(Tin Nóng) Với đội bay 50 chiếc gồm Su-24M, Su-25SM, Su-30SM, Su-34 cùng trực thăng Mi-24 và Mi-8, lực lượng Nga đang oanh kích phiến quân IS dữ dội ở Syria. Tuy vậy các chuyên gia quân sự Nga cũng cảnh báo một số vũ khí của phiến quân có thể đe doạ máy bay và phi công Nga.
Phi công Su-34 của Nga tại căn cứ không quân gần Latakia, Syria - Ảnh: RIA
|
Do quân IS không có máy bay, nên chỉ có những vũ khí mặt đất mới là mối đe doạ cho các phi công Nga, nhất là trực thăng vì bay thấp và chậm tuy gây nhiều thiệt hại cho phiến quân vì hoả lực hùng hậu của nó.
Các chuyên gia quân sự Nga liệt kê một số vũ khí của phiến quân IS thu được từ quân đội Iraq có thể gây hại cho máy bay Nga, theo trang tin quân đội Nga ngày 2.10.
Tên lửa phòng không vác vai
Loại tên lửa này khó kiếm trên thị trường chợ đen do lệnh cấm phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, phần lớn là chiến lợi phẩm IS thu được của quân đội Iraq và Syria. Theo nhiều nguồn tin, tên lửa vác vai của IS chủ yếu là loại có từ những năm 1960 và 1980. Chẳng hạn tên lửa Stinger (tức FIM-92, của hãng Raytheon, Mỹ sản xuất) và loại Strela (SA-7) do Liên Xô sản xuất. Cả hai loại tên lửa này từng gây thiệt hại cho phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (loại Strela) và Liên Xô trong chiến tranh Afghanistan (loại Stinger).
|
Tên lửa phòng không vác vai là kẻ thủ đáng sợ của trực thăng và máy bay bay tầm thấp - Ảnh: ARES
|
Ngoài ra IS còn sở hữu tên lửa mang vác loại FN-6 do Trung Quốc sản xuất, loại này từng bắn rơi 1 tiêm kích MiG-17 của không quân Syria.
Trong chiến tranh Việt Nam, tên lửa vác vai Strela (SA-7) do Liên Xô viện trợ đã bắn rơi hơn 200 máy bay chiến đấu và trực thăng của Mỹ. Thời quân đội Liên Xô tham chiến ở Afghanistan, loại tên lửa Stinger do Mỹ cung cấp cho các phe nổi dậy ở đây là nỗi ám ảnh với trực thăng và máy bay Liên Xô. Một sĩ quan không quân vũ trụ Nga nói với trang tin quân đội Nga rằng Stinger là loại tên lửa tầm nhiệt từng bắn hạ nhiều máy bay Liên Xô ở Afghanistan. Nhưng nay không quân đã có nhiều cách chống loại tên lửa này như thả hoả châu. Tuy nhiên tên lửa vác vai vẫn nguy hiểm với trực thăng vì bay thấp.
Súng phòng không tự hành
Súng phòng không tự hành ZSU 23 Shilka
|
Phiến quân IS được cho có các loại súng phòng không tự hành, loại ZSU 23 Shilka với 4 nòng súng, do Liên Xô chế tạo từ những năm 1960. Tuy đã cũ nhưng loại vũ khí bắn đạn cỡ 23 mm này vẫn đáng sợ với máy bay và trực thăng bay thấp dưới 1,5 km. Bốn nòng súng của hệ thống này có thể bắn ra 3.400 viên đạn/phút và tự động chỉnh hướng bắn.
Trong khi đó trực thăng Mi-24 và Mi-8 chỉ bọc giáp chống được đạn cỡ súng trường 7,62 mm, theo phi công trực thăng Alexander Zabudko. Những điểm dễ bị tổn thương của trực thăng là động cơ, bình nhiên liệu, cánh quạt.
Ngoài ra IS còn có các loại súng phòng không cỡ nhỏ như TAL-1 (có từ những năm 1950) bắn đạn 14,5 mm, có thể bắn trúng máy bay ở độ cao 1,5 km.
