Những xe ôm dùng tay, 'xổ tiếng Anh' bắt khách ngay trung tâm thành phố

20/10/2017 09:35 GMT+7

Giữa thời buổi công nghệ, Grab, Uber họ vẫn miệt mài dùng tay ngoắc, lâu lâu xổ một tràng tiếng Anh 'bồi' để mời đi xe ôm. Một nửa đời trên những chuyến xe chạy suốt đêm ngày, những người lái xe ôm ở phố Tây đã đi cùng biết bao thăng trầm nơi bến đậu nhộn nhịp ấy.

Không chỉ là câu chuyện đội mưa đội nắng mưu sinh, mà họ bám nghề chỉ đơn giản vì “không bỏ được”. Bùi Viện nổi tiếng là một con phố không ngủ giữa Sài Gòn. Và chỉ cần những cuộc vui thâu đêm suốt sáng còn nhộn nhịp, là còn đó những người lái xe ôm lặng lẽ ngồi chờ khách.
Ông Hạnh cho biết: “Cứ một tốp đứng bến từ sáng đến 22 giờ đêm, thì tốp khác lại chạy từ đêm đến sáng, anh em san sẻ nhau mà sống
Niềm vui của họ chỉ là dăm ba câu đùa, chia nhau chuyến xe, điếu thuốc
Đứng chờ khách… ngắm chân dài
Gần 0 giờ, dưới cơn mưa đêm lất phất, các quán xá nơi phố Tây vẫn không ngừng tấp nập. Cách đó không xa, nơi ngã ba, ngã tư đường, những người đàn ông vội khoác chiếc áo mưa lên người. Họ vẫn kiên nhẫn chờ chạy những cuốc xe đêm, mặc cho cơn mưa ngày càng nặng hạt.
Ông Đỗ Tấn Khoa (63 tuổi), một trong những xe ôm cao tuổi nhất ở đây, đã có thâm niên làm nghề gần nửa cuộc đời mình. “Tôi chạy xe ôm từ trước năm 90, hồi khu này còn vắng hoe, tính ra đứng đây gần 30 năm rồi”, ông Khoa kể. Dù 2 người con ông đã ổn định công việc, nhưng đêm nào ông cũng thức trắng chạy từng cuốc xe. “Cái nghề nó như ăn vào máu rồi. Còn sức là còn chạy, phụ thêm cho tụi nhỏ. Với lại ở nhà nhìn mặt vợ riết... buồn thúi ruột!”, vừa châm điếu thuốc cho đỡ lạnh, ông vừa pha trò.
Ông Huỳnh Văn Hạnh (49 tuổi), đứng bến này đã hơn 20 năm nay, cũng đùa theo: “Ở đây ai cũng chán vợ, mới ra đây ngắm mấy cô chân dài này!”. Vừa nói xong thì ông có khách, là một cô gái rất trẻ. Ông ngoái lại nói ráng một câu: “Vừa chở người đẹp vừa có tiền. Thấy nghề này sướng hông?”, rồi mới chịu chạy xe đi. Nếu các hàng quán nơi đây vui thú bởi những thứ đắt đỏ, thì niềm vui của những người đàn ông này chỉ là dăm ba câu đùa, chia nhau chuyến xe hay điếu thuốc vậy thôi.

