Lục quân Mỹ bắt đầu tống tiễn một trong những biểu tượng gắn liền với sức mạnh quân sự nước này: xe thiết giáp Humvee.
>> Độ xe thường thành xe chống đạn như thế nào?
>> Bộ Ngoại giao nhập Mercedes S600 Pullman Guard siêu dài chống đạn?
Truyền thông Mỹ hôm qua đưa tin Lầu Năm Góc vừa thông báo 3 ứng viên lọt vào vòng chung kết tranh vị trí thay thế xe Humvee. Bộ Quốc phòng chưa thông báo con số cụ thể nhưng theo trang tin Dallas Morning News, bên thắng cuộc sẽ giành được hợp đồng có giá trị khổng lồ. Dự kiến lục quân muốn có ít nhất 20.000 xe, còn thủy quân lục chiến cần khoảng 5.000 chiếc với chi phí nghiên cứu, phát triển và sản xuất vào khoảng 423.000 USD/chiếc. Hiện 3 nhà thầu Oshkosh Corporation, Lockheed Martin và AM General đã lần lượt giới thiệu các mẫu xe chiến thuật hạng nhẹ hỗn hợp để thay thế Humvee, xoáy mạnh năng lực chống sức ép từ các vụ nổ, đồng thời giảm kích thước để dễ dàng cho không vận và thả dù. Hình ảnh do các hãng công bố cho thấy cả 3 mẫu xe này vẫn rất hầm hố với thiết kế khá “ngầu” và khả năng trang bị hỏa lực mạnh.
L-ATV của Oshkosh
|
Thiết kế của Oshkosh lọt đến vòng chung kết là mẫu mang tên Xe chiến đấu chiến thuật hạng nhẹ toàn địa hình (L-ATV). Hãng nắm một lợi thế đáng kể: từ khi lục quân Mỹ phát hiện vào đầu thập niên 2000 rằng binh sĩ ngồi trên Humvee rất dễ dính thương vong do sức ép từ các vụ nổ, Lầu Năm Góc đã mua của Oshkosh hàng ngàn chiếc Xe bảo vệ trước mìn phục kích (MRAP) cho các chiến trường Iraq và Afghanistan. Theo trang Wired, MRAP được thiết kế thành công đến nỗi các binh sĩ có khi không nhận ra rằng xe vừa cán mìn.
L-ATV được thiết kế dựa trên nền tảng của MRAP, giữ nguyên năng lực chống mìn trong khi kích thước nhỏ hơn, trọng lượng nhẹ hơn nên có thể dễ dàng được không vận và thả xuống chiến trường bằng dù chuyên dụng.
“L-ATV là dòng xe chiến thuật hạng nhẹ hỗn hợp duy nhất phù hợp với yêu cầu của quân đội Mỹ trong các chiến dịch ngày nay”, báo mạng Business Insider dẫn lời Phó tổng giám đốc Oshkosh là Jennifer Christiansen tuyên bố.BRV-O của AM General
BRV-O của AM General - Ảnh: Lockheed Martin - AM General
|
AM General là ứng viên quen mặt nhất trong lĩnh vực xe quân sự vì đây chính là hãng sản xuất Humvee. Các bài học rút ra sau hơn 3 thập niên giúp AM General có được nhiều ý tưởng mới. Lần này, hãng muốn nhấn mạnh mình đã tìm ra cách khắc phục nhược điểm của Humvee và đặt tên cho dòng xe mới là Xe chống nổ ven đường (BRV-O) tập trung vào cường hóa khung xe và lớp giáp để chống sức ép từ mìn. “Humvee đã không được thiết kế để bảo vệ phần sàn xe, nên BRV-O có phần sàn xe thông thoáng và cao hơn, đủ sức lắp thêm bộ phận bảo vệ ở bên dưới”, Phó chủ tịch AM General Chris Vanslanger cho CNN hay. Ông này cũng khẳng định BRV-O là dòng xe duy nhất được trang bị hệ thống cho phép tất cả các binh sĩ ngồi trên kết nối với hệ thống liên lạc - chỉ huy chung mang tên C4ISR của quân đội, đóng vai trò hỗ trợ binh sĩ, máy bay và các chỉ huy chiến trường có thể liên kết với nhau, phối hợp di chuyển trên trận địa.
JLTV của Lockheed Martin
JLTV của Lockheed Martin
|
Tham gia cuộc đua lần này, có thể nói Lockheed Martin bước vào một sân chơi không hề quen thuộc. Trong khi Oshkosh và AM General là 2 tên tuổi chuyên cung cấp thiết bị chuyển quân trên mặt đất cho quân đội Mỹ, Lockheed thường được biết tiếng trong mảng máy bay quân sự công nghệ cao và các hệ thống tên lửa. Tuy nhiên, không vì thế mà ứng viên của hãng chịu lép vế. Được thiết kế cho mục tiêu chống chiến tranh du kích, JLTV của Lockheed có kích thước gọn nhẹ hơn so với Humvee và khả năng chống chọi áp lực nổ. “Xe có thể mang binh lính đến bất cứ nơi đâu nhưng cũng có thể đương cự với sức ép bom mìn không kém MRAP”, theo kỹ sư Trevor McWilliams của hãng. Ông này là một cựu binh và từng bị thương khi xe chở ông trúng mìn tự tạo tại chiến trường Nam Á.
Kết thúc của một biểu tượng Dòng xe Humvee được phát triển từ thập niên 1980 nhằm phục vụ nhu cầu nhanh chóng chuyển quân, khí tài lẫn chiến đấu của Mỹ tại Đông Âu phòng nguy cơ nổ ra xung đột với Liên Xô. Tuy nhiên, dòng xe này thực sự nổi danh khi chứng tỏ được uy thế trên các chiến trường sa mạc rộng lớn trong Chiến tranh Vùng vịnh hồi đầu thập niên 1990. Bề ngoài cứng cáp và tính đa nhiệm giúp Humvee có thể được trang bị vũ khí và đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau trên nhiều địa hình. Trong nhiều năm sau đó, Humvee trở thành một biểu tượng cho sự mạnh mẽ của lục quân và được rất nhiều nước sử dụng. Bên cạnh đó, thông qua các bộ phim hành động, chiến tranh của Mỹ, sự hâm mộ đối với Humvee lan đến cả dân mê xe và ưa thích hành động. Loại xe này là cảm hứng cho dòng SUV dân sự Hummer H1 nổi danh còn bản thân nó cũng có phiên bản Humvee C-series dành cho dân sự. Tuy nhiên, như đã đề cập, Humvee có nhược điểm lớn là quá kềnh càng, không đủ năng lực chống mìn gài bên vệ đường và hỏa lực tầm gần nên đã không còn thích hợp với các sứ mệnh chiến đấu của quân đội Mỹ trong tương lai. Tháng 12.2014, quân đội Mỹ lần đầu tiên bán đấu giá hơn 4.000 xe Humvee dư thừa cho người dân, theo CNN. |
Thụy Miên
>> Xe nguyên thủ: Chiếc xe “vàng” của ông hoàng Albert II
>> Xe nguyên thủ: Xe “độc” của giáo hoàng
>> Xe nguyên thủ: Sự lên ngôi bất ngờ của Audi
>> Xe nguyên thủ: Thủ tướng Anh - Cameron, nổi tiếng nhờ đi xe… đạp
>> Xe nguyên thủ: Limousne giá 3 triệu USD, Tổng thống Mỹ thuê chỉ… 1 USD/năm
>> Xe nguyên thủ: Leonid Brezhnev - người chơi xe sành điệu
>> Xe nguyên thủ: Bí mật chiếc limousine bọc thép của Liên Xô
Bình luận (0)