Nepal – vĩnh biệt nền quân chủ
Gyanendra – vị vua cuối cùng của Nepal - Ảnh: Reuters |
Vua Jigme Khesar Namgyal Wangchuck của Bhutan, vị quốc trưởng trẻ nhất thế giới - Ảnh: AFP |
Nepal với tư cách là một vương quốc đã có lịch sử hàng ngàn năm. Đến khi thực dân châu u đẩy mạnh cuộc xâm chiếm châu Á vào cuối thế kỷ 18, nửa đầu thế kỷ 19, xã hội Nepal bắt đầu chịu những ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Dù vẫn giữ thể chế quân chủ chuyên chế, nhưng quốc gia nằm trong dãy Himalaya này đã bắt đầu có một số đổi thay về quyền lực của vương triều. Đến năm 1959, một thể chế chính trị đa đảng được đưa ra thử nghiệm nhưng nhanh chóng cáo chung khi Vua Mahendra đình chỉ quốc hội và nắm trọn quyền lực.
Dù nền dân chủ không được thiết lập vào lúc đó, nhưng những đổi thay về chính trị đã hiện diện rõ. Đây chính là tiền đề dẫn đến những đổi thay to lớn sau này, khi nền quân chủ chuyên chế chấm dứt vào năm 1990 với việc Vua Birendra chuẩn thuận chuyển Nepal sang thể chế quân chủ lập hiến. Nepal từ đó có quốc hội gồm Hạ viện và Thượng viện (Hội đồng Quốc gia). Hạ viện gồm 205 ghế, do dân trực tiếp bầu. Còn Thượng viện gồm 60 ghế, trong đó có một số do Quốc vương đề cử, một số do Hạ viện bầu và một số do các lãnh đạo địa phương bầu. Quốc vương vẫn là nguyên thủ quốc gia, nhưng dưới ông còn có thủ tướng và nội các. Với thể chế chính trị này, quyền lực không còn hoàn toàn nằm trong tay nhà vua nữa.
Sau sự chuyển đổi vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nền chính trị Nepal tiếp tục bất ổn do nhiều nguyên nhân: lực lượng nổi loạn tăng cường chiến dịch vũ trang chống chính phủ, nền kinh tế kém phát triển tác động xấu tới chính trị, các phe phái chính trị đối nghịch bất đồng sâu sắc và hành động thâu tóm quyền lực của nhà vua... Thế nên từ sau khi thể chế quân chủ lập hiến được thành lập, không chính phủ nào tại Nepal tồn tại quá hai năm, thường là sụp đổ do bất đồng nội bộ hoặc bị Quốc vương giải tán.
Năm 2001, vụ thảm sát trong cung điện Nepal đã đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ. Vua Birendra bị bắn chết cùng với 10 người khác trong một bữa tiệc. Thủ phạm của bữa tiệc máu này là Hoàng thái tử Dipendra, người cũng bị trọng thương vì dính đạn trong vụ này. Sau đó, Dipendra dù đang trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh cũng được thừa kế ngai vàng của Vua Birendra. Tuy nhiên, Dipendra chỉ làm vua được có ba ngày thì chết, mở đường cho em trai của cố vương Birendra là Gyanendra lên ngôi.
Sau khi nắm giữ ngai vàng, Quốc vương Gyanendra đã giải tán chính phủ và quốc hội để thâu tóm quyền lực một thời gian vào năm 2002. Đến tháng 2.2005, ông lặp lại hành động này với một mức độ trầm trọng hơn khi ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và quản thúc hầu hết các chính trị gia đối lập. Quốc vương Gyanendra còn ra lệnh cắt điện thoại, internet khắp cả nước đồng thời đặt báo chí dưới sự quản lý của mình. Những hành động đó đã đẩy đất nước Nepal vào tình trạng bất ổn trầm trọng. Các đảng phái đối lập từ đó cũng đẩy mạnh phong trào chống nhà vua. Thế rồi các cuộc đình công và biểu tình rầm rộ ở thủ đô Kathmandu đã buộc ngài Gyanendra phải thành lập một quốc hội lâm thời vào tháng 4.2006. Một liên minh gồm 7 chính đảng đã cùng nhau xây dựng chính phủ sau đó. Đến ngày 28.12.2007, sự cáo chung của vương triều Nepal đã được quyết định khi các đảng phái chính trị cùng quốc hội lâm thời thống nhất kế hoạch tước bỏ quyền lực nhà vua và tuyên bố Nepal là quốc gia theo chế độ cộng hòa. Theo dự kiến, vào tháng 4 này, Quốc vương Gyanendra sẽ chính thức rời ngai vàng để nhường quyền lãnh đạo đất nước cho một chính phủ dân cử. Như vậy, ông Gyanendra, 60 tuổi, đang đi vào lịch sử với tư cách là vị vua cuối cùng của Nepal.
