Những võ sĩ Judo đã giúp kurash Việt Nam tiếp tục thống trị SEA Games

Minh Tân
Minh Tân
12/05/2022 14:18 GMT+7

Phải đến SEA Games 31 tại Việt Nam thì cụm từ kurash mới đến gần hơn với người hâm mộ khi đã đem về cho đoàn thể thao Việt Nam 6 tấm HCV sau 2 ngày thi đấu.

Kurash được xem là người “anh em” với môn Judo, nhưng trận đấu sẽ có thời lượng ngắn và các võ sĩ không được sử dụng những đòn nguy hiểm như ở môn võ Judo. Để thắng điểm, võ sĩ kurash chỉ được dùng tay tác động từ thắt lưng đối thủ trở lên, nếu dùng tay cầm quăng từ thắt lưng trở xuống sẽ bị phạt. Do đó bộ môn này nhấn mạnh vào yếu tố sức mạnh nhiều hơn là kỹ thuật.

Kurash Việt Nam tiếp tục thống trị tại SEA Games

MINH TÂN

Chính vì kurash có nhiều điểm tương đồng với Judo nên khi môn thể thao này được đưa vào thi đấu, không ít VĐV Judo đã được huấn luyện để tranh tài. Trao đổi với Thanh Niên, Võ sư Nguyễn Thanh Tài, HLV trưởng CLB Judo Quân Đội, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Judo Việt Nam cho biết: “Không phải VĐV nào thi đấu tốt Judo thì sẽ thi đấu tốt kurash và ngược lại. Xét về đặc thù riêng thì cả 2 có cách nắm võ phục để khống chế đối phương và cách di chuyển thực hiện kỹ thuật có chút khác biệt.

Tô Thị Trang giành HCV SEA Games, nụ hôn ngọt ngào và chuyện chồng bị “phế” võ công

Nên việc thi đấu theo môn cũng phải có sự chọn lọc kỹ lưỡng từ BHL để tìm ra VĐV phù hợp cho việc thi đấu có kết quả tốt nhất. Cụ thể võ sĩ theo môn nào còn phải tùy vào thể trạng và kỹ thuật của VĐV ấy. Còn việc lấy thành tích dễ hay khó là tùy vào thời điểm. Theo tôi nghĩ thì vài năm tới đây mọi thứ sẽ cân bằng và việc cạnh tranh sẽ rất khó khăn để có những tấm huy chương danh giá”.

Tô Thị Trang đem về cho đoàn thể thao Việt Nam tấm HCV đầu tiên tại SEA Games 31

MINH TÂN

Môn võ này lần đầu tiên xuất hiện tại SEA Games 30 được tổ chức ở Philippines năm 2019. Cũng tại sự kiện này, đoàn thể thao Việt Nam đã thâu tóm 7 HCV ở môn kurash. Thực tế, kurash không phải là môn thể thao mới ở Việt Nam. Bởi kể từ năm 2009, kurash đã được đưa vào thi đấu ở một số đại hội. Cụ thể như ở Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ III. Bản thân các võ sĩ của Việt Nam cũng đã tập luyện Kurash từ năm 2007.

Võ sư Nguyễn Thanh Tài chia sẻ thêm: “Việc VĐV tham gia cả 2 môn Judo và kurash là điều vô cùng thuận lợi cho VĐV. Tuy 2 môn có tên gọi khác nhau nhưng sâu trong bản chất thì cả 2 đều có nét tương đồng cao. Việc tập luyện cả 2 môn sẽ bổ trợ lẫn nhau rất nhiều và VĐV chỉ cần nắm rõ về luật đặc thù từng môn thì việc thi đấu sẽ mang lại hiệu quả tốt”.

Võ sư Nguyễn Thanh Tài, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Judo Việt Nam

LINH THƯ

Tại kỳ SEA Games 31 lần này chúng ta cũng đã có dịp chứng kiến sự thành công của Tô Thị Trang hay Phạm Nguyễn Hồng Mơ, Lê Công Hoàng Hải, Lê Đức Đông…những người vốn xuất thân là một võ sĩ Judo đã giúp cho Kurash Việt Nam tiếp tục thống trị tại sân chơi Đông Nam Á với 6 HCV trong 10 nội dung thi đấu. Thành tích này đã vượt chỉ tiêu mà đội được giao trong kỳ đại hội trên sân nhà năm nay khi môn võ này vẫn còn 3 bộ huy chương ở các hạng -73kg nam, -57kg và -70kg nữ vào ngày 13.5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.