Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, ít ai biết trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ. Do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Nhưng chất độc này khi được phóng thích ra ngoài do bị bắt không đúng cách, bị chà giết có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da)...
Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Kiến ba khoang được xem là người bạn tốt của nông dân, vì ăn các loài sâu rầy gây hại cho hoa màu. Nhưng người ta đặt câu hỏi vì sao cứ đầu mùa mưa kiến ba khoang xuất hiện nhiều ở vùng ven mà ít khi có ở vùng trung tâm?
Nhiều người rùng mình khi nhắc đến kiến ba khoang. Sinh viên ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM; cư dân chung cư tại các quận, huyện: 2, 7, 9, Nhà Bè, Thủ Đức... là những người khá khốn khổ vì loài kiến này. Hằng đêm phải xịt thuốc diệt côn trùng quanh nhà, nhất là cửa sổ, cửa ra vào, thay đèn sáng trắng bằng đèn vàng, ngủ mùng, mặc đồ dài tay... theo khuyến cáo của ngành y tế. Vậy mà có nhiều người vẫn không tránh được, bị lở loét khắp người; phải khám chuyên khoa da liễu để lấy thuốc bôi, uống.
Khi con người xâm lấn môi trường sống của các loài côn trùng để đạt mục đích kinh tế, đi ngược quy luật tự nhiên... thì hậu quả đã và đang xảy ra. Kiến ba khoang tấn công cư dân vùng ven là một ví dụ.
Bình luận (0)