Bhutan – quyền lực nhà vua suy giảm
Người dân Bhutan trong cuộc bầu cử lịch sử vào ngày 24.3 vừa qua - Ảnh: AFP |
Để tiến tới bước ngoặt vừa qua, Bhutan đã có một quá trình chuẩn bị khá dài, trong đó bước tiến mang tính đột phá là việc giới thiệu dự thảo hiến pháp vào tháng 3.2005. Dự thảo này đề cập đến việc thành lập một nghị viện dân cử. Vào cuối năm 2005, Quốc vương Jigme Singye Wangchuck, người đã trị vì đất nước từ năm 1972, tuyên bố ông sẽ thoái vị khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào năm 2008. Tuy nhiên, đến năm 2006, ngài Jigme Singye Wangchuck đã thoái vị, nhường ngôi lại cho Hoàng thái tử Jigme Khesar Namgyal Wangchuck, sinh năm 1980. Đến tháng 4.2007, Bhutan đã tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thử để chuẩn bị cho cuộc bầu cử chính thức vào tháng 3 này. Ngay trước ngày bầu cử 24.3 vừa qua, tiến trình dân chủ đã gặp một thách thức lớn khi xảy ra một loạt vụ đánh bom tại Bhutan. Tuy nhiên, rốt cuộc thì cuộc bầu cử vẫn diễn ra suôn sẻ và nhà nước Bhutan theo chế độ quân chủ lập hiến ra đời.
Khác với sự thay đổi tại Nepal, nơi Quốc vương Gyanendra mất hết quyền lãnh đạo đất nước khi thể chế cộng hòa được thiết lập, ở Bhutan, ngài Jigme Khesar Namgyal Wangchuck vẫn ở trên ngai vàng. Tuy nhiên, quyền lực của Quốc vương Bhutan không còn được như xưa, vai trò của ông giờ mang nhiều tính lễ nghi.
Những vương triều còn lại
Chế độ quân chủ chuyên chế là hình thái nhà nước đặc trưng của thời kỳ phong kiến. Sau khi nổ ra các cuộc cách mạng tư sản ở châu u, đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, các nhà nước quân chủ chuyên chế dần dần biến mất, thay vào đó là thể chế dân chủ hoặc quân chủ lập hiến. Sự biến mất của các chế độ quân chủ chuyên chế đặc trưng của thời kỳ phong kiến là một quá trình không thể cưỡng lại trong sự phát triển đi lên của xã hội.
Theo thống kê của từ điển mở trực tuyến Wikipedia, hiện nay thế giới có 45 nhà nước theo chế độ quân chủ (kể cả Nepal). Con số này bao gồm cả 16 quốc gia trong Khối liên hiệp Anh, vốn coi Nữ hoàng Elizabeth II là quốc trưởng. Trong số 45 quốc gia nói trên, số nước theo thể chế quân chủ chuyên chế hiện còn rất ít, có thể kể ra một vài ví dụ như Swaziland, Oman, Ả Rập Xê Út... Thậm chí ngay tại một số quốc gia quân chủ chuyên chế thì nhà vua lãnh đạo đất nước cũng có phạm vi quyền hạn nhỏ hơn so với thời phong kiến, ngoại trừ vài trường hợp cá biệt như Vua Mswati III, người có tới hơn 10 bà vợ và đang hưởng thụ cuộc sống xa hoa ở Vương quốc Swaziland đang nằm trong nhóm nghèo nhất thế giới. Còn ở các quốc gia quân chủ lập hiến, nhà vua (hoặc nữ hoàng) vẫn là quốc trưởng, nhưng họ không còn là những vị vua chúa đầy quyền lực thực tế, không còn là “thiên tử” nữa. Họ giờ đây là những lãnh tụ tinh thần, quyền lực của họ chủ yếu là về mặt tinh thần.
Những vương triều chuyên chế đang biến mất để nhường chỗ cho những thể chế dân chủ. Đó là một quá trình phát triển tất yếu của lịch sử.
|
Châu Minh Linh
Bình luận (0)