tin liên quan

GrabBike - Những cuốc xe đời - Kỳ 6: Thạc sĩ, ca sĩ chạy GrabBike
Ngày nọ, cổng chính dành cho giáo viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có một tài xế GrabBike chạy thẳng xe vào. Bảo vệ chặn lại: “Đón khách ngoài kia, anh ơi!”. Tài xế cởi khẩu trang, anh bảo vệ ngẩn người vài giây vì nhận ra người quen: thạc sĩ hóa học Phùng Gia Thịnh.
Từ ngày có “xe ôm công nghệ”, cuộc sống của họ bấp bênh hơn
“Hầu hết anh em ở đây đều đăng kí để phường quản lí, có áo, có thẻ đàng hoàng”, ông Hạnh cho biết.
Nhọc nhằn trắng đêm, nhưng đồng tiền cánh xe ôm thu được lại chẳng là bao. Ông Hạnh trở về với 10 nghìn từ chuyến xe lúc nãy, lại tiếp tục trải lòng: “Xưa có ngày được tới 3 - 4 trăm, từ hồi Grab, Uber gì đó chạy xanh trời, kiếm 1 trăm thôi đã đỏ con mắt rồi. Ấy là tôi chạy khỏe hơn anh em lớn tuổi khác đấy!”.
Ông Lê Văn Tuấn (56 tuổi) cũng thở dài: “Khách vãng lai coi như mất. Còn mối thì 10 đã mất hết 5. Ráng trụ thôi, chén cơm mà”. Được biết, ông Tuấn chạy xe ôm để lo cho đứa con trai tâm thần hơn chục năm qua.
Tuy vậy, khu vực phố Tây chưa hề có xô xát, các trường hợp bắt khách ngoài ứng dụng của cánh “xe ôm công nghệ” chỉ được các bác tài nơi đây nhắc nhở rồi thôi. Vì đã bám nghề gần nửa đời người nên họ hiểu.
“Người ta cũng không khá giả gì mới đi chạy xe ôm, miễn đừng sai luật. Người biết chuyện thì không bao giờ có chuyện”, ông Khoa phân trần.
Cứ khoảng 21 giờ hằng ngày, ông Khoa lại có mặt ở góc ngã ba đường Bùi Viện - Đỗ Quang Đẩu để chở khách, tận 5 – 6 giờ sáng mới trở về nhà nghỉ ngơi
Những cuốc xe chỉ có ở phố Tây
Hàng chục năm trong nghề, các bác tài xe ôm ở đây đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm. Vui có, buồn có, cả… buồn cười cũng có, từ những cuốc xe chỉ có ở phố Tây.
Ông Hạnh kể: “Lần đó, có cô Tây kêu xe khoảng đâu 2 giờ sáng. Vắng khách từ đầu hôm nên cũng mừng. Tôi chở cổ chạy sang Q.4, xong cổ xuống xe nhìn nhìn ngó ngó, xong bảo nhầm đường, bắt tôi chạy ngược về Phú Nhuận. Suốt trên đường, cổ cứ nói cái gì liên tục tôi không nghe được. Lúc sắp đến thì cổ lại nằng nặc bảo tôi cổ ở Q.5. Hết kiên nhẫn, tôi bước xuống xe thì mới thấy bả cứ vò đầu bứt tóc. Nhìn là biết ngay đang ngáo đá!”. Lúc đó ông Hạnh cũng chẳng biết phải khóc hay cười, chỉ biết trời đã hửng sáng và mình vừa mất cả chuyến xe.
Một điều đặc biệt là các xe ôm ở khu vực phố Tây đều biết tiếng Anh, không nhiều thì ít, không ít thì cũng “lận lưng” vài câu về điểm đến, giá cả.
Vậy mà có lần, ông Tám (60 tuổi) – một xe ôm ở góc đường Đề Thám giao với Trần Hưng Đạo – cũng lâm vào tình huống dở khóc dở cười. Ông kể: “Có ông da đen bắt xe, tôi ráng nghe được ổng kêu chở tới đường Bạch Đằng ở Bình Thạnh. Tới nơi thì ổng gọi điện thoại cho ai đó đón mà sao không thấy, cứ hỏi tôi chỗ này đúng chưa đúng chưa? Nghi nghi, tôi kêu viết địa chỉ ra xem, xong ổng đưa điện thoại, tôi mới biết Bạch Đằng ở bên Tân Bình!”.
Ông Trần Ngọc Thành (54 tuổi) đứng bến đầu đường Bùi Viện, lại kể về những người khách kêu chở đến nơi rồi bảo chờ, họ vào trong hẻm mua đồ xong sẽ ra đi về. Đợi hồi lâu vẫn chẳng thấy tăm hơi, ông biết mình đã bị lừa. Cuốc xe coi như mất trắng. Nhưng cũng có những kỉ niệm ấm lòng, như ông vì tính tình hài hước nên hay pha trò khi chở khách. Lần sau khách muốn đi lại tìm ông cho bằng được, có người còn đùa và bảo vì đi xe ông thoải mái nên cho hẳn “6 sao”.
Cứ vậy, hàng chục năm nay, những người đàn ông xấp xỉ ngũ tuần ấy vẫn miệt mài trên từng cây số. Mỗi người lại có một câu chuyện đời riêng, những kỉ niệm buồn vui riêng, khiến họ không bỏ được cái nghề đội mưa đội nắng. Không chỉ là những chuyến xe mưu sinh ngày đêm, mà còn như lời ông Khoa đã nói: “Cái nghề như ăn vào máu rồi. Còn sức là còn chạy…”
Ông Tám nhiều lần trải qua những câu chuyện dở khóc dở cười khi làm nghề
Có những tình huống đầy trớ trêu chỉ có ở phố Tây
Ông Thành vui tính, hay pha trò với khách, nên lần sau khách lại tìm đến đúng chỗ ông mới chịu đi
Những vui buồn ấy khiến họ không bỏ được cái nghề đội mưa đội nắng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.