Tên lửa phòng không
Tên lửa 2K12 Kub, chiến lợi phẩm của IS thu từ quân đội Iraq - Ảnh: Twitter
|
Có lẽ nguy hiểm nhất với máy bay Nga ở Syria là hệ thống tên lửa đất đối không 2K12 Kub, do Liên Xô chế tạo từ cuối những năm 1960. Loại này rất giống tên lửa Buk được cho đã bắn rơi máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines năm 2014. Tên lửa của Kub bay cao 14 km, tốc độ bay 600 m/giây.
Hồi năm 1999, trong cuộc chiến ở Nam Tư, một tên lửa Kub đã bắn rơi máy bay tàng hình F-117 của Mỹ. Bốn năm trước đó tên lửa này cũng bắn rơi 1 chiếc F-16 trong cuộc chiến ở Serbia. Tên lửa Kub cũng bắn rơi 60 máy bay Israel trong các cuộc chiến tranh giữa Ả Rập và Israel.
Ngoài ra còn có hệ thống tên lửa tầm gần Osa (của Nga chế tạo, bắn hạ máy bay ở độ cao đến 5 km) được các lực lượng đối lập ở Syria sử dụng chống quân chính phủ Syria. Osa đã bắn rơi 2 trực thăng Mi-8 và Mi-17 của không quân Syria.
Xe bọc thép
Xe bọc thép BMP-1 của phiến quân IS - Ảnh: Militaryfactory
|
Dù không có máy bay, quân IS vẫn có khả năng tấn công máy bay và phi công Nga bằng cách dùng xe bọc thép đánh vào căn cứ không quân của Nga ở Latakia. Do vậy hiện căn cứ này được lính thuỷ đánh bộ của Hạm đội Biển Đen bảo vệ chặt chẽ.
IS có nhiều xe bọc thép chiếm được từ quân đội Iraq, gồm các loại xe của Liên Xô và Mỹ sản xuất, như tăng T-55 và T-62 (Liên Xô), M1 Abrams (Mỹ), xe bọc thép M113 (Mỹ), BMP-1 và BMP-2 (Liên Xô). Ngoài ra phiến quân còn có các loại xe chiến đấu hạng nhẹ như Humvee, Cougar và Guardian.
Pháo binh
Pháo tự hành 2S1 Gvozdika trong tay phiến quân IS
|
Quân IS có loại pháo M198 loại 155 mm do Mỹ sản xuất, cung cấp cho quân đội Iraq, tầm bắn xa 18 km; và pháo 130 mm loại Type 59 của Trung Quốc (copy pháo M-46 của Liên Xô) bắn xa đến 35 km.
Nguy hiểm nhất là loại pháo tự hành 2S1 Gvozdika do Liên Xô sản xuất, bắn đạn 122 mm bay xa 15 km.
Súng phóng lựu, súng trường
Quân IS diễu hành với các vũ khí chủ yếu thu được từ quân đội Iraq - Ảnh: voennoe.rf
|
Nga đã tăng cường bảo vệ cho căn cứ không quân ở Latakia - Ảnh: RIA
|
Các loại súng phóng lựu (RPG) mà IS sở hữu là các loại do Liên Xô, Nam Tư, Croatia sản xuất đa số, như RPG-7 của Liên Xô, M79 của Nam Tư và RSF-6 (Croatia). IS còn có tên lửa chống tăng HJ-8 của Trung Quốc đã từng bắn rơi 2 trực thăng Mi-8 của Không quân Syria.
Các vũ khí nhỏ của IS còn có súng trường M-16 của Mỹ, súng AK và súng bắn tỉa Dragunov, cả súng máy Shpagin từng được Liên Xô sử dụng vào năm 1939.
Anh Sơn
>> Cuộc sống quân nhân Nga ở căn cứ không quân tại Syria
>> Tàu chiến Nga triển khai bảo vệ một phần không phận Syria
>> Xem tiêm kích bom Su-34 huỷ diệt căn cứ chỉ huy của IS ở Syria
>> Su-34 Nga lần đầu xuất kích không ném được bom ở Syria
>> Tìm hiểu các loại máy bay Nga tác chiến ở Syria
>> Các máy bay Nga đến Syria như thế nào?
Bình luận (0)