpage Võ Lâm Ngũ Bá đã giải thích quanh co rằng đây là “phát hành kiểu channeling”, trong khi cả 2 đều là cùng 1 game, và cùng do VTC Mobile phát hành, có lẽ đã đến lúc thuật ngữ channeling cần thay đổi ?
Trong khi đó, Thần Điêu Đại Hiệp 3D lại chỉ là một bản update của game Kiếm Khách 3D, nhưng đã được VTC Mobile “hô biến” thành game mới trong thông cáo báo chí và giới thiệu rằng đây là “bom tấn mới cập bến Việt Nam”.
Chuyện "xào game" của các nhà phát hành không hề vi phạm đến các quy định pháp luật về bản quyền, tuy nhiên rõ ràng đây lại là hành động lừa dối người chơi, khi hầu hết các nhà phát hành thường chẳng bao giờ chịu thừa nhận rằng mình đang phát hành lại một tựa game đã chết. Mà thay vào đó, là tên mới, kỹ năng mới, môn phái mới, nhưng tất cả chỉ là việc đổi tên cũng như hình thức bên ngoài, hoàn toàn là "bình mới rượu cũ" với chủ đích hút người chơi.
Có thể nói, chiêu thức “xào game” đang được các nhà phát hành tại Việt Nam sử dụng khá thường xuyên, điều này vô hình đã làm cho lòng tin của cộng đồng game thủ dành cho các sản phẩm game phát hành ở Việt Nam giảm xuống khá nhiều. Bên cạnh đó, việc xào lại những sản phẩm “game rác” từng chết yểu trước đó đã làm cho hệ sinh thái game tại Việt Nam mất đi tính tích cực vốn có.
Bình luận (0)