Bóng rối và ánh sáng
Có rất nhiều bóng, rất nhiều rối và bóng của những con rối trong vở Bóng rối của Nhà hát Kịch VN. Ở một phân cảnh, những con rối được giấu sau bức màn mỏng, ánh sáng rọi từ phía sau vào làm chúng đổ bóng đen lên bức màn đó. Rồi con rối cử động trong một chiếc ô dựng ngửa như một con thuyền. Đó là một ẩn dụ về thời thơ ấu, những gì hai người bạn đã trải qua trong thời thơ ấu. Nó cũng là một phép kết hợp thử nghiệm giữa kịch nói và rối.
Bóng rối là vở diễn có thiết kế mỹ thuật ánh sáng sân khấu tuyệt đẹp, đẹp cho cả phần rối lẫn phần kịch nói. Đó là một trong những vở diễn có yếu tố mỹ thuật hay nhất của sân khấu thủ đô trong 2 năm trở lại đây. Nghệ sĩ Hà Nguyên Long, người thiết kế mỹ thuật ánh sáng của vở, cho biết điều khó là cần thiết kế ánh sáng cho hai không gian thay đổi liên tục: không gian của quá khứ trong tưởng tượng và không gian thường ngày của nhân vật.
"Chúng tôi chọn cách luôn để là ánh sáng ban ngày, kể cả cảnh ban đêm cũng chọn ánh sáng ban ngày. Điều này là ẩn dụ cho việc nhân vật phải phơi mình trước sự tìm kiếm của cậu con trai. Các nhân vật hay được chiếu ven, chiếu nghiêng. Các con rối cũng được chiếu sáng linh hoạt", nghệ sĩ Hà Nguyên Long nói.
Những thử nghiệm liên sân khấu như thế trong khoảng vài năm gần đây xuất hiện nhiều. Chúng ta có xiếc kết hợp với cải lương trong Cây gậy thần của Liên đoàn Xiếc VN, một vở diễn dựa vào tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Sau Cây gậy thần, Liên đoàn Xiếc VN lại có thêm Thượng Thiên Thánh Mẫu với tích chuyện về Thánh Mẫu Liễu Hạnh kết hợp xiếc, cải lương và hát chầu văn.
Vở diễn có thể được coi là giữ kỷ lục về kết hợp các loại hình nghệ thuật kịch hát dân tộc là Ngàn năm mây trắng do các nghệ sĩ Nhà hát Đài tiếng nói VN thể hiện. Thời điểm vở kịch hát Ngàn năm mây trắng được công diễn, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ (tác giả kịch bản) cho biết: "Một nét đặc biệt, đây là vở kịch hát lần đầu tiên ở VN có sự kết hợp 4 loại hình sân khấu truyền thống của VN là chèo, cải lương, hát xẩm và hát văn Huế". Theo chiều dài của câu chuyện, người phụ nữ chờ chồng ra trận trở về, những loại hình nghệ thuật này được kết hợp nhuần nhuyễn trên sân khấu.
"Đã sáng tạo thì chẳng có giới hạn nào"
NSƯT Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch VN), đạo diễn của Bóng rối, cho biết việc kết hợp giữa con rối và người không có gì khó khăn. "Kể cả về nghệ thuật, rối cũng do con người điều khiển, phải chuyển được tâm hồn, cảm xúc của người điều khiển vào rối. Vở thiên về ý niệm, người ta tả ý và mang nhiều tính ẩn dụ. Con rối là một trong những yếu tố của sự ẩn dụ trong đó", đạo diễn Tạ Tuấn Minh chia sẻ.
NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương T.Ư, đạo diễn của các vở Cây gậy thần, Thượng Thiên Thánh Mẫu, cho biết khi ông thực hiện kết hợp cải lương với xiếc, cải lương với chèo và hát văn, cải lương với xiếc và hát văn, ông không nghĩ tới khó khăn. "Khi đã sáng tạo thì chẳng có giới hạn nào, cũng chẳng có khó khăn, thuận lợi gì. Giống như cải tạo thiên nhiên ấy, nếu cứ sợ khó khăn thì không làm gì hết hay sao? Đương nhiên, khó khăn là có, nhưng nó cũng đều có giải pháp", NSND Triệu Trung Kiên nói.
Với các vở diễn xiếc kết hợp kịch hát, có thể thấy các nghệ sĩ cải lương cũng đu bay. Những cảnh làng quê, hội làng được tái hiện sinh động với đu bay, nhảy múa… Tuy nhiên, có những thay đổi không phải ai cũng thích. Chẳng hạn, để phù hợp sân khấu cải lương, người ta phải ngăn một phần sân khấu tròn của xiếc lại. Điều này khiến việc xem xiếc không tối ưu được như với sân khấu tròn. Việc chiếu sáng cho một sân khấu cổ điển 3 mặt cũng khác với chiếu sáng cho xiếc.
Các vở mà NSND Triệu Trung Kiên dựng như Cây gậy thần hay Thượng Thiên Thánh Mẫu có chút "bó buộc" vì chỉ có thể được làm với kinh phí nhà nước, gói gọn trong phương thức hoạt động của các đơn vị nhà nước.
"Có trói chân, trói tay nhưng các nghệ sĩ bao giờ cũng mong muốn sáng tạo, nên những thử nghiệm mới vẫn được làm. Thử nghiệm có nghĩa là không chắc được khán giả có thích ngay hay không, sau đó cái gì đọng lại được sẽ đọng lại. Đó là những cuộc chơi cũng có yếu tố may mắn, với tham vọng cống hiến cho người xem trải nghiệm thú vị", ông Kiên nói. Vì thế, khó đến mấy, các nghệ sĩ cũng phải cố bàn cho ra phương án khả thi, làm sao để khán giả hài lòng nhất.
NSƯT Tạ Tuấn Minh cho biết: "Nghệ thuật đương đại là một loại hình mang tính giải cấu trúc cao. Ở đó, cấu trúc truyền thống có thể bị phá vỡ. Nghệ sĩ có thể đưa ý tưởng trong kết hợp các loại hình nghệ thuật để thể hiện được ý đồ của đạo diễn… Sân khấu có thể trống rỗng, không cần thiết phải là cái này, là cái kia mà có thể kết hợp những thứ người ta cảm thấy. Nghệ thuật là sự gợi mở tư duy, có nhiều mường tượng của cá nhân".
Bình luận (0)