Những vắc xin nào cần tiêm nhắc cho trẻ?

Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng 8 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/ viêm màng não mủ do Hib, bại liệt, sởi.

Trẻ đủ 12 tháng tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cách nhau 1-2 tuần, mũi thứ 3 được tiêm cách mũi thứ 2 một năm. Trẻ 18 - 24 tháng tuổi được tiêm nhắc vắc xin bạch hầu - ho gà- uốn ván mũi 4 (DPT4) và tiêm vắc xin sởi - rubella. Trẻ 7 tuổi tại một số vùng nguy cơ cao được tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td).
Tuy nhiên, nhiều gia đình còn chưa biết vì sao sau 1 tuổi trẻ vẫn cần tiêm nhắc lại các mũi vắc xin nêu trên. Đối với một số loại vắc xin, sau khi tiêm chủng đủ liều cơ bản dưới 1 tuổi thì kháng thể chỉ có tác dụng bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định, lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian và nếu không được tiêm nhắc để củng cố miễn dịch thì sẽ không còn đủ để bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với vi sinh vật gây bệnh. Sau khi tiêm vắc xin nhắc lại, lượng kháng thể sẽ nhanh chóng được củng cố và có khả năng bảo vệ cơ thể.
Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em

Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em

Ngay cả một số loại vắc xin tạo được miễn dịch bền vững trong nhiều năm như vắc xin phòng sởi cũng vẫn được tiêm nhắc lại hay tiêm bổ sung trong các chiến dịch với mục đích nhằm tạo miễn dịch cho những trẻ bị bỏ sót chưa tiêm chủng trước đó hoặc những trẻ chưa tạo được miễn dịch sau lần tiêm trước, đồng thời việc tiêm chủng bổ sung trong các chiến dịch sẽ giúp nâng cao miễn dịch cộng đồng.
Để phòng bệnh hiệu quả, đảm bảo miễn dịch cộng đồng phòng tránh bệnh, các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin trong chương trình TCMR, đặc biệt lưu ý không quên các mũi tiêm nhắc lại để củng cố miễn dịch phòng một số